Khi sức mua dần cải thiện
Là doanh nghiệp thương mại chuyên kinh doanh hàng nhu yếu phẩm ở các tỉnh khu vực phía bắc, ông Hoàng Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Tiến Thành cho biết, hiện nay, không chỉ khối doanh nghiệp thương mại, tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ mùa Noel, Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng để cung ứng ra thị trường. Nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đều sẽ tăng mạnh dịp cuối năm.
Theo số liệu thống kê tính đến thời điểm ngày 7/12 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 12,5%. Tổng dư nợ của nền kinh tế đến thời điểm hiện nay khoảng 15.300 nghìn tỷ đồng. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, tương đương với hơn 2 triệu tỷ đồng đưa ra nền kinh tế, thì dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong khoảng hơn một tháng cuối năm 2024 là 520.000 tỷ đồng.
Nền kinh tế trong nước đã có nhiều thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các góc độ, các lĩnh vực. Xuất khẩu tăng nhanh và các doanh nghiệp nhìn chung đã phát triển trở lại như mức độ phát triển của những năm trước. Đây là cơ sở để tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh so năm 2023".
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ĐÀO MINH TÚ
Trong bối cảnh sức mua dần cải thiện, không chỉ các ngân hàng thương mại, mà các công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, tiêu dùng của khách hàng dịp cuối năm với kỳ vọng đặt vào sự tăng trưởng tín dụng. Các chuyên gia tài chính ước tính, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm 2024 và năm sau sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan, sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao nhất, với 660.000 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của cơ quan quản lý, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt hơn 145.000 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tín dụng tiêu dùng, tăng 46,5% so cùng kỳ năm trước. Nhờ nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có mảng vay tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính. Các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, VietinBank, VPBank... đang đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp mục đích vay vốn của khách hàng.
Nhu cầu tín dụng đang tăng trưởng gắn liền sự phục hồi của nền kinh tế, các yếu tố như nhu cầu vay vốn mua sắm trang thiết bị gia đình dịp cuối năm và tiện ích từ thẻ tín dụng đã không chỉ hỗ trợ tích cực nhu cầu cuộc sống của người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều địa phương phát triển mạnh mẽ.
Ông Lê Hoàng Minh cho rằng, năm nay, nguồn lực cho vay và nguồn vốn huy động được bảo đảm hài hòa trong bối cảnh lãi suất đầu ra đã giảm khá tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay so với đầu năm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96%. Đây cũng là một trong những lý do giúp các doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào và tích cực vay vốn để gia tăng sản xuất, kinh doanh.
Điều hành chủ động, tăng khả năng hấp thụ vốn
Trong khi đó, nhằm kịp thời đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (nới room tín dụng) cho một số ngân hàng. Đây là đợt nới room tín dụng thứ hai trong năm nay, theo nhận định của ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, khi tiêu dùng tăng lên, ngân hàng có dư địa để tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, hiện nay, những khách hàng sản xuất hay doanh nghiệp lớn cũng đang phát sinh nhu cầu tín dụng rất cao, nên các ngân hàng có dư địa để tăng tín dụng trong tháng cuối năm. Bên cạnh nới room cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Với nhận định, tăng trưởng tín dụng phù hợp những nhịp độ tăng trưởng tích cực chung của nền kinh tế, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các chỉ số kinh tế vĩ mô đã minh chứng việc tín dụng gắn chặt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cũng như bảo đảm mục tiêu lạm phát trong năm nay. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay, cùng với tác động từ điều hành vĩ mô chung, chắc chắn việc kiểm soát lạm phát cũng như tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu và mong muốn đặt ra.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đây là điều đáng mừng, và cho thấy môi trường vĩ mô và sự phát triển chung của nền kinh tế cải thiện. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có sự phối hợp, gắn kết giúp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn khi tình hình khởi sắc. Đặc biệt, thay đổi rõ nét trong chính sách tín dụng năm nay là hạn mức tín dụng được điều hành chủ động. Nếu như những năm trước đây, room tín dụng là cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu. Theo đó, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong vấn đề xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế, cũng như khả năng đáp ứng của mình, và được các doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực.
Đơn cử , theo chia sẻ của Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Bản Việt, chính sách nới room tín dụng của cơ quan điều hành là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần. Nhờ được nới room trong đợt thứ hai này, chỉ riêng Ngân hàng Bản Việt sẽ có thêm từ 2.000-3.000 tỷ đồng để cấp vốn ra nền kinh tế.