Khám, chữa bệnh từ xa

Thực tiễn đã có, hướng dẫn đang chờ

Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được quan tâm đầu tư và phát huy vai trò trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ thiết thực này lại bị hạn chế vì phải chờ sự hướng dẫn của luật.
0:00 / 0:00
0:00
Phần mềm Bác sĩ cho mọi nhà đã được cài đặt và triển khai tại hàng nghìn cơ sở y tế. Ảnh: ITN
Phần mềm Bác sĩ cho mọi nhà đã được cài đặt và triển khai tại hàng nghìn cơ sở y tế. Ảnh: ITN

Vẫn còn nhiều bất cập

Nhận được câu hỏi của một người dân trong xã, trên ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà: "Tôi bị tăng huyết áp từ lâu, vậy trước khi uống rượu tôi có phải uống thêm thuốc huyết áp không?", bác sĩ Hồ Hữu Hải, Trạm Y tế xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk liền giải đáp: "Bác uống thuốc điều trị tăng huyết áp trước khi uống rượu bia là chưa phù hợp, làm bệnh nặng thêm và có thể gây tai biến nếu huyết áp tăng cao sau uống rượu bia quá nhiều...". Nhận được thông tin từ bác sĩ trả lời, thay vì phải đến trạm y tế, người đàn ông quyết định dừng kế hoạch tham gia cuộc hẹn "ăn nhậu" tại nhà người quen.

Đó chỉ là một trường hợp trong gần 1.300 người dân xã Hòa Tiến được tư vấn khám sức khỏe nhờ cài đặt và sử dụng phần mềm này. Và Đắk Lắk là một trong năm tỉnh triển khai giai đoạn hai ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà - một sáng kiến khám, chữa bệnh từ xa do Bộ Y tế phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai từ năm 2020.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngoài Đắk Lắk, bốn tỉnh còn lại triển khai gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và Cà Mau, thực hiện tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đây được kỳ vọng là một trong những giải pháp nâng cao niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, trong bối cảnh người dân kém "mặn mà" với y tế tuyến xã, góp phần phân luồng người bệnh tại các tuyến để hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong triển khai ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa tại các địa phương, đó là cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Đơn cử như, quy định về thanh toán Bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa còn thiếu nên không có cơ sở pháp lý để chi trả tiền khám cho trạm y tế và tiền công hội chẩn, trực chuyên môn của bác sĩ bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, quy trình khám, chữa bệnh từ xa khác so với khám trực tiếp, nhân viên y tế phải thao tác trên các thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin nhưng hiện nay vẫn chưa có các chuẩn năng lực chuyên môn và tiêu chuẩn công nghệ thông tin đối với người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa. Danh mục kỹ thuật được thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa mặc dù đã được các sở y tế xây dựng nhưng chưa có cơ sở pháp lý vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Bộ Y tế làm căn cứ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa qua app và trang mạng xã hội nở rộ, phát triển mạnh mẽ. Là người thường xuyên chia sẻ kiến thức y tế thường thức qua mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga cho rằng, việc khám, chữa bệnh từ xa là xu hướng tất yếu, song để hình thức này hoạt động hiệu quả cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ. "Việc tư vấn sức khỏe cho người dân không khó, nhưng để khám, chữa bệnh từ xa thì không đơn giản. Tùy từng bệnh lý, bác sĩ có thể có những tư vấn tạm thời hoặc khuyến cáo người dân nên đến cơ sở y tế để thực hiện thêm các xét nghiệm. Thí dụ, bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau họng, bác sĩ có thể chia sẻ những bệnh lý có thể gặp chứ không thể đưa ra chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh gì. Để có kết quả cần phải có thêm các xét nghiệm liên quan. Bên cạnh, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc, vì vậy việc kê đơn khi khám, chữa bệnh từ xa hết sức thận trọng", bác sĩ Hoàng bày tỏ.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cho biết, hiện nay việc khám, chữa bệnh từ xa đang được thực hiện theo Thông tư 49. Các cơ sở y tế, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được đăng ký khám, chữa bệnh từ xa đúng với lĩnh vực chuyên môn. Đối với những ứng dụng đặt lịch khám từ xa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn thì chỉ được phép tư vấn, không được phép kê đơn thuốc. Việc tư vấn sức khỏe, bệnh tật từ xa có thể được thực hiện, chi phí dựa trên thỏa thuận của bác sĩ và người dân.

Tháo gỡ những vướng mắc

Tại Việt Nam, từ năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa". Đến nay, hơn 2.000 điểm cầu Telehealth được kết nối từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. Bác sĩ cho mọi nhà là ứng dụng tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã, người dân có thể tiếp cận được các bác sĩ giỏi ở tuyến trên.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho hay, ứng dụng này thể hiện rõ vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, tạo sự kết nối giữa bác sĩ và người dân chặt chẽ hơn. Mọi diễn biến bệnh tật, đơn thuốc, bác sĩ điều trị… của bệnh nhân đều được cập nhật và lưu trữ điện tử, nếu có lịch hẹn tái khám thì phần mềm tự động nhắc nhở. Từ đó, việc chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn. "Ứng dụng công nghệ vào khám, chữa bệnh từ xa cho tuyến y tế cơ sở mở ra cơ hội lớn cho thầy thuốc y tế tuyến xã, huyện trong việc kết nối, nâng cao đào tạo chia sẻ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách giữa bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới", ông Khoa nhấn mạnh.

Để gỡ vướng, hiện Bộ Y tế dự thảo Thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa. Theo danh mục được phép triển khai, chuyên khoa dinh dưỡng chỉ được khám, chữa bệnh béo phì; răng hàm mặt chỉ được khám, chữa bệnh viêm loét lợi; ung thư được tư vấn điều trị sau ung thư; nội tiết chỉ được tư vấn điều trị đái tháo đường... Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu đối với người hành nghề thực hiện khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện theo phạm vi hành nghề của người hành nghề. Người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế. Đồng thời, các chỉ định và kê đơn thuốc của người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để phát triển mô hình khám, chữa bệnh từ xa thành công và hiệu quả đòi hỏi cần phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, thống nhất, nhanh chóng và kịp thời. Bên cạnh các yêu cầu về nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị cũng đòi hỏi cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý với những chính sách phù hợp và cơ chế thanh toán rõ ràng thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của cả bác sĩ và người bệnh.

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa, theo đó, sẽ áp dụng theo Luật Khám, chữa bệnh từ ngày 1/1/2024. Danh mục bệnh, tình trạng được khám, chữa bệnh từ xa dự kiến bao gồm 31 bệnh của 16 chuyên khoa.