Tự tin hướng tới vị trí dẫn đầu

Sau gần một năm "đóng băng", Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021 vẫn diễn ra khởi sắc về chuyên môn, mang tới những tín hiệu đáng mừng trước thềm SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà.

Nguyễn Thị Oanh phá sâu tới 19 giây kỷ lục quốc gia chạy 5.000 m nữ.
Nguyễn Thị Oanh phá sâu tới 19 giây kỷ lục quốc gia chạy 5.000 m nữ.

Hàng loạt kỷ lục bị xô đổ

Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021 vừa kết thúc với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Quân đội (chín Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc và năm Huy chương đồng), tiếp theo là Hà Nội và đoàn TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba. Đây được xem như cuộc tập dượt về lực lượng vận động viên lẫn công tác tổ chức cho SEA Games 31 vào tháng 5/2022. Sau khi giải đấu khép lại, giới chuyên môn có thể hoàn toàn yên tâm bởi điền kinh Việt Nam đã có bước chạy đà hoàn hảo, với nhiều kỷ lục mới, bên cạnh sự khẳng định của những gương mặt quen thuộc.

Ghi dấu ấn lớn nhất ở giải đấu năm nay là "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh của đoàn Bắc Giang. Không chỉ giành ba Huy chương vàng, Oanh còn phá sâu tới 19 giây kỷ lục quốc gia chạy 5.000 m nữ tồn tại gần hai thập niên, với thành tích 15 phút 53 giây 48 (kỷ lục cũ của đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân xác lập năm 2003). Khép lại giải đấu thành công, nhà vô địch SEA Games 30 sẵn sàng thách thức các đối thủ ở kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

Sau Nguyễn Thị Oanh, "ông hoàng đi bộ" Nguyễn Thành Ngưng của đoàn Đà Nẵng cũng giành Huy chương vàng và phá kỷ lục đi bộ quốc gia 20.000 m nam của chính mình, với thành tích 1 giờ 33 phút 22 giây 06. Kỷ lục quốc gia còn lại thuộc về Phạm Thị Hồng Lệ với thành tích đáng kinh ngạc 34 phút 01 giây 59. Không nhiều chuyên gia nghĩ rằng sẽ lại có kỷ lục quốc gia mới trong năm nay, nhất là khi đương kim vô địch Nguyễn Thị Oanh rút lui vào phút cuối. Nhưng Hồng Lệ đã xuất sắc phá kỷ lục quốc gia của đàn chị tới gần bảy giây, dù năm qua cô không được tập luyện nhiều vì dịch Covid-19.

Dốc toàn lực cho cú nước rút thần tốc, Hồng Lệ đã đổ gục sau vạch đích. Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1998 vẫn cố gắng đứng dậy để cổ vũ các vận động viên còn lại hoàn thành cuộc đua. Đó thật sự là khoảnh khắc rất xúc động.

"Trước khi bước vào cuộc thi, tôi chỉ ấp ủ trong lòng về mục tiêu phá kỷ lục quốc gia mà không dám nói với ai. Tôi không nghĩ mình có thể phá được kỷ lục của chị Oanh. Khi biết mình đã làm được, tôi thật sự vui mừng. Tôi đã chiến thắng được bản thân mình", Hồng Lệ chia sẻ.

Nhiều tín hiệu vui

Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021 chứng kiến sự khẳng định vị thế dẫn đầu của nhiều gương mặt quen thuộc ở đội tuyển quốc gia Việt Nam. Nhà vô địch nhảy xa Asiad 2018 Bùi Thị Thu Thảo đánh dấu sự trở lại cực kỳ ấn tượng khi giành Huy chương vàng ở nội dung nhảy xa. Trước đó, cô đã có gần hai năm nghỉ thi đấu để thực hiện thiên chức làm mẹ.

Thảo cho biết mình mới tăng tốc tập luyện cách đây hơn hai tháng. Dù chưa đạt được phong độ cao nhất, cô gái quê ở Ba Vì (Hà Nội) vẫn đủ sức đánh bại các đàn em với thành tích 6,27 m. Đây là phần thưởng quý giá cho nỗ lực của người mẹ trẻ phải gửi con cho ông bà trông giúp để có thể dồn sức tập luyện thể thao.

Một bà mẹ khác là vận động viên Nguyễn Thị Huyền cũng xuất sắc giành Huy chương vàng nội dung 400 m rào nữ. Trong khi đó, Lê Tú Chinh (TP Hồ Chí Minh) không chỉ về đích đầu tiên ở đường chạy chung kết 100 m (với thành tích 11 giây 66) mà còn hoàn tất cú đúp vàng khi tiếp tục thống trị đường chạy 200 m với thành tích 23 giây 69.

Ở chung kết 100 m nam, tuyển thủ Ngần Ngọc Nghĩa (đoàn Công an Nhân dân) đã bảo vệ thành công ngôi vô địch với kết quả 10 giây 67. Ở đường chạy 400 m rào nam, Quách Công Lịch (Thanh Hóa) vô địch với kết quả 52 giây 34.

Nhìn chung, các trụ cột của đội tuyển điền kinh Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về phong độ và "ẵm" gần như toàn bộ các ngôi vị dẫn đầu. Ngay cả lão tướng Nguyễn Văn Lai vẫn không có đối thủ ở đường chạy 5.000 m, bổ sung vào bộ sưu tập 12 năm liên tiếp vô địch ở cự ly này.

Tuy vậy, điểm sáng mang tới nhiều tín hiệu vui cho điền kinh Việt Nam là sự vượt lên mạnh mẽ của các chân chạy trẻ. Trong nhiều cuộc tranh tài, dù chưa thể giành chiến thắng, thành tích của lứa kế cận là vô cùng đáng nể. Đơn cử như Nguyễn Đình Vũ (Nghệ An) suýt lật đổ "ngôi vương" của "vua tốc độ" Ngần Ngọc Nghĩa ở đường chạy 100 m. Thậm chí, tấm Huy chương vàng 100 m rào của Huỳnh Thị Mỹ Tiên còn tốt hơn thành tích từng giúp Emilia Nova (Indonesia) lên ngôi ở kỳ SEA Games 30. Tương tự, Lê Tiến Long đã đánh bại hai đàn anh, một người từng vô địch SEA Games 30 và một người đang giữ kỷ lục quốc gia, để giành Huy chương vàng nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam.

Ông Dương Đức Thủy-nguyên phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục-Thể thao chia sẻ: "Tôi không thể ngờ chúng ta có tới ba kỷ lục quốc gia trong bối cảnh tập luyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh các trụ cột đội tuyển vẫn giữ được phong độ, đã xuất hiện một vài nhân tố trẻ rất có triển vọng. Tôi cho rằng điền kinh Việt Nam có thể tự tin hướng tới SEA Games 31 với mục tiêu cạnh tranh ngôi vị số một trong khu vực".