Cách ly tại nhà ở châu Âu

Chỉ cần một niềm tin

Trịnh Công Sơn có câu hát cũng là lời chiêm nghiệm "Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt". Chỗ này hôm nay còn là thiên đường, ngày mai có thể đã như địa ngục. Và ngược lại.

Con gái bị nhiễm Covid-19 vẫn học trực tuyến tại nhà.
Con gái bị nhiễm Covid-19 vẫn học trực tuyến tại nhà.

Làm gì có nơi nào an toàn tuyệt đối trên thế gian nếu ngay trong nhà mình, trong lòng mình đầy bất an? Gần hai tháng gia đình tôi phải cách ly trong nhà (tại Bỉ) và tự chữa lành Covid-19 giúp tôi hiểu được rõ hơn điều giản dị đó.

Tự do xuất phát từ "tự giác"

Buổi chiều giữa tháng 4 ấy, chồng tôi thông báo kết quả test nhanh tại nhà: Dương tính. Bác sĩ gia đình hẹn hôm sau tới xét nghiệm RT-PCR. Tôi vẫn có đủ thời gian đeo khẩu trang phóng ra siêu thị mua một số đồ dùng cần thiết, rồi đến trường đón con. Quy định không cấm tôi ra ngoài ngay, để vào siêu thị lúc ấy. Ở nhà thuốc, chị dược sĩ thấy tôi đạp xe đến muộn vẫn nhiệt tình quay lại mở quầy, và cho tôi có được tâm lý bình an trong tối đó, rằng mấy mẹ con tạm thời âm tính.

Khi chồng tôi nhận kết quả chính thức nhiễm Covid-19, bác sĩ gia đình chỉ đạo điều trị tại nhà, nếu sau 10 ngày không còn biểu hiện đau đầu, đau họng và ho, thời hạn cách ly sẽ chấm dứt. Vợ con phải đi xét nghiệm hai lần trong vòng hai tuần và cũng cách ly trong khoảng thời gian đó. Tổng đài 8811 nhắn tin và hẹn gọi để điều tra tiếp xúc, hướng dẫn cách ly tại nhà thế nào, địa chỉ đi xét nghiệm, đồng thời gửi qua thư điện tử Chứng nhận cách ly (để nộp cho cơ quan, trường học... thông báo không thể đi làm, đi học trong thời gian này).

Mọi hành động đều được kiểm soát và quản lý qua ứng dụng đăng ký với tổng đài 8811 và hệ thống y tế, với đầu mối là bác sĩ gia đình. Trong trường hợp khẩn, nếu bác sĩ gia đình bận không kịp nghe máy, có thể gọi 8811. Cũng có những nhầm lẫn, trục trặc đã xảy ra, như khi đi xét nghiệm thì bác sĩ gia đình chưa cấp mã đủ cho cả bốn mẹ con. Song, mọi chuyện cũng được giải quyết nhanh chóng.

Trên đường về trời nắng đẹp. Nhìn hàng người trước hiệu kem ngon nổi tiếng, các con tôi thì thào: "Giá mà được tạt vào ăn kem mẹ nhỉ?". Chặc lưỡi chiều con có khi chẳng ai biết đâu. Nhưng, ý thức lên tiếng. Tôi bảo: "Mấy mẹ con mình đang nghi nhiễm cơ mà", rồi "vượt qua thử thách" là sức cám dỗ của cửa hàng kem để về nhà.

Cách tầm soát và quản lý kiểu này nghe có vẻ lỏng lẻo, nhưng bạn vẫn phải chọn được cách để chứng tỏ rằng bạn xứng đáng được người khác đặt niềm tin.

Những vị khách lạ

Lây nhiễm chồng chéo xảy ra trong nhà, những cuộc vật lộn để ngăn ngừa bệnh tình trở nặng và tránh hoảng loạn tâm lý hóa ra là thử thách lớn nhất đối với tôi những ngày ấy. Một tuần sau khi chồng và con trai dương tính với SARS-CoV-2, tôi và con gái út cũng chính thức nhiễm bệnh.

