Taekwondo Việt Nam với mục tiêu kép

Giải vô địch taekwondo quốc gia năm 2021 không chỉ được xem như lần diễn tập nhằm đúc kết kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện thi đấu trong giai đoạn đại dịch, mà còn là cơ hội sàng lọc và chuẩn bị lực lượng vận động viên ưu tú tham dự SEA Games 31, và xa hơn là kỳ ASIAD ngay sau đó.

Cuộc diễn tập quan trọng của taekwondo Việt Nam. Ảnh: TOÀN TAE
Cuộc diễn tập quan trọng của taekwondo Việt Nam. Ảnh: TOÀN TAE

Sau thời gian dài chờ đợi, taekwondo Việt Nam rốt cuộc đã đón nhận tin vui khi nữ vận động viên Trương Thị Kim Tuyền giành ngôi vô địch châu Á, đồng thời giành vé tham dự Olympic. Đây là tín hiệu đáng khích lệ với bộ môn võ này, khi 5 năm trước, chúng ta còn không có bất kỳ cá nhân nào vượt qua được vòng loại để giành vé tham dự Olympic Rio 2016.

Xuyên suốt quãng thời gian dài không mấy thành công, đặc biệt ở nội dung đối kháng tại các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic, tấm vé của Kim Tuyền như động lực thôi thúc các võ sĩ nước ta nhanh chóng quay trở lại với sân chơi đẳng cấp thế giới. Cũng bởi lẽ đó, so các bộ môn khác của đoàn thể thao Việt Nam, Kim Tuyền và các đồng đội là những vận động viên hiếm hoi có cơ hội dự vòng loại châu Á, cùng chuyến tập huấn tại Kazakhstan ngay trước thềm diễn ra Thế vận hội Tokyo.

Quyết tâm và sự nỗ lực của bộ môn taekwondo thể hiện rõ: Quá trình cọ xát có ảnh hưởng thế nào tới kết quả thi đấu của các vận động viên. Bởi lẽ đó, ngay trong những tháng cuối năm 2021, lãnh đạo bộ môn taekwondo đã đặt mục tiêu phải tổ chức Giải vô địch quốc gia để có thể trở thành bước chạy đà cần thiết cho một năm 2022 đầy bận rộn.

Trải qua gần một tuần tranh tài hấp dẫn, Giải taekwondo vô địch quốc gia 2021 được tổ chức tại Huế (Thừa Thiên Huế) đã khép lại thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chung cuộc, đoàn Hà Nội giành ngôi vị nhất toàn đoàn (với sáu Huy chương vàng, sáu Huy chương bạc và 11 Huy chương đồng) và khẳng định sức mạnh vượt trội ở các nội dung đối kháng nữ (ba Huy chương vàng). Đoàn Đà Nẵng dẫn đầu ở nội dung đối kháng nam khi giành tới ba Huy chương vàng, còn nội dung quyền biểu diễn chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của đoàn TP Hồ Chí Minh khi giành tới bốn tấm Huy chương vàng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải khẳng định: "Giải vô địch taekwondo quốc gia không chỉ là sự kiện thể thao thành tích cao nơi các vận động viên giao lưu, cọ xát và học hỏi kinh nghiệm, mà còn góp phần đánh giá công tác đào tạo vận động viên tại các địa phương, sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó, chúng ta sẽ xác định hướng tuyển chọn, tập trung đầu tư, bồi dưỡng các vận động viên tham gia các giải khu vực và quốc tế, đặc biệt là SEA Games 31 sẽ tổ chức vào năm 2022 tại Việt Nam".

Trong những năm qua, sự vắng bóng của taekwondo Việt Nam trên đấu trường quốc tế có nguyên nhân đến từ sự tụt hậu trong khâu áp dụng và cập nhật công nghệ so các quốc gia trong khu vực và cả trên thế giới. Điển hình như trường hợp của các võ sĩ Thừa Thiên Huế, tất cả đều đang duy trì tập luyện với giáp bảo hộ thông thường. Trong khi đó, nhiều đơn vị đã trang bị giáp điện tử vào tập luyện từ cách đây ngót nghét 10 năm, với ưu điểm là khả năng đo được lực tác động, thay vì nhìn nhận bằng cảm quan như giáp bảo hộ thông thường. Sau thời gian dài tập luyện, các võ sĩ sẽ dần quen và điều chỉnh đòn đánh với lực vừa đủ để có điểm, giúp bản thân dễ dàng điều phối sức lực hợp lý.

Với bất lợi này, các võ sĩ chủ nhà luôn tồn tại tâm lý lo ngại không biết lực tác động đủ chuẩn giành điểm hay không. Điều này dẫn tới lối mòn khiến các võ sĩ Thừa Thiên Huế thường xuyên tung hết sức cũng như tập trung tấn công chủ yếu vào phần mặt (bởi theo quy định, lực tác động phần mặt nhẹ hơn phần bụng vẫn được tính điểm). Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến các vận động viên chủ nhà mau xuống sức hơn so các đối thủ.

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia sau giải đấu này, yếu tố thể lực hạn chế cũng là rào cản chủ yếu khiến các vận động viên Việt Nam khó lòng bứt phá, hay tiếp cận những chương trình huấn luyện ở đẳng cấp cao hơn.

Cuối cùng, tính đến thời điểm cuối năm 2021, bộ môn taekwondo mới chỉ tổ chức duy nhất Giải vô địch các câu lạc bộ taekwondo toàn quốc tại Quảng Nam vào tháng 4. Đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện giúp các vận động viên kiểm tra lại quá trình tập luyện sau thời gian dài không tham dự bất kỳ giải đấu nào, Vụ Thể thao thành tích cao I đã phải liên hệ với nhiều tỉnh, thành phố để có được địa điểm tổ chức sự kiện. TP Huế là địa phương duy nhất "gật đầu" với hình thức thi đấu khép kín, không có khán giả cùng nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến".

Bởi vậy, sự kiện lần này được xem như lần diễn tập của các đơn vị phối hợp ban, ngành liên quan bộ môn taekwondo, từ đó đúc kết kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện thi đấu trong giai đoạn đại dịch trước khi diễn ra SEA Games 31 tại Việt Nam. Việc TP Huế tổ chức thành công giải đấu là minh chứng rõ nét cho thấy địa phương này đã thực hiện đúng như mục tiêu kép của Chính phủ đề ra: Phòng, chống dịch song song với phát triển kinh tế-xã hội, giúp người dân có thêm niềm tin tiếp tục phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. Từ sự kiện này, TP Huế kỳ vọng có thể khởi động lại một số hoạt động văn hóa-thể thao cộng đồng, tiến tới đăng cai tổ chức những giải đấu lớn trong năm 2022.