Thời gian của huyền thoại

Viết cho bố những ngày không ngủ

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Nếu còn có thời gian, nếu còn có không gian, thì những không gian và thời gian ấy tồn tại ở những quãng xa nào đó mà bàn tay chiến tranh không thể với tới được, chứ không, có lẽ mọi sự đã tan tành, đã biến mất, đã chết ngạt với nơi đây. Không rõ ngày, không rõ đêm, không rõ bầu trời, không rõ mặt đất, mọi thứ nhập nhằng với bom đạn, với những hy sinh mất mát. Cũng chẳng kịp nhìn lại mà để ghi nhớ, mọi thứ trôi tuột qua liên tiếp trong các mệnh lệnh: tiếp đạn, ngắm, bắn, bắn và bắn. Mà thật ra cũng không thể thấy bầu trời bởi bầu trời thu hẹp vào tầm ngắm, chỉ còn thấy cái máy bay tí xíu, hết rải bom lại khạc đạn liên tiếp, tầm ngắm thu hẹp dần.

Tôi không thể chống lại những giấc mơ khét mùi súng đạn, tanh tanh mùi máu, nồng nồng mùi đất ẩm được, nhưng vẫn phải chìm vào, vẫn phải đắp mình trong không gian lập lòe đạn pháo và những mùi lưu cữu ấy. Nào tôi biết được cảm giác chùn chân lại mà hoảng sợ khi biết chiến trường mà mình sẽ chiến đấu là thế này, chỉ là một mặt ruộng hoang tàn, không một mầm xanh, không một cây cỏ nào che chở, không một con côn trùng nào sống sót.

Tiếng thằng Toàn lào thào phía ngoài cửa hầm. Nó đã ngồi dậy, dựa vào vách, vẫn không dám ló đầu ra ngoài. Cho dù ngoài kia đêm tối đen kịt, phía đó vẫn không nguôi những tiếng nổ, ánh pháo sáng lập lòe khiến tôi thấy một giọt nước trong lấp lánh đang bò ra khỏi hốc mắt sậm màu bụi đất, khô rốc của Toàn. Nó là thằng sống sót lâu nhất cùng tôi, bao nhiêu đứa cùng tiểu đội pháo đã ra đi tôi cũng không rõ. - Em đến chết mất, mà có khi em đã chết rồi, em sợ quá!

Tôi nằm im thở đều, giả ngủ. Không dám đáp lại lời Toàn, bởi lời nó nói là thật, chuyện đang diễn ra là thật, nỗi sợ của nó và tôi là thật. Những muốn mở miệng mắng át đi “thằng chết nhát” nhưng cũng không thể mở miệng. Chỉ riêng chuyện ở đây đến giờ, nó đã không thể là một thằng chết nhát rồi, chỉ là ai chả có những lúc ngã lòng thế này, kể cả tôi.

*

Học xong lớp 7, tôi theo chúng bạn khám tuyển nghĩa vụ nhưng ba lần khám tuyển đều bị trượt cả ba. Mãi đến tháng 5 năm 1971 tôi mới được nhập ngũ. Anh Liên là tiểu đội trưởng của tôi, cùng quê Thanh Hóa, nhưng khác xã, anh thuộc diện miễn sung quân vì bố liệt sĩ, nhà con một, vậy mà anh vẫn xung phong.