Ngay từ đầu, tôi đã xác định "con bị thì mình cũng chấp nhận lây". Làm sao có thể tránh tiếp xúc tuyệt đối với những đứa trẻ chưa thể hoàn toàn tự lập ăn uống ngủ nghỉ? Các con tôi bị nhiễm nhưng không có triệu chứng gì. Nhưng, chủng mới của loại virus này tấn công bước đầu nhẹ nhàng, như để lừa người bệnh chủ quan. Với riêng tôi, khi chính thức nhiễm bệnh, ban ngày mới chỉ là cảm giác âm ỉ đau cơ bắp, đêm đến ngực đã nặng như bị đè cối đá lên. Nằm chung phòng với con gái út sáu tuổi từng bị viêm phổi nặng nhiều lần, tôi lo không biết virus này "đang lên kịch bản" hành hạ con mình kiểu gì. Cả đêm, lắng nghe tiếng con thở đều, sờ trán không nóng, tôi vẫn lo.

Chỉ cần một niềm tin -0
Giỏ trái cây mà người bạn gốc Việt gửi tặng.

Mấy đêm liền, hai tay đau nhức, tức ngực (chứ không khó thở) không ngủ được, tôi phải ngồi dậy, đi lại quanh phòng khách. Mất ngủ đâm ra lo lắng đủ thứ. Có hai người bạn từng bị Covid-19 luôn động viên, nhắn "Ðau quá thì ngồi dậy, ngồi cả đêm cũng được, nhưng đỡ đau và dễ thở", "Càng hoảng hốt căng thẳng càng khó thở. Mệt quá phải uống thuốc paracetamol để cơ thể được nghỉ ngơi vài giờ. Ðều đều nước ấm pha chanh, gừng, mật ong". Ừ nhỉ, cả nhà vẫn còn được ở bên nhau lúc này, phải thấy đó là may mắn, hạnh phúc để lạc quan chiến đấu với dịch bệnh. Phải hết sức tỉnh táo, không để virus hủy hoại tâm lý trước khi công phá sức đề kháng của mình. Ðành ngồi ngủ, để tìm lại từng cơn thở dần đều. Trên bàn lúc nào cũng túc trực thuốc chống sốt, nước trái cây, trái cây, trà thảo dược... -những thứ năng lượng, vitamin dễ tiếp vào cơ thể nhất lúc này.

Vào ngày thứ hai tôi chính thức dương tính, có hai nhân viên tự xưng là người của Hội đồng vùng Flanders gõ cửa, xin vào trong nhà nói chuyện. Sao họ không hiểu tâm lý tôi đang mệt, nhà cửa bề bộn, không muốn tiếp khách chứ? Dù họ tiêm đủ vaccine, vào trong nhà người đang bệnh vẫn là điều không nên.

Nhà tôi sẵn vườn rộng cơ mà? Sau này ngẫm ra, họ muốn vào trong nhà để tạo cảm giác không quá xa lánh, rằng vẫn có người bên ngoài đến gần chúng tôi. Thứ hai là họ muốn xem điều kiện ăn ở trong nhà thế nào, ở chung nhưng có giữ khoảng cách và đeo khẩu trang không, có chia riêng nhà vệ sinh để dùng không? Ðột xuất đến không thông báo trước cũng là để biết có tuân thủ quy định cách ly (để tự do trước rồi kiểm soát bất ngờ như vậy đấy!) hay không? Nói chuyện xong với tôi, họ đề nghị được nói chuyện với con gái lớn 18 tuổi, người duy nhất chưa bị lây nhiễm trong gia đình. Giả sử con bé không hiện diện được trước mặt họ ngay khi ấy, chắc chắn chúng tôi bị phạt nặng.

