Thiết kế lại chính sách, mô hình

Xã hội hóa y tế là một phương thức tốt, cần nhân rộng hay cần có những phương thức khác để nâng cao hiệu quả trong hoạt động của hệ thống y tế? Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với bác sĩ, Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
Thiết kế lại chính sách, mô hình

Làm rõ nội hàm "xã hội hóa" y tế trong Dự thảo Luật

- Sau nhiều năm triển khai, hoạt động xã hội hóa y tế đang đứng trước đòi hỏi cấp bách về nhận diện lại phương thức. Ông đánh giá thế nào về những tác động của quá trình xã hội hóa y tế với việc phát triển hệ thống bệnh viện công ở nước ta hiện nay?

- Quá trình xã hội hóa y tế đã thu được một số tín hiệu tích cực. Chẳng hạn, trước đây mỗi năm người Việt chi phí khoảng 2-3 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, thì hiện nay với sự phát triển của y tế kỹ thuật cao trong nước, rất ít người Việt chọn phương án ra nước ngoài chữa bệnh, thậm chí nhiều người nước ngoài còn chọn Việt Nam làm điểm đến khám, chữa bệnh.

Chủ trương xã hội hóa đã góp phần giúp ngành y tế nước ta tiến kịp sự phát triển của y tế trong khu vực, thậm chí một số lĩnh vực như tim mạch, ung bướu và ghép tạng đã ngang tầm thế giới, đặc biệt là giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hiện đại ngay trong nước. Hơn 20 năm xã hội hóa đã góp phần phát triển y tế kỹ thuật cao, cứu chữa được nhiều người bệnh hiểm nghèo, cùng với đó là các thiết bị, thuốc mới, kỹ thuật được đầu tư từ trung ương về tuyến dưới.

Ngành y tế cũng nhận định rằng, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa, chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được nâng lên, bởi hiện nay không chỉ có tuyến trên mới triển khai các kỹ thuật cao, mà các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí tuyến quận, huyện cũng đã làm chủ nhiều kỹ thuật tương đương tuyến trên. Thành công này vừa giúp giảm tải cho tuyến trên vừa góp phần giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới...

Tuy nhiên, sự thuận lợi của xã hội hóa cũng khác nhau ở từng cấp độ, từng hạng, từng tuyến bệnh viện. Thí dụ, bệnh viện tuyến huyện khó triển khai xã hội hóa vì không hấp dẫn, lên tuyến tỉnh có khá hơn, nhưng ở tuyến trung ương, đặc biệt là bệnh viện hạng đặc biệt rất thuận lợi. Cho nên áp lực khác nhau, hiệu quả cũng khác nhau.

- Vậy bên cạnh những hiệu quả tích cực nêu trên, theo ông, quá trình xã hội hóa y tế đang tồn tại khó khăn, bất cập ra sao?

- Ở nước ta, cơ chế liên doanh, liên kết giữa các đơn vị tư nhân và bệnh viện công thời gian qua được coi là một dạng "xã hội hóa" hoặc liên kết công-tư trong lĩnh vực y tế. Nhìn lại, nguồn vốn thu hút được không đáng là bao nhưng hệ lụy vô cùng lớn.

Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho người dân và bảo hiểm y tế. Mặt khác, trong quá trình xã hội hóa y tế kiểu này, người nghèo, người thu nhập thấp không những không được hưởng lợi, mà còn bị thiệt thòi. Bởi vì nguồn lực công thay vì được tập trung cho họ thì lại bị chia sẻ để thực hiện các chương trình xã hội hóa và cạnh tranh trực tiếp với bệnh viện tư trong việc chăm sóc cho người có khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, tôi thấy rằng việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập. Vậy nên tôi cho rằng, không nên áp dụng mô hình xã hội hóa theo kiểu "góp vốn ăn chia" trong lĩnh vực y tế, vì như vậy dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

- Nguyên nhân của tình trạng này nên được nhìn nhận ra sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng xã hội hóa y tế đang nảy sinh nhiều hệ lụy. Trước tiên, hiện các quy định về hợp tác công- tư trong lĩnh vực y tế chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, nhất là việc xây dựng các định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp y tế làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu còn chậm, thiếu chặt chẽ dễ dẫn đến sai sót, vi phạm.