Sau giải phóng Quảng Trị tháng 5 năm 1972, đơn vị tôi đang đóng quân ở điểm cao 367 được lệnh hành quân về thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong để chống địch lấn chiếm. Cuối tháng 6 năm 1972, chúng tôi được lệnh hành quân vào thành cổ Quảng Trị. Màn đêm buông xuống, chúng tôi bơi qua sông để vào thành, mùa mưa nên sông rộng và nước xiết, tôi hối hả sải nước bên Toàn, mặc đạn pháo vẫn hú họa bắn khắp nơi. Nước sông mát lạnh, chợt nhớ lần vượt sông cùng anh Liên, anh mơ mộng nói: “Không biết đến bao giờ tao với mày mới lại được ngâm mình vào sông quê, đoạn sông quê tao êm lắm, nước mát, các bà các cô cứ ra sông tắm gội suốt, nên khúc sông quê tao thơm lắm”. Ngẩng đầu nhìn trời đêm bầu trời lồng lộng gió, những vì sao li ti hiu hắt, cái ánh sáng bị át đi bởi pháo sáng đạn chụp cứ liên tục bắn vào. Vừa vào bờ, tập hợp đội hình xong, trung đội tôi chia đôi, khẩu đội 1 theo đồng chí Thành - Trung đội trưởng ra phía nam nhà thờ Tri Bưu có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bộ binh phía trước để chiến đấu.

Khẩu pháo đã quen tay, đã mòn cả vai rồi nhưng vẫn không hạ được chiếc máy bay nào khiến tôi cứ canh cánh mãi trong lòng. Một hôm đang ngắm bắn, nhìn đường đạn, tôi giật mình nhớ ra là mình có hai loại đạn, một là đạn vạch đường, hai là đạn xuyên cháy. Đạn mà nhìn thấy được đường bay là đạn vạch đường, còn đạn xuyên cháy thì không kịp nhìn đường đạn, tôi thử lắp cứ một viên vạch đường và một viên xuyên cháy vào băng đạn, viên vạch đường bắn trước để nhìn đường đạn và điều chỉnh góc bắn, phát tiếp theo nhờ dấu khói của đạn vạch đường vừa bắn, nã thêm phát xuyên cháy là chắc chắn sẽ trúng đích. Ngay hôm sau, tôi và Toàn đã được thử sức cách làm mới, may mà trung đội đã kịp bổ sung thêm Tiến, Ba, Văn.

Ba thằng lính mới vào ngay tờ mờ, vừa vứt quân trang vào góc hầm, nghe tôi và Toàn phân công nhiệm vụ thì chiếc máy bay A37 đã bổ tới. Vẫn ngổ ngáo ầm ào như mọi khi, tôi ép sát mình, mắt ngắm không rời khỏi nó, tay và vai tì gọn cứ rà sát khẩu pháo theo hướng bay quần đảo ngược ngạo, nín thở, loạt đạn đầu tiên tung vào không trung, cái đuôi khói của đạn vạch đường đánh dấu tầm đạn lệch trái. Nhắm mắt đồ chừng tốc độ của máy bay, cùng với tầm đạn pháo của mình, tôi xốc lại khẩu pháo, nín thở rà lên đón đầu áng chừng nơi tiếp nhiên liệu...

Bắn, vai tôi giật mạnh, khẩu pháo vẫn nhả từng loạt một, vẫn nín thở, tôi và thằng Toàn hồi hộp theo dõi con chim sắt. Không có vệt khói nào để xác định là đường đạn tiếp theo này có trúng đích hay không. Nhưng kìa! Cái nẩy mình khe khẽ của con chim sắt, tôi mím môi, bày tay túa mồ hôi lạnh nhớp nháp, thoáng nghĩ trong đầu: “Trúng rồi!”. Nhưng không dám hô, rồi sát bên tai tôi, tiếng thằng Tiến rú lên: “Trúng rồi, anh em ơi! Trúng đạn rồi, nó đảo cánh rồi kìa, trúng rồi, nó cháy bên cánh rồi kìa!”.