Ngoài việc ngầm điều tra chuyện tuân thủ cách ly, hai nhân viên trẻ này cũng hỏi tôi có mệt không, trẻ con thế nào, đủ thức ăn không, có ai giúp không và cho đường link, điện thoại của các tổ chức cứu trợ gần nhất trong trường hợp cần thiết. Họ cũng ghi giấy thông báo cho biết ngày nào con trai tôi sẽ được quay lại trường học, trong khi tôi và con gái vẫn trong thời gian cách ly. Ðó là lộ trình vạch ra, để chúng tôi được dần dần, từ từ, tự do trở lại với cuộc sống.

Những liều thuốc tinh thần

Người cuối cùng trong nhà được ra ngoài không phải là tôi mà là con gái 18 tuổi. Vì chưa nhiễm nên cháu phải test lần thứ ba ngay sau khi tôi thực hiện xong 10 ngày cách ly. Hai tuần sau, tức tròn hai tháng, người thoát Covid-19 duy nhất trong nhà mới được đi học trở lại.

Những đêm đằng đẵng ấy, cứ sáng trời lòng tôi lại được xoa dịu trở lại. Bạn của con trai tôi gõ cửa, tay giơ ra mấy hộp xúp. Mẹ cậu bé biết con trai tôi thích ăn xúp này nên đã nấu gửi tặng. Ngoài vườn, cạnh chiếc võng là giỏ trái cây một người bạn gốc Việt gửi. Bằng cách nào đó, tôi ngộ ra mình đã "thiền" được để virus không lợi dụng làm rối loạn tâm trí. Nhạt mồm, mất khẩu vị cũng phải ăn uống đầy đủ để có sức chiến đấu. Không ăn còn có nghĩa là phụ tấm lòng người khác. Thấy các con không bị sốt, không ho, tôi gửi thư điện tử cho thầy cô đề nghị đúng giờ cho con cái được ngồi vào bàn học trực tuyến. Cách này để duy trì cảm giác cuộc sống không có gì quá xáo trộn trong nhà, chứ trẻ con thấy bố mẹ nằm bẹp trên giường sẽ hoảng loạn.

Không có những ngày sống chung một mái nhà với Covid-19, tôi sẽ không thấu được rằng nỗi sợ bị cách ly và hệ lụy của sự "cách lòng" có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý hơn cả virus gây bệnh. Nhưng nếu chúng tôi không tự nguyện khai báo và tự nguyện cách ly nghiêm túc, chắc chắn cũng không nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ đến vậy. Ngày con tôi đi học trở lại, tôi lo con bị bạn bè trách móc rằng "Vì cậu dính virus mà suốt hai tuần tớ không được đến chơi với ông bà, không được đi đá bóng". Nhưng, con tôi vẫn vui vẻ từ trường trở về nhà mỗi ngày.

Vừa hết cách ly, bạn đã mời con tôi đến nhà chơi. Có người còn nhắn "Tôi tình cờ đặt thừa vé đi chơi công viên giải trí. Con tôi muốn mời con cô đi cùng được không?". Không biết mua vé thừa là nhầm thật hay chủ ý. Hình như họ muốn giúp gia đình tôi, về mặt tinh thần. Mà thật ra, bù đắp đời sống tinh thần cho con cái cũng là cách gián tiếp chữa lành tâm hồn cho cha mẹ.

Ðã trải qua nhiều mất mát về cả tinh thần lẫn vật chất và con người, phương Tây dần hiểu rằng phải thay đổi biện pháp chống dịch theo diễn biến tình huống. Cách ly tại nhà là phương thức được nhiều nước châu Âu áp dụng hơn một năm qua. Về cơ bản, khi sử dụng phương thức này, chính quyền nào, hệ thống y tế nào và biện pháp nào cũng phải dựa trên những yếu tố quan trọng: Không kỳ thị, tạo cho người dân niềm tin biết trông chờ vào đâu và gọi ai khi cần giúp đỡ. Nếu được bảo đảm niềm tin đó, tôi tin rằng sự an lành cũng sẽ hiện hữu trong tâm trí bất cứ người dân nào. Như gia đình tôi.

KIỀU BÍCH HƯƠNG