Bên cạnh đó, khu vực y tế công đang hướng đến thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến nguồn thu ngày càng giảm. Do đó, càng tự chủ, càng xã hội hóa thì càng khó khăn, nguồn thu ngày càng hạn hẹp, teo tóp dần. Nhiều cơ sở y tế công lập không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi đó, khu vực y tế tư nhân do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh nên đã có nguồn thu khá dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang.

Ngoài ra, cơ chế quản lý, tài chính của khu vực công và tư trong lĩnh vực y tế hoàn toàn khác nhau nên việc kết hợp theo kiểu "xã hội hóa" là chưa phù hợp, rất khó thực hiện trong thực tế, dẫn đến vướng mắc, bất cập, sai phạm. Đây là nguyên nhân nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực y tế dính vào vòng lao lý thời gian qua.

Thiết kế lại chính sách, mô hình ảnh 1
Cần xem xét có chính sách hỗ trợ đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: Thư Vương

Nên xem xét chấm dứt cho phép tư nhân đầu tư vào bệnh viện công

- Nhiều chuyên gia cho rằng, y tế là trụ cột của an sinh xã hội, luôn phải tách bạch, rạch ròi công-tư, không thể quản dịch vụ y tế công theo hướng coi bệnh nhân là nguồn thu. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Đầu tư cho y tế luôn được đánh giá là khoản đầu tư tốn kém, phần lớn các chính phủ đều muốn thực hiện việc xã hội hóa để các chủ thể là những tư nhân và các tổ chức xã hội tham gia đầu tư, gánh bớt gánh nặng đầu tư cho Nhà nước. Việc xã hội hóa y tế ở những nước đó cũng được hiểu giống như vận động các chủ thể là những tư nhân tham gia đầu tư y tế, để Nhà nước có thể dành nguồn lực của mình tập trung cho người nghèo. Nhiệm vụ của các bệnh viện công ở các nước phát triển chính là chăm lo cho người nghèo. Việc xã hội hóa y tế là tận dụng nguồn lực đầu tư của xã hội, phục vụ những người có khả năng chi trả, giúp Nhà nước dành được nhiều nguồn lực hơn nữa cho người nghèo.

Y tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất cần có một chính sách y tế đúng đắn để làm sao vẫn phát triển tốt về mặt chuyên môn kỹ thuật và các chủ thể là những người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển ấy.

Tôi cho rằng, đã coi dịch vụ y tế theo hướng thị trường phải xác định ba chủ thể: Y tế công-Y tế tư-Y tế ngoài Nhà nước phi lợi nhuận (hay còn gọi y tế cộng đồng). Mỗi chủ thể có chức năng và định hướng hành động đặc thù, bổ sung cho nhau. Cần bỏ tư duy "cổ phần hóa, tư nhân hóa, hay hợp tác công-tư" cùng khai thác thị trường người bệnh. Bởi khi đó, nguồn lực công dành cho các đối tượng là những người nghèo sẽ ít đi, người nghèo không những không được hưởng lợi mà còn bị thiệt hại. Đó còn chưa kể bệnh viện công sẽ hoạt động không rõ ràng, mập mờ.

- Theo ông, để tránh những tác động tiêu cực thì cần có giải pháp cụ thể ra sao?

- Theo quan điểm của tôi, "Công phải ra công", không nên "công tư lẫn lộn"! Y tế công lập nhất thiết phải đặt mục tiêu nhân đạo, phi vụ lợi. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã dành Điều 105 quy định về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, việc thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước gồm các hình thức: đầu tư theo hình thức đối tác công-tư và các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy dự thảo Luật vẫn cho phép liên kết công- tư trong các bệnh viện công; đồng thời chưa làm rõ nội hàm "xã hội hóa" trong lĩnh vực y tế mà dành nội dung này cho Chính phủ quy định chi tiết. Quan điểm của tôi vẫn nhất quán, dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) phải xem xét chấm dứt việc cho phép đầu tư tư nhân vào các bệnh viện công hay duy trì mô hình hợp tác công-tư theo kiểu liên doanh, liên kết trong bệnh viện công. Đồng thời cần chấm dứt loại hình "y tế công tự chủ tài chính".

- Trân trọng cảm ơn ông!