Thất bại không bất ngờ

Dù sở hữu nhiều gương mặt triển vọng tham dự Olympic Tokyo 2020, việc Ðoàn Thể thao Việt Nam khó có thể giành huy chương tại kỳ Thế vận hội này cũng đã được tiên liệu từ sớm, với những bất cập trong công tác tìm kiếm và bồi dưỡng lứa tài năng trẻ kế cận.

Thạch Kim Tuấn thất bại năm trong sáu lần cử tại Olimpic Tokyo.
Thạch Kim Tuấn thất bại năm trong sáu lần cử tại Olimpic Tokyo.

Những hy vọng phía bên kia sườn dốc

Sau một năm bị hoãn, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc ngày 23/7 tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Ðoàn Việt Nam tham dự Thế vận hội với số lượng 18 vận động viên tranh tài ở 11 bộ môn, được đánh giá là tín hiệu vô cùng tích cực, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Mặc dù vậy, chẳng phải ngẫu nhiên ngành thể thao không đặt bất kỳ chỉ tiêu huy chương cụ thể nào mà chỉ động viên các cá nhân nỗ lực hết sức. So với chính các kỳ Olympic trước đây, chúng ta tạm yên tâm về số lượng nhưng thiếu hụt trầm trọng về chất.

Có thể nhận thấy rõ ràng sự pha trộn giữa những gương mặt quen thuộc (Xuân Vinh, Tiến Minh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn...) cùng các tài năng trẻ mới lần đầu tham dự Olympic (Nguyễn Huy Hoàng, Quách Thị Lan...). Thế nhưng, phần lớn các cá nhân nổi bật nhất đều đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã dừng bước ở vòng loại với 573 điểm, xếp hạng 22 trên tổng số 36 vận động viên. Thất bại này không hề bất ngờ. Chủ nhân của Huy chương vàng Olympic Rio 2016 đến Tokyo nhờ suất đặc cách, sau những nỗ lực cạnh tranh tấm vé chính thức bất thành. Ở tuổi 46, sức mạnh thể chất và tinh thần không còn đủ giúp anh thi đấu tập trung cao độ trong hơn một giờ đồng hồ.

Bên cạnh Xuân Vinh, tay vợt lão luyện Nguyễn Tiến Minh đã bốn lần tham dự Thế vận hội. "Tiểu tiên cá" Ánh Viên dù mới 24 tuổi nhưng cũng không còn nằm trong quãng thời gian sung sức nhất để cạnh tranh huy chương. Niềm hy vọng giành huy chương đáng kể nhất là Thạch Kim Tuấn chỉ thành công duy nhất một lượt cử trong tổng số sáu lần, do đó không được tính kết quả để xếp hạng chung cuộc. Vốn sở hữu thành tích cá nhân 304 kg (tại SEA Games 19), chỉ cần sở hữu mức tổng cử cao hơn 294 kg, Huy chương đồng sẽ nằm gọn trong tay. Dẫu vậy, chàng trai 27 tuổi đã không thể vượt qua áp lực tâm lý thi đấu tại đấu trường Olympic.

Ông Ðỗ Ðình Kháng - Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam nhận định: "Bên cạnh nguyên nhân chính là tâm lý thi đấu chưa tốt, những ảnh hưởng của dịch Covid-19, như đợt cách ly y tế tập trung tới hơn 40 ngày ngay một tháng trước khi tham gia Thế vận hội, hay việc thiếu thốn các giải đấu cọ xát quốc tế... cũng là yếu tố tác động tới kết quả".

Tiến xa, phải đẩy mạnh xã hội hóa thể thao

Trước kỳ Thế vận hội 2020, ngành thể thao từng "mất ăn mất ngủ" với chỉ tiêu giành 20 suất tham dự. Xét về số lượng, 18 cá nhân có mặt tại Tokyo so với 23 gương mặt tranh tài ở Olympic Rio 2016 đã cho thấy sự thụt lùi đáng kể. Tất nhiên, việc tái lập thành tích đoạt huy chương cũng được xem như nhiệm vụ bất khả thi. Tại những đấu trường lớn như Olympic, thể thao Việt Nam cũng chỉ hy vọng các vận động viên nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân, bởi chưa đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với mặt bằng chung trên thế giới.

Sở dĩ, tình trạng thiếu hụt vận động viên có khả năng vươn tầm Olympic vốn xuất phát từ quá trình luyện tập và chuẩn bị tương ứng chu kỳ hai năm của SEA Games. Phải thẳng thắn thừa nhận, tất cả các khâu tập huấn, đào tạo, cọ xát quốc tế hay tính toán điểm rơi phong độ đều được tính toán đi liền với sân chơi khu vực. Dù ra sức khẳng định mục tiêu chinh phục Ðại hội thể thao Ðông Nam Á, nhằm hướng tới đích đến xa hơn là Asiad và Olympic, nhưng chiến lược tranh tài thực chất vẫn chỉ dừng lại ở những kỳ vọng chung chung, chứ chưa thể đặt ra bất kỳ mục tiêu huy chương cụ thể nào.

Hơn thế nữa, hình thức đầu tư trọng điểm như tập trung vào các nhân tố nổi bật ở một vài môn mũi nhọn, dù mang lại kết quả khả quan suốt bấy lâu nay, cũng cho thấy sự bế tắc. Ðặc biệt là khi các tên tuổi lớn đang đứng trên sườn dốc sự nghiệp và vẫn chưa có bất kỳ tài năng trẻ nào đủ sức tiếp nối trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục – Thể thao) nhận định: "Tình trạng thiếu hụt tài năng trẻ nước ta xuất phát từ những khó khăn thách thức trong nước như thiếu thốn nguồn kinh phí đầu tư rộng, sâu và chuyên biệt, mà chỉ chú trọng vào những bộ môn mũi nhọn, tìm ra những cá nhân ưu tú để tập trung đào tạo".

Tuy nhiên, quá trình này cũng không hề diễn ra theo đúng quy luật. Thay vì đầu tư chuyên sâu từ sáu đến 10 năm, Việt Nam thường đặt nặng việc thi đấu giành thành tích. Trong khi đó, số lượng vận động viên được đào tạo bài bản từ nhỏ không nhiều, chỉ khi phát lộ tài năng mới được chú trọng. Cách làm này phù hợp điều kiện thực tế nước ta, nhưng xét về lâu dài sẽ rất khó để nền thể thao phát triển bền vững.

Trên thế giới, các liên đoàn và hiệp hội chịu trách nhiệm kêu gọi nhà đầu tư nhằm phát triển thể thao. Chính phủ chỉ cấp kinh phí khi đi thi đấu quốc tế. Ở nước ta, ngoài bóng đá, phần lớn các bộ môn khác dù nỗ lực xã hội hóa nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nguồn ngân sách Trung ương chi riêng cho lĩnh vực thể thao dù tăng đều từ 572 lên 780 (trong năm 2019, 2020) và dự toán đạt khoảng 857 tỷ đồng cho năm 2021, nhưng phải phân bổ cho hàng trăm môn thi đấu cùng hàng nghìn vận động viên. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Việt Nam muốn tiến xa ở đấu trường thế giới, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa thể thao hơn nữa, chứ không thể mãi trông chờ vào nguồn kinh phí duy nhất này.

MINH DÂN