Cả trung đội vỡ òa, thằng Ba cất mặt khỏi băng đạn đang lắp giở, cười tươi rói, thằng Tiến cứ nhảy chồm chồm, luôn miệng “Trúng rồi”. Máy bay vẫn lao nhanh về phía biển, thoát khỏi tầm pháo, hai chiếc dù đỏ bung ra, thằng Toàn gào muốn vỡ lồng ngực, theo tay lia pháo của tôi: “Không kịp rồi, nó nhảy dù ra biển mất rồi, không bắt được thằng giặc lái rồi”. Chưa kịp la thêm, một chiếc máy bay A37 lại bổ nhào tới, đất đá bắn lên rào rào. Tôi vừa xoay kịp khẩu mười hai ly bảy về chiếc máy bay đang nhào tới, mặt Ba be bét máu, trúng đạn rồi, tôi gào lên: “Thay người”. Thằng Tiến cúi xuống, tôi rẹt theo loạt đạn. Văn nhảy lên kéo Ba vào trong hầm. Toàn lập tức lao ra lắp đạn. Tôi quẹt ngang khẩu pháo, nã tiếp, chiếc thứ hai hút chết, quay ngược lại lần nữa, tôi mím môi, ghì chặt khẩu pháo vào vai, mắt không rời khỏi bụng chiếc máy bay, loạt đầu tiên, sượt vào cánh. Tôi rà lại lần nữa, vẫn hụt, giật mạnh khẩu pháo, tôi nghiến bạnh quai hàm, mồ hôi nhỏ giọt xuống mặt, bàn tay lại lạnh toát mồ hôi. Bắn, tôi nín thở, những ngón tay cứng đờ lại. Chiếc máy bay hộc lên, thằng Tiến lại gào lên: “Trúng rồi, cháy rồi, cháy rồi anh em ơi!”. Tôi duỗi thẳng người, cố lia thêm loạt đạn nữa như để ăn mừng chiến công đầu tiên của đội.

Thấy rơi hai máy bay, đợt tấn công của địch giãn lại rồi dừng lại. Mặc dù không bắn máy bay rơi tại chỗ và bắt sống được bọn giặc lái do gió mạnh thổi tốc cả xác máy bay và dù lái trôi ra biển, tôi và cả đội vẫn âm ỉ mừng. Chiến công đó khiến chúng tôi thỏa mãn đến nỗi quên cả mệt nhọc.

*

Sáng hôm sau, Chinh - Chính trị viên đại đội mang bản khai thành tích ra hầm chiến đấu, vỗ vai tôi cười nói: “Trung đội nhất trí đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, xứng đáng với cậu chưa”. Chưa kịp mừng thì đầu giờ chiều thằng Toàn bị thương. Đợt tiến công quá ác liệt, tôi không thể rời vị trí, chỉ kịp lệnh cho người băng bó và cáng Toàn đưa ra tuyến sau, hai mắt chạm nhau chốc lát, đôi mắt Toàn sáng lên, cố thì thào khe khẽ:

- Anh ơi! Mình qua được hai tháng rồi, em sống rồi, em sẽ về quê. Anh nhớ sống để về làm chủ hôn cho em nhá!

- Cái thằng - Đang lo lắng, tôi cũng phải phì cười - Nhớ rồi. Tao sẽ về.

- Nhớ đấy, không là em không cưới đâu. Thằng Toàn rên lên, tôi vội quay lại đội hình, không kịp trả lời nó. - Bắn - Tiếng tôi lại vang vang một mình, vậy là chỉ còn một mình tôi là người cũ.

Không biết điều gì có thể đưa tôi bình yên ra khỏi tám mốt ngày đêm khói lửa ấy, đó là số ngày tôi không đếm được. Bởi mọi thứ cứ trôi qua, trôi qua dồn dập. Mở mắt ra là bám vào súng, vào pháo, vào đạn, mở mắt ra là dán mắt lên bầu trời để canh máy bay địch, đến tối thì lại vào hầm cố gắng tìm được một giấc ngủ. Thời gian và không gian là vô nghĩa, chỉ có đạn pháo, chỉ có thương vong là thực và chỉ có tôi, vẹn nguyên chứng thực những ngày tháng ấy không phải cổ tích.

Bởi những ngày tháng ấy phải là huyền thoại, phải, chỉ có huyền thoại mới có thể gọi tên được những con người đã ở đấy và chiến đấu.