Thổi làn gió mới

Lịch sử luôn là môn học được phần lớn học sinh xếp vào nhóm "khó nhằn", khô khan, khó nhớ. Nhưng hiện nay, đã có không ít thầy, cô giáo trẻ nỗ lực biến môn học ấy trở nên gần gũi, dễ tiếp thu hơn cho học sinh của họ.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi tiết học, thầy Nghĩa đều cố gắng đa dạng hóa các học liệu trực quan cho học sinh. Ảnh: NVCC
Mỗi tiết học, thầy Nghĩa đều cố gắng đa dạng hóa các học liệu trực quan cho học sinh. Ảnh: NVCC

Những ngày vừa qua, trên TikTok đột nhiên lan truyền mạnh mẽ một đoạn clip ngắn, trong đó các em bé Trường mầm non Bến Tắm (Chí Linh, Hải Dương), cả nam lẫn nữ đều mặc những bộ quân phục mầu xanh, cậu bé dẫn đầu khoác mô hình xe tăng... bằng bìa cứng, chạy song song là một bạn nhỏ giương cao lá cờ Tổ quốc. Đoàn quân nhí ấy hô hào và lao qua công trường đầy phấn khích. Dòng trạng thái phía dưới giải thích: "Hôm nay là tiết học về Ngày Giải phóng miền nam, về sự kiện bộ đội ta xông thẳng vào Dinh Độc lập, thống nhất đất nước!". Không biết liệu các cô, cậu học trò nhỏ có hiểu được hết ý nghĩa của sự kiện vĩ đại ấy không, nhưng chắc chắn các em sẽ thấy: Hóa ra học sử cũng rất thú vị!

Đoạn clip ấy nhanh chóng được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi, không ít người tiếc nuối: "Ngày trước đi học mà được thế này thì mình đã thích môn Sử!", "Thầy, cô giáo bây giờ sáng tạo thật đấy!"...

Tìm kiếm thêm những đoạn video ngắn có nội dung tương tự, trên thực tế có rất nhiều tiết học lịch sử hiện nay đã được các thầy cô ứng dụng phương pháp gợi mở, giao dự án học tập cho học sinh, để các bạn tự tìm tài liệu và thuyết trình trước lớp. Ứng dụng phương pháp này từ những ngày đầu đứng lớp, thầy Nguyễn Đức Nghĩa (33 tuổi, Giáo viên phụ trách bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdams) kể: "Tôi bắt đầu đi dạy từ cách đây 11 năm, có thể nói khi ấy vẫn còn khá trẻ, nên tôi hiểu được tâm lý ngại học Sử của học sinh. Do đó, tôi luôn cố gắng dạy sử theo cách liên hệ với thực tiễn, gắn liền với các mặt của đời sống, để bài học dễ hiểu nhất, để học sinh cảm thấy gần gũi nhất!".

Mỗi tiết học của thầy Nghĩa luôn được các bạn học sinh mong chờ, bởi "Chúng em háo hức ngóng xem hôm nay thầy sẽ cho xem phim, hay nghe kể chuyện, hay được đi chơi!". Nhiều bạn cùng đồng ý rằng, phim ấn tượng nhất mà thầy từng cho xem là Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số ở nước Pháp. Những thước phim tài liệu gợi được niềm tò mò, với nhiều câu hỏi, như: Làm cách nào trong ngần ấy năm hoạt động, Bác Hồ có thể tránh được hết các tai mắt của mật thám Pháp? Qua đó, mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi giữa học sinh, và các bạn còn tự tìm thêm tài liệu để tìm câu trả lời.

Hay một lần khác, thầy Nghĩa khiến tất cả học sinh của mình ngỡ ngàng với sơ đồ Địa đạo Củ Chi. Ai nấy đều thán phục: "Ôi! Sao ông cha ta có thể làm ra được một công trình như thế!".

Lồng ghép với các học liệu đa dạng ấy là những câu chuyện đời thường, gần gũi, như: Phụ nữ Việt Nam thời ấy chiến đấu hay đồng hành với cuộc chiến như thế nào? Họ ăn, ngủ hay sinh hoạt ra sao? "Trên thực tế, học sinh khi học Sử, thường bị thu hút bởi những chi tiết đời thường như thế!" - thầy Nghĩa chia sẻ.

Khi có điều kiện, thầy Nghĩa cũng đưa học sinh của mình đi tham quan các địa chỉ đỏ, gặp gỡ cựu chiến binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, khi được tận mắt thấy, tận tai nghe, các em sẽ ghi nhớ sâu sắc hơn!

Sau các tiết học lịch sử thú vị như vậy, nhiều học sinh được tiếp thêm đam mê với bộ môn, và Câu lạc bộ Tìm hiểu lịch sử là điểm giao lưu tiếp theo của các bạn. Đồng hành cùng thầy Nghĩa, cô Nguyễn Ngọc Trâm (sinh năm 2000, giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdams) là một trong hai giáo viên phụ trách Câu lạc bộ: "Lịch sử và Văn học có mối liên kết chặt chẽ. Quá trình tìm hiểu thêm về lịch sử để bổ sung cho bài giảng cũng là cơ hội để bản thân mình có thêm kiến thức!".

Cô Trâm thường xuyên lồng ghép các sự kiện lịch sử khi giảng dạy các tiết học Văn. Đối với cô, hai môn học có thể bổ trợ cho nhau. Qua Ngữ văn, học sinh có thể nhận thấy lịch sử hiện lên sống động từ các câu chuyện, các tác phẩm văn học. Đồng thời trong quá trình trau dồi kỹ năng ngôn ngữ học sinh có thể tìm hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.

Cô giáo trẻ trăn trở: "Quan trọng là làm sao để các bạn được học trong tâm lý thoải mái, hứng thú không cảm thấy bị áp đặt. Học sinh có thể tự tìm hiểu kiến thức, vận dụng hiệu quả vào thực tế, được thuyết trình ý tưởng của bản thân, nói lên suy nghĩ của mình. Như vậy, học sinh mới có thể cảm thấy được làm chủ quá trình học của mình. Vai trò của giáo viên lúc này chỉ là định hướng, đồng hành và kết luận, đúc kết lại ý nghĩa, gợi mở thêm hướng duy nghĩ mới chung quanh bài học!".

Trong suốt quá trình ấy, đôi khi chính những giáo viên như cô Trâm, thầy Nghĩa cũng bất ngờ với những dự án, thiết kế bài học của học sinh, như: Các thước phim, bưu thiếp giới thiệu di tích được thiết kế công phu, cả các meme (hình ảnh minh họa đáng yêu) lịch sử theo cách hiểu và diễn giải mới lạ. Và rồi, họ lại tận dụng chính những sản phẩm ấy để truyền cảm hứng cho thế hệ học trò tiếp nối.