Tia hy vọng rọi vào những mịt mờ

Chụp ảnh với filter (bộ lọc) trên Facebook, Instagram hay TikTok đã trở nên phổ biến với tất cả người dùng mạng xã hội. Tận dụng cơ hội đó, Hiệp hội Gia đình Người mất tích Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với Công ty quảng cáo TBWA Istanbul để khởi động dự án “The Missing Face” (tạm dịch: Khuôn mặt mất tích), tương tự như một filter, mang tới một lựa chọn mới cho người dùng, nhằm nâng cao khả năng nhận diện và tìm kiếm người mất tích.
0:00 / 0:00
0:00
The Missing Face trên giao diện điện thoại, mô phỏng gần đúng nhất gương mặt của nạn nhân.
The Missing Face trên giao diện điện thoại, mô phỏng gần đúng nhất gương mặt của nạn nhân.

NẾU như trước đây, selfie-chụp ảnh “tự sướng” chỉ dừng lại ở động tác thủ công giơ máy lên và chụp, thì nay cả thế giới đang chìm đắm trong những cách thức mới. Filter, trong các ứng dụng mạng xã hội, đã thay đổi hoàn toàn thói quen của người dùng, khi giúp họ có thể khiến cho khuôn mặt trở nên già đi, với cầu vồng trên tóc, thêm râu, thậm chí hoán đổi các đường nét… Nhiều hiệu ứng đã lan tỏa (viral) khắp thế giới.

Trong khi ấy, theo thống kê của Hiệp hội Gia đình Người mất tích Thổ Nhĩ Kỳ (YAKAD), tại Istanbul, cứ 24 giờ lại có một người mất tích, phần lớn là trẻ em. Nhiều năm hoạt động liên tục để tìm kiếm người thân cho thành viên trong hiệp hội, ý tưởng tận dụng công nghệ và thói quen người dùng mạng xã hội của Công ty quảng cáo TBWA Istanbul đã mở ra một cánh cửa hy vọng mới cho gia đình người bị mất tích, để từ đó The Missing Face ra đời.

Dự án này được phát triển từ Spark AR của Facebook - phần mềm tương tác thực tế ảo, cho phép người dùng có thể dễ dàng tạo hiệu ứng thực tế ảo (AR) thông qua camera. Công cụ này có thể tạo ra mô hình 3D mô phỏng hình dáng, chuyển động của khuôn mặt người mất tích.

Cụ thể, người dùng mạng xã hội chỉ cần truy cập tính năng selfie trên Facebook, chọn bộ lọc do YAKAD cung cấp, hệ thống sẽ chuyển hình ảnh của người dùng thành hình ảnh mô phỏng nạn nhân mất tích, kèm theo thông tin cụ thể về nạn nhân, cũng như cách thức liên hệ với gia đình hoặc lực lượng cảnh sát, nếu bạn có manh mối tìm kiếm. Sau đó, người dùng có thể chọn chia sẻ thông tin và hình ảnh này, để lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi hơn trong cộng đồng người dùng mạng xã hội.

BẤT chấp khó khăn rất lớn đến từ việc không có kinh phí quảng cáo, ngay tuần đầu tiên sau khi khởi động, bộ lọc mới đã thu hút được hơn 250.000 người sử dụng và chia sẻ, tạo nên độ phủ sóng truyền thông đạt giá trị tương đương với 1,3 triệu USD phí quảng cáo. Hiện, The Missing Face cho phép tất cả mọi người trên toàn thế giới có thể sử dụng.

Rõ ràng, với sức mạnh của công nghệ và sự lan tỏa của cộng đồng, hy vọng tìm kiếm người thân bị mất tích của nhiều gia đình không may mắn sẽ có thể được nhân lên.