TỪ QUÁN CÓC ĐẾN CÁI “CHỢ ẢO”
Không khí “quán cóc” ấy rôm rả khắp cả nước với trăm ngàn loại đề tài; từ thể thao cho tới văn hóa; từ chính trị cho tới xã hội... cùng vô biên những luồng quan điểm khác nhau phản ánh nhận thức và phông nền văn hóa khác nhau. Phải thừa nhận, mạng xã hội đã tạo ra một đời sống cởi mở của tranh luận. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó cả. Song song với những tranh luận có văn hóa vẫn tồn tại những hành vi kém văn minh trên mà điển hình nhất là thói a dua, a tòng; thói thích phán xét người khác khi bản thân mình chưa hề hiểu rõ bản chất sự việc; thói quy chụp; thói chê bai, dè bỉu; thói ghen ăn tức ở và cả thói phóng đại bông đùa không đúng mực. Không khó để nhận thấy, ở mỗi vấn đề tranh luận nghiêm túc nào đó trên mạng, bên cạnh số ít những ý kiến xuất phát từ học thuật, kiến thức, kinh nghiệm..., vẫn tồn tại rất rất nhiều (có thể nói là áp đảo) những lăng mạ thẳng thừng mà đơn thuần chỉ vì muốn bênh vực một phía. Chính những “lực lượng bung xung” ấy nhiều khi đã biến các tranh luận cởi mở trên mạng trở thành những cuộc chiến giữa các bên. Có thể nói, mạng xã hội ở Việt Nam đã phản ảnh đúng cái diện mạo văn hóa đại chúng lâu đời của chúng ta. Đó chính là văn hóa kẻ chợ, với sự huyên náo đến đáng sợ của nó.
Chúng ta đã biến mạng xã hội trở thành một “cái chợ ảo” thật sự, vừa nhếch nhác lại vừa tàn bạo...
Tuy nhiên, điều đáng nói là người Việt trẻ đang đưa chính hình ảnh “cái chợ” ấy ra ngoài biên giới khiến người nước ngoài có những nhìn nhận tiêu cực về tính cách của người Việt. Một thí dụ đơn giản là việc các cổ động viên SLNA gần đây lên fanpage chính thức của CLB Sapporo (Nhật Bản) và thóa mạ Công Vinh bằng những lời lẽ vô cùng thô tục đến mức chính những người Nhật làm quản trị trang mạng đó phải đưa ra “Cảnh báo bằng tiếng Việt” đối với lực lượng quá khích ấy. Và đó không phải là chuyện cá biệt khi tham gia thế giới mạng của người Việt hôm nay. Nếu chúng ta đảo qua các diễn đàn, các trang của những CLB bóng đá có tiếng trên thế giới, các video trên Youtube và lướt nhìn xuống phần bình luận, bảo đảm không ít người sẽ phải đỏ mặt khi đọc những “ý kiến” bằng tiếng Việt.
ĐÂU LÀ GIỚI HẠN CỦA “CHỢ ẢO”
Xã hội mạng đang thể hiện sự phức tạp gấp ngàn lần xã hội bên ngoài bởi lý do mà chính những người trong thế giới mạng cũng chưa chắc hiểu hết. Đầu tiên và cơ bản nhất, xã hội mạng đã “nghiễm nhiên tước đoạt” việc tiếp xúc thể lý của mỗi cá nhân. Đơn cử, cũng một câu nói, một câu bình luận, nếu như thay vì ta đánh trên bàn phím và nhấn “đăng tải”, ta nói trực diện người đối thoại, ta sẽ phải cân nhắc hơn nhiều. Thứ nhất, không ai muốn nhìn đối phương nổi xung lên và cho ta một trận ra trò vì điều ta nói ra. Kế đến, trong quá trình chuyển tải thông điệp ngôn ngữ, ta cũng có những thể hiện hình thể (bodily) để bổ trợ cho ý niệm của mình. Ngược lại, người tiếp nhận thông tin cũng vì cái thể hiện hình thể kia để đoán biết thông điệp của đối phương nghiêm túc đến mức nào. Trên mạng xã hội, giao tiếp hình thể không còn nữa mà người giao tiếp chỉ được trực quan quan sát các con chữ mà thôi. Và bản thân con chữ là vô hồn nên người tiếp nhận có thể đoán trạng thái cảm xúc của người gửi thông điệp theo chủ quan của mình. Mâu thuẫn rất dễ phát sinh từ đó.
Kế đến, quan trọng không kém, là chiềucủa giao tiếp. Trong một cuộc đàm thoại, nếu có ba người, chiều của giao tiếp sẽ là sáu chiều.
