Định mệnh sẽ gọi tên ai?

Trong một kỳ EURO được đánh giá là nhiều bất ngờ thú vị nhất, đến cả những người hâm mộ các đội tuyển Đan Mạch, Czech lẫn Thụy Sĩ có lẽ cũng bàng hoàng khi các đội bóng “con cưng” của họ hiên ngang tiến vào vòng tứ kết, bỏ những “đại gia” sừng sỏ như Pháp, Bồ Đào Nha hay Hà Lan lại sau lưng.

Đan Mạch xuất sắc lọt vào vòng tứ kết dù thiếu vắng trụ cột Eriksen.
Đan Mạch xuất sắc lọt vào vòng tứ kết dù thiếu vắng trụ cột Eriksen.

Những cú sốc ấy chứng minh rằng bóng đá cấp độ đội tuyển đang dần xóa nhòa khoảng cách. EURO ngày càng trở nên hấp dẫn, trái ngược với những nỗi lo về nguy cơ “cào bằng và hạ thấp tiêu chuẩn” suốt hơn nửa thập niên qua. Song, nếu cứ cố tìm ra một mẫu số chung cho các hiện tượng, chúng ta có thể đã bỏ qua phần hay nhất: Đan Mạch, Thụy Sĩ và Czech tiến tới vòng tứ kết. Bởi, bản thân họ xứng đáng, với nỗ lực, sự tỉnh táo, bùng nổ thậm chí sắt đá xuyên suốt giải đấu và những thời điểm quan trọng. Đó không phải vấn đề của nền bóng đá, mà là sự xuất sắc của từng tập thể.

Đan Mạch tiến vào tứ kết bằng chiến thắng đậm nhất ở vòng 1/8, trước đội tuyển Xứ Wales. Bi kịch ngừng tim đột ngột của Christian Eriksen ở trận ra quân được cho là đã kích hoạt một Đan Mạch phóng khoáng và bùng nổ. Song, đây tuyệt đối không phải lý do duy nhất khiến đội tuyển này trở nên đáng sợ.

Báo chí châu Âu quả quyết: Sức mạnh của Đan Mạch đến từ năng lực, không phải cảm xúc. Hàng phòng ngự ba người với thủ lĩnh Simon Kjaer đang được xem là hình mẫu tại EURO lần này. Pierre Hojbjerg, khi được trao nhiều trách nhiệm hơn, đã chứng minh mình có thể chơi thay cả phần của Eriksen ở khả năng giữ nhịp trận đấu. Và Kasper Dolberg thật sự là một “mũi gươm trong tay áo”.

Khả năng dồn ép đối thủ của Đan Mạch dựa trên sự linh hoạt trong cách vận hành chiến thuật (trung vệ Andreas Christensen từng lên đá tiền vệ phòng ngự), đó có lẽ là điều đang bị đánh giá thấp nhất tại EURO lần này. Nhưng Đan Mạch không quan tâm. Huấn luyện viên Kasper Hjulmand hiểu năng lực của đội quân dưới tay mình. 

Thật trùng hợp, khi ông Hjulmand nhấn mạnh rằng đội tuyển Czech là đối thủ nguy hiểm nhất Đan Mạch có thể gặp ở nhánh đấu này. “Tôi thà gặp Hà Lan còn hơn”, ông Hjulmand nhận định, sau khi chứng kiến Czech quật ngã “Cơn lốc màu da cam”. “Đây sẽ là lần đầu, Đan Mạch gặp đối thủ có khả năng gây sức ép tương tự mình”.

Không bùng nổ như Đan Mạch, Czech để lại ấn tượng bởi hệ thống được tổ chức cực tốt cùng sự “già dơ” trong cách tiếp cận. Đội tuyển “Xứ pha lê” đã bóp nát Hà Lan bằng toan tính, cùng những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ thu mình vào góc võ đài, chấp nhận lĩnh đòn để rồi bất ngờ tung ra hai cú đấm vào sườn, knock-out chóng vánh đối thủ vốn đang mải mê tiến công.

Một chuyện vui: Czech tới EURO 2020 với đội hình phần lớn là những cầu thủ ít tên tuổi. Người nổi nhất ở đội tuyển này, Patrik Schick, từng bị Juventus từ chối chiêu mộ dù đã tới kiểm tra y tế chỉ vì có quả tim... to hơn bình thường. 

Trái tim to bất thường ấy của Schick sau cùng lại là ẩn dụ tuyệt vời về một tuyển Czech dũng cảm và can trường. Từ cú vuốt bóng vào lưới Scotland ở trận ra quân tại Hampden Park đến pha ra chân nhanh như chớp trước Hà Lan, Schick nói riêng hay Czech nói chung đều đã tạo dấu ấn về một thứ bóng đá sẵn sàng mơ mộng, nhưng khi cần cũng có thể là những toan tính lạnh lùng và tàn nhẫn.  

Cú sốc lớn nhất tại EURO 2020, đến lúc này, thuộc về đội tuyển Thụy Sĩ. Chia sẻ với truyền thông, nhiều cổ động viên bản địa bày tỏ sự tuyệt vọng khi lá thăm đưa họ gặp đội tuyển Pháp. Không phải chỉ bởi “Những chú gà trống” quá mạnh, mà còn vì Thụy Sĩ chưa bao giờ được xem là tập thể “máu mặt” ở cấp độ đội tuyển quốc gia, như Czech hay Đan Mạch đã từng. Họ chưa bao giờ đi tới vòng tứ kết suốt bao năm, nhưng giờ thì họ vừa đánh bại ứng viên số một cho chức vô địch. Và người hâm mộ Thụy Sĩ nhấn mạnh: Họ cảm thấy chẳng khác nào đã giành ngôi vô địch.

Hình ảnh biểu tượng trong “cú sốc Thụy Sĩ” hẳn là cảnh Granit Xhaka thôi thúc đồng đội trước khi sút luân lưu, trái ngược những gương mặt thất thần của Pháp. Tờ L’Equipe trước trận đấu này tiết lộ: Xuyên suốt EURO 2020, huấn luyện viên Didier Deschamps phải vật vã kiểm soát nhiều trụ cột thức đêm xem phim và chơi game, thay vì ngủ đủ giấc để phục hồi thể lực. Thụy Sĩ kém hơn về danh tiếng, song rõ ràng là giàu khát khao hơn, chuyên nghiệp hơn và liều lĩnh hơn.

EURO vốn là sân chơi cực kỳ khốc liệt, mà những câu chuyện cổ tích của Đan Mạch 1992 hay Hy Lạp 2004 là những thí dụ tiêu biểu. Và giữa Thụy Sĩ, Đan Mạch, Czech, những chú ngựa ô tiêu biểu của giải đấu kỳ quặc vào năm lẻ này, định mệnh liệu sẽ gọi tên ai?