Thấp thỏm trong những ngôi nhà tránh lũ

Từ nhiều năm nay, mỗi lần mưa lớn nhiều ngày, người dân ở 2 xã Mường Ải, Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), lại phải hối hả ôm tài sản tháo chạy vì lo ngại sạt lở núi, lũ quét. Hai năm nay, chính quyền huyện đã phải dựng những căn nhà tạm để cho người dân sơ tán, do không có nguồn vốn để đầu tư khu tái định cư. Tuy nhiên, cuộc sống trong những khu lán tạm này hết sức chật vật.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngôi nhà lánh nạn do chính quyền dựng tại xã Mường Típ.
Những ngôi nhà lánh nạn do chính quyền dựng tại xã Mường Típ.

Những trận lũ kinh hoàng

Trời đã hửng nắng, người dân ở bản Huồi Khí, xã Mường Ải đã lũ lượt kéo nhau trở về nhà sau nhiều ngày đi lánh nạn vừa qua. Tuy nhiên, anh Lầu Dúa Chò (42 tuổi), vẫn nhất quyết để gia đình ở lại khu “dã chiến”, chỉ một mình trở về nhà thăm nom. Anh Chò là trưởng bản Huồi Khí - một trong những bản bị lở núi uy hiếp nghiêm trọng nhất ở vùng cao Nghệ An.

“Dự báo thời tiết mai lại có đợt mưa tiếp. Tốt nhất là nên ở lại thêm ít ngày cho an toàn. Chứ sợ lắm, nghĩ đến cảnh lũ quét, sạt lở núi lại ám ảnh”, anh Chò nói. Nhiều ngày nay, trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông thường xuyên chiếu cảnh lũ quét xảy ra ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Tuy nhiên, theo anh Chò, những hình ảnh đó “chẳng là gì” so với những trận lũ quét mà người dân Huồi Khí từng chứng kiến.

“Chỉ có điều khi lũ quét xảy ra, ai cũng hoảng loạn, lo tháo chạy nên không ai kịp quay lại hình ảnh”, anh Chò chia sẻ và cho hay, một trong những trận lũ quét, sạt lở núi kinh hoàng nhất là vào trung tuần tháng 8 năm 2018. Hôm đó, trời mưa lớn nhiều ngày liền, cũng như nhiều nhà khác, gia đình anh Chò không thể đi rẫy được. Buổi trưa, khi cả nhà đang ngủ ở gian chính thì giật bắn người bởi những tiếng động lớn. Tỉnh dậy, anh Chò thấy một nửa căn nhà đang bị khối đất đá từ trên đỉnh núi giày xéo.

Đó là gian bếp, cách giường ngủ của anh chừng ít mét. Lập tức, anh hô hào cả nhà cùng tháo chạy. Lúc đó đất đai thì rung chuyển, rồi tiếng gầm thét vang trời. Chỉ trong tích tắc, dòng nước lũ kèm đất nhão và những tảng đá không lồ đã xén đôi căn nhà của vị trưởng bản. Căn nhà sau đó được sửa lại, nhưng suốt nhiều tháng trời, cả gia đình anh không dám ngủ lại vì sợ, phải tá túc hàng xóm.

Cũng trong buổi trưa hôm ấy, cách bản Huồi Khí chừng 10km, gia đình anh Moong Phò Tuất ở bản Xốp Phong, xã Mường Ải vẫn bình thản ăn cơm trưa. Khi cả 10 người vẫn chưa kịp xong bữa thì đất, đá theo dòng nước lũ từ trên núi bất ngờ đổ xuống. Cả bản Xốp Phong nháo nhào hô hoán nhau cùng chạy. “Lúc đó anh Tuất cũng đã chạy kịp rồi, nhưng chạy được một đoạn ngó lại vẫn không thấy ông bố đâu. Bố anh ấy đã 80 tuổi nên không thể chạy được. Anh Tuất quay lại cõng bố. Nhưng không kịp”, vợ anh Tuất gạt nước mắt kể.

Chỉ trong tích tắc, hai bố con cùng căn nhà cũng là cửa hàng bán tạp hóa bị đẩy xuống dòng Nậm Típ cạnh đó. Hàng chục người thân chỉ biết đứng trên cây cầu cứng khóc thét. Hai tiếng sau, thi thể ông Moong Phò Uôn được tìm thấy dạt vào bản Na Lượng (xã Hữu Kiệm), cách đó hơn 60km đường sông. Còn thi thể anh Tuất mãi hai tuần sau mới tìm thấy. Đợt mưa lớn năm đó đã khiến 6 người dân ở huyện Kỳ Sơn thiệt mạng vì lở núi và lũ quét. Hàng loạt ngôi nhà bị vùi lấp...