Chiều của giao tiếp thể lý bị giới hạn bởi số lượng người tham gia giao tiếp. Nhưng ở mạng xã hội, chiều của giao tiếp là vô biên bởi lẽ ta không hạn định nổi số lượng người sẽ tham gia giao tiếp. Chính vì thế, những người tham gia giao tiếp xã hội mạng thường không hình dung được rằng chiều giao tiếp mà họ sẽ đón nhận thường vượt quá sức chịu đựng của chính họ. Một câu trạng thái (status) được đưa ra trên facebook có thể lôi kéo cả triệu người tham gia vào giao tiếp đó. Đó là còn chưa kể đến những giao tiếp phái sinh từ nó. Giả dụ, một người đọc được status của người nọ và không muốn bình luận dưới nó. Họ đưa ra một status khác để “đáp lời” và lập tức, status mới đã lập ra thêm một tổng thể những chiều giao tiếp phái sinh. Chính điều này đã tạo nên không ít áp lực tâm lý cho những người giao tiếp mạng và đã từng có những người không chịu nổi áp lực ấy phải tìm phương cách vô cùng tiêu cực là “tự sát”.
Nhưng điểm quan trọng nhất khiến mạng xã hội dễ trở nên ô nhiễm phải là thái độ, kiến thức tham gia mạng xã hội của người dùng.
Bản thân những người phát ngôn thì không bao giờ thận trọng trước khi nhấn nút “đăng tải”. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn chế độ cho phát ngôn của mình với các tùy chọn “riêng tư”; “bạn bè” hay “công chúng”. Thế là vô tình, nhiều điều đáng lẽ giữ cho riêng đã được “tô hô ta ha” giữa “cái chợ”. Tất cả những điều đó đến từ chính sự thiếu kiến thức khi tham gia một cộng đồng mới; sự thiếu kiểm soát chính bản thân mình, hai điểm trầm trọng nhất của các thói hư phổ biến của người Việt (trẻ).
Song song đó, một điểm khác trong thái độ, kiến thức tham gia mạng xã hội của chúng ta chính là sự thiếu chính danh. Đây chính là điểm nguy hiểm nhất mà rất, rất nhiều trong chúng ta mắc phải. Người ta không chịu dùng chính tên thật của mình (hoặc chú thích tên thật của mình theo nickname); không chịu dùng hình ảnh thật của mình để tham gia vào xã hội mạng. Điều này còn nguy hiểm hơn người dùng hộ chiếu giả, chứng minh thư giả ngoài xã hội thật. Khi sử dụng một cái tên “ảo”, không chính danh; một gương mặt đại diện “ảo” (kiểu chim; cây; hoa; lá gì đó), người ta dễ dàng nói ra những điều mà họ chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Và chính thói vô trách nhiệm trong phát ngôn này là căn nguyên của vô vàn những hành vi kém văn hóa trên mạng xã hội ngày hôm nay.
Thực tế, ít người hiểu được mấy tiếng avatar mà họ sử dụng khi tham gia mạng xã hội là gì. Avatar, trong tiếng Phạn, là sự hiện thân cao đẹp của thánh thần mà thí dụ điển hình là việc Vishnu hiện thân trong hình hài của Krisna trong Bhagavad Gita.
Nhưng, với sự kém hiểu biết của mình, những cư dân mạng đang sử dụng avatar như là sự hiện thân của ẩn danh, mạo danh, nặc danh... để nói ra những điều không cao đẹp chút nào. Thực tế, người sáng lập ra facebook là Mark Zuckerberg còn phải thừa nhận mình đã không kiểm soát được chính con đẻ của mình.
Và điều đó, những cư dân mạng Việt nên hiểu như thế nào? Đơn giản, mạng xã hội thậm chí còn hơn cả một xã hội bởi nó đa chiều, phức tạp, hỗn loạn... và chính những người tham gia với văn hóa nền thủng lỗ chỗ, kiến thức kém cỏi, thái độ thiếu chín chắn... đã khiến cho mức độ hỗn loạn, phức tạp của mạng xã hội được nhân lên ngàn lần. Phải chăng, đã đến lúc, chúng ta nên nghĩ đến một câu châm ngôn phái sinh thời @ là “Nắn lại ngón tay 17 lần trước khi nhấn nút “đăng tải”???
Một câu trạng thái (status) được đưa ra trên facebook có thể lôi kéo cả triệu người tham gia vào giao tiếp đó. Đó là còn chưa kể đến những giao tiếp phái sinh từ nó. |