Đầu tư quyết liệt và đúng hướng hơn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thể thao Việt Nam với tinh thần vượt khó đã sẵn sàng chinh phục những mục tiêu mới được định hướng rõ ràng và tuần tự trong năm 2022. Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định, đây chính là khoảng thời gian mà ngành thể thao, trong đó đặc biệt là các huấn luyện viên, vận động viên phải phát huy nội lực để đạt được những kết quả cao nhất.

Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn
Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn

- Thưa Phó Tổng cục trưởng, trên cương vị nước chủ nhà SEA Games 31, công tác chuẩn bị của Việt Nam đã hoàn thiện đến đâu, thưa ông?

- Hiện tại, hai vấn đề đáng ngại nhất về cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 đã được giải quyết. Theo đó, hệ thống sân thi đấu môn quần vợt tại Bắc Ninh đã được xây dựng xong và đường đua xe đạp địa hình tại Hòa Bình đang hoàn tất việc nâng cấp, sửa chữa. Riêng sân vận động Mỹ Đình đang nâng cấp toàn bộ để sẵn sàng tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, các môn điền kinh, bóng đá… Tất cả hạng mục phục vụ SEA Games 31 được đầu tư, nâng cấp, cải tạo được lên kế hoạch hoàn thành trong tháng 12/2021. Về cơ sở vật chất tại các địa phương, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mức thời gian hoàn thành phải xong trước ba tháng khi SEA Games 31 khởi tranh.

Bên cạnh đó, chủ nhà Việt Nam học hỏi được nhiều điều từ Nhật Bản trong công tác tổ chức và phòng, chống dịch Covid-19 ở Olympic Tokyo 2020 vừa qua. Công tác y tế tại đại hội phải bảo đảm ba yếu tố, gồm: vaccine, test nhanh và thực hiện quy tắc "5K". Tất cả 40 môn thể thao dự kiến nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội đã xây dựng xong khung điều lệ và kế hoạch tổ chức giải đấu theo hai phương án là tập trung và phương án dự phòng. Đây là các phương án để ứng phó kịp thời trước tình hình dịch Covid-19 có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Dù vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn để chúng ta có thể tổ chức sự kiện thể thao theo nguyên tắc "bong bóng"; trong đó, rõ nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ ăn, ở cho các vận động viên chưa đồng bộ. Tuy nhiên, Việt Nam tự tin tổ chức thành công SEA Games 31.

- Kỳ Olympic Tokyo 2020 kết thúc đã để lại nhiều tiếc nuối khi các vận động viên chủ lực của Việt Nam thi đấu với thành tích chưa được như mong muốn. Chúng ta sẽ có những sự điều chỉnh gì trong thời gian tới?

- Olympic Tokyo vừa rồi là kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử khi những khó khăn bởi đại dịch đã tác động tiêu cực tới cả Ban tổ chức lẫn các quốc gia tham dự. Lần này, chúng ta chưa đạt được thành tích tốt, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương ở một số nội dung mạnh được kỳ vọng. Phải khẳng định rằng đây là đấu trường rất khó khăn với thể thao Việt Nam. Không phải bất cứ môn nào có vận động viên tham dự là có cơ hội tranh chấp huy chương mà chỉ có số lượng rất ít môn và nội dung mà các vận động viên có hy vọng.

Khoảng cách của thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic vẫn còn xa. Nhận biết được bản thân đang đứng ở đâu, chúng ta sẽ có sự đầu tư quyết liệt và đúng hướng hơn. Từ thất bại tại kỳ Thế vận hội này, Việt Nam cũng đã tính toán lại cách đầu tư, tập trung cho các môn trọng điểm ở SEA Games, từ đó làm cơ sở để vươn mình ra biển lớn, hướng tới các kỳ Asiad hay Olympic tiếp theo.

- Vậy, SEA Games sắp tới sẽ là bước chạy đà, góp phần định hướng lại khả năng của chúng ta trong quá trình phát triển các môn thể thao Olympic, thưa ông?

- SEA Games 31 sẽ tổ chức 40 môn, đặc biệt không bỏ sót các nội dung liên quan các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Chúng ta không lựa chọn những môn sở trường của mình, mà gạt bỏ các nội dung thế mạnh của nước khác. Đó chính là hướng đi tiên phong của nước chủ nhà, sẵn sàng không chạy đua thành tích mà tạo cơ hội để cả khu vực cùng phát triển.

Việc tổ chức như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng chúng ta không băn khoăn điều đó mà cần phải đánh giá lại bản thân một cách thực chất nhất. Nếu chỉ chọn những bộ môn sở trường để đạt được kết quả mong muốn thì cuối cùng sẽ không biết được khả năng mình đến đâu. Hơn thế nữa, ngay sau SEA Games, thể thao Việt Nam chỉ có vài tháng chuẩn bị cho Asiad 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Bởi vậy, kỳ Đại hội thể thao khu vực chính là thước đo năng lực hoàn hảo cho Asiad. Tương tự, các nội dung có tiềm năng hướng đến đấu trường châu lục này chắc chắn sẽ được đánh giá kỹ lưỡng trong SEA Games 31.

Tôi cho rằng tiềm lực của chúng ta là rất lớn nhưng đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên vẫn chưa thể hiện được hết khả năng của mình. Năm 2022 tới được dự báo vẫn có nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, nhưng Việt Nam quyết tâm vượt lên để khẳng định vị thế là một trong những nước dẫn đầu trong khu vực. Đây chính là thời điểm ngành thể thao cần phát huy nội lực để đạt thành tích cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!