Đón cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Dư địa trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng như Mỹ hay Đức đang được mở rộng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp phụ trợ, công nghệ đang rốt ráo nắm bắt cơ hội trở thành đối tác, nhà cung cấp tin cậy cho chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp phụ trợ, công nghệ của Việt Nam đang có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp phụ trợ, công nghệ của Việt Nam đang có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Khi doanh nghiệp Việt chủ động “đổi vai”…

Ngay trong những ngày đầu tháng 12/2024, thông tin hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ - Nvidia và Google - quyết định hiện diện và đầu tư tại Việt Nam được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là tín hiệu rất tích cực về thu hút đầu tư. Cụ thể, Nvidia sẽ mở Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao (R&D) và Trung tâm Dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, rồi mua lại VinBrain - công ty chuyên về AI của Vingroup. Phía Google cũng công bố kế hoạch mở Công ty Google Việt Nam, dự kiến sẽ hoạt động từ tháng 4/2025.

TS Lê Cao Thanh, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược (Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Việc Mỹ, Đức chuyển dịch sự quan tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể khiến “làn sóng” đầu tư trực tiếp ngước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng cao. Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp phụ trợ, công nghệ của Việt Nam, nếu biết cách nắm bắt thời cơ để tham gia vào chuỗi giá trị của họ trên toàn cầu.

Cũng trong năm nay, theo Báo cáo Triển vọng doanh nghiệp thế giới mùa thu 2024 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam công bố mới đây, đầu tư của quốc gia này tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, thể hiện quan hệ hợp tác ngày càng vững mạnh giữa hai quốc gia, với hơn 530 doanh nghiệp Đức đang hoạt động, tổng vốn 3,6 tỷ USD trải rộng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, logistics, năng lượng, công nghệ cao… Tăng trưởng kinh tế ổn định và vai trò chiến lược của Việt Nam như một trung tâm sản xuất, xuất khẩu giúp doanh nghiệp Đức đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho sự đổi mới và hợp tác. Xu hướng này phù hợp định hướng phát triển của doanh nghiệp Đức.

Với nhận định về xu hướng chuyển đổi từ mối quan hệ nhà cung cấp đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn diện đang ngày càng rõ nét, TS Scott McDonald, chuyên gia ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Trường đại học RMIT) cho rằng: Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược cho các chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó trước những biến động thị trường.

Thực tế, thay vì chỉ cạnh tranh về giá, các nhà sản xuất Việt Nam đang hướng tới phát triển các sản phẩm độc đáo và khả năng chuyên biệt, khiến họ trở thành đối tác giá trị của các doanh nghiệp FDI toàn cầu.

Tạo nền móng, xây niềm tin

Việc “đặt nền móng” cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi giá trị của các quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức là rất quan trọng trong lúc này. Đây cũng là cách thức để Việt Nam củng cố hệ sinh thái kinh doanh trở nên bền vững và hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao.

Một trong những yếu tố tạo “nền móng” vững chắc chính là tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi về việc nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ.

Chia sẻ tại hội thảo “Khởi động, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ, nhà máy thông minh theo chuẩn 4.0”, TS Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Nền tảng IoT (Tổng công ty Công nghiệp, Công nghệ cao Viettel - Viettel Hightech) thẳng thắn chỉ ra, thực tế đáng lo ngại là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so các quốc gia phát triển. Và do không nắm được thiết kế, công nghệ lõi, nên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia công đoạn lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Thế nên, dù xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, giá trị thật sự để lại trong nước còn khá hạn chế, đặt nền kinh tế Việt Nam trước thách thức lớn của “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Theo nhận định của TS Nguyễn Thái Tùng, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, để đạt được lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đi đôi với xây dựng nhà máy thông minh để bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, TS Lê Cao Thanh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng tay nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngoài ra, điều không thể thiếu để “đặt nền móng” với chuỗi giá trị toàn cầu là các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực tuân thủ thương mại. Theo TS Scott McDonald, việc đầu tư vào chuyên môn và hệ thống nhằm bảo đảm quá trình thông quan trôi chảy không chỉ giúp duy trì vị thế là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp toàn cầu mà còn củng cố lòng tin với đối tác. Khi lựa chọn tham gia chuỗi giá trị, các doanh nghiệp Việt Nam nên xác định rõ vai trò, quy mô và tỷ lệ giá trị của hoạt động mà mình tham gia trong tổng giá trị của chuỗi. Việc Việt Nam hợp tác với các “ông lớn” công nghệ, buộc các doanh nghiệp phải học cách đi tắt đón đầu và “đứng trên vai người khổng lồ” để có thể hiện thực hóa giấc mơ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

"Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu không phải là giấc mơ xa vời. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị cho một tương lai đầy triển vọng trong nền kinh tế số hóa".

Bà ĐỖ THỊ THỦY HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam