Đây chính là lý do dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được đưa vào nội dung chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV để sửa đổi và thay thế Luật số 69/2014/QH13.
Vẫn tiềm ẩn nhiều vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp
Sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật tại hội trường, một trong những nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là đề xuất về những điều cấm trong hoạt động đầu tư, quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực này, và để cán bộ được giao trách nhiệm dám làm, dám đầu tư.
Theo quy định tại dự thảo luật, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào: ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, và được phép kinh doanh trong các lĩnh vực này. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: bổ sung vốn vào doanh nghiệp; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và đầu tư vốn thông qua dự án đầu tư.
Đối với nội dung này, cơ quan thẩm tra nhận định, về quy định tám hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dù cho rằng quy định này đã cơ bản bảo đảm chặt chẽ, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị, cân nhắc không quy định các nội dung “khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư”, “vượt mức vốn đầu tư”, “không đúng nguồn vốn đầu tư”, xác định “đúng nguồn vốn đầu tư” vì đây là những quy định chỉ phù hợp các dự án đầu tư công, nếu áp dụng với doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
Về hình thức đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo luật chưa bao quát hết các hình thức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chưa phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Điều này, có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
“Nếu quy định như dự thảo, doanh nghiệp sẽ lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”, cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội băn khoăn khi điều cấm về quy định hành vi “cung cấp thông tin không kịp thời” vừa quá rộng, vừa dễ dẫn đến vi phạm.
Đã đầu tư phải có lỗ, có lãi!
Thực tế, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, và đến nay vẫn đang phải giải quyết hậu quả, việc này dẫn đến tâm lý e ngại trong sử dụng vốn ở nhiều doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lập luận, dự án luật này cần quy định rõ, giải quyết được các khúc mắc hiện nay để các doanh nghiệp tự tin sử dụng vốn.
Khi Nhà nước quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, thì vốn đó là của Nhà nước, nhưng khi vốn về với doanh nghiệp, thì đó lại là vốn doanh nghiệp. “Đã đầu tư là có rủi ro, nếu do cố ý phải xử lý, còn do các yếu tố khách quan thì phải chấp nhận. Như vậy, Luật cần được thiết kế sao cho có sự phân cấp để vừa bảo đảm tự chủ, kịp thời cho doanh nghiệp trong đầu tư, vừa có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhằm tránh tiêu cực, thất thoát. Khi thấy có dấu hiệu tiêu cực phải thanh kiểm tra ngay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Nhìn nhận đây là dự án luật rất quan trọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, về vấn đề phần vốn nhà nước, cần quy định rõ vốn nhà nước là vốn điều lệ, còn phần vốn tăng lên trong quá trình kinh doanh là vốn của doanh nghiệp. Và cần phân định rõ phần vốn thuộc về Nhà nước hay của các cổ đông khác. Nếu không phân định rõ ràng, khi doanh nghiệp mang phần vốn tăng thêm đó đi đầu tư lỡ thua lỗ, cán bộ có thể bị quy trách nhiệm gây thất thoát tài sản Nhà nước, trong khi thực tế phần vốn tăng thêm đó không hoàn toàn là của Nhà nước. Đây là một nghịch lý, cần được tháo gỡ trong dự án luật này nhằm tạo điều kiện cho tư nhân yên tâm đầu tư.
Thực tế minh chứng, đầu tư là sẽ có lãi, có lỗ, nhưng song hành đó lại là nguyên tắc “bảo toàn vốn”, cho nên trong dự thảo luật cần quy định kỹ, nhất là với đầu tư của phần vốn gia tăng, tích lũy. Một doanh nghiệp có thể trải qua thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn đánh giá, dự thảo luật vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được tâm lý cho các nhà đầu tư, chưa thoát khỏi tư duy cũ. Đã đầu tư phải chấp nhận chuyện “có lỗ, có lãi”, nên doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt trong hoạt động, cũng như đánh giá của cơ quan giám sát. Nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý, nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan cần phải được xem xét.
Theo dự kiến, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các nội dung này vào ngày 29/11, và thông qua tại Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025.
Những bất cập của quy định hiện hành đã làm chậm, thậm chí làm mất cơ hội của các doanh nghiệp nhà nước lớn như: Vietnam Airlines hay các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Thí dụ như vấn đề tự chủ trong sản xuất kinh doanh, quyền tự quyết của doanh nghiệp chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải kịp thời lấp các “khoảng trống” pháp lý đó theo hướng tạo bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”
Phó Thủ tướng HỒ ĐỨC PHỚC