Sau trận lở núi kinh hoàng đó, xã Mường Ải, Mường Típ bị cô lập gần 2 tháng. Tuyến tỉnh lộ 543D chạy từ Mường Xén qua hai xã này gần như bị hỏng hoàn toàn. Người dân có việc muốn ra thị trấn phải cuốc bộ đường vòng mất hơn một ngày. Khu vực này cũng mất điện hoàn toàn trong suốt quãng thời gian đó. Nhưng, điều khiến người dân hai xã lo lắng nhất đó là những vết nứt chi chít, chạy dài trên các đỉnh núi.

Thấp thỏm trong những ngôi nhà tránh lũ ảnh 1

Người dân cho rằng, dù chật vật nhưng vẫn còn hơn phải đối diện với lũ quét.

Chật vật trong những ngôi nhà lánh nạn

Sau nhiều năm người dân phải tự đi tìm nơi lánh nạn mỗi lần có cảnh báo sạt lở, trong lúc chờ nguồn vốn để bố trí tái định cư, năm 2020, huyện Kỳ Sơn đã đầu tư bốn tỷ đồng để lắp ráp 158 căn nhà tạm cho người dân sơ tán. Trong số này, 138 căn được dựng tại ba bản có nguy cơ sạt lở cao nhất của xã Mường Típ là Vàng Phao, Na Mì và Xốp Phe; 20 cái dựng ven đường để người dân bản Xốp Lau (xã Mường Ải), đến trú ngụ. Những căn nhà được dựng bằng khung thép, che chắn bởi các tấm bạt. Phía dưới được lát bằng tre, hoặc gỗ. Bộ đội chịu trách nhiệm lắp ráp mỗi lần mưa gió.

Đến khi hết mùa mưa, những căn nhà này lại được tháo bạt mang về trụ sở xã. Mỗi nhà sơ tán có diện tích 15m2, đủ để một gia đình hơn 10 người trú ngụ. Ở các điểm này còn được đầu tư hệ thống nước kéo từ khe suối cho bà con sử dụng chung. Tuy nhiên, do được dựng bằng bạt, ở trong các căn nhà sơ tán này, người dân không thể nấu ăn. Ở nhiều điểm cũng không có điện để sử dụng, chính vì thế, cuộc sống hết sức khó khăn.

“Nhà nào cũng nấu sẵn cơm, rồi mang chăn, chiếu đến nơi sơ tán”, anh Moong Phò Hanh ở bản Na Mì, Mường Típ nói. Vì phải đi sơ tán nhiều ngày, người dân ở đây thường nấu rất nhiều cơm. Nấu một lần, đủ để cả gia đình ăn dè sẻn trong hai ngày. Nhưng, thức ăn thì không thể để lâu được, vì thế, nhiều bữa chỉ là những chén cơm không, chan với nước mắm. Có khi cơm hết, nhưng ở ngoài thì mưa to gió lớn, không thể trở về nhà để nấu được, đành phải nhịn đói. Con nhỏ thì xin ăn ké của nhà hàng xóm.

Dù vậy, theo người dân, cuộc sống trong những căn nhà sơ tán này còn tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Quãng thời gian chưa có các điểm sơ tán do chính quyền bố trí, người dân “mạnh ai nấy chạy”, mỗi lần mưa bão đến. Chưa kể, mùa mưa ở vùng biên giới này, đường đất nhão nhoét, nhiều tuyến đường vào bản phương tiện không thể qua lại được. Nhiều hộ dân nhận được thông báo đi sơ tán của chính quyền, họ phải băng rừng, lội bộ suốt nhiều giờ. Đến khi hết đồ ăn, lại phải đi bộ vượt quãng đường gian khổ đấy để về nhà nấu cơm. Mỗi lần về nhà nấu cơm, người dân luôn phải đi hai người. Một người lo thổi cơm trong bếp, người còn lại nhìn lên núi để cảnh giác. Khi có diễn biến bất thường hô hoán cùng chạy cho kịp.

Không chỉ có những ngôi nhà do chính quyền dựng, tại bản Xốp Phong, xã Mường Ải, người dân còn tự dựng những căn lều ở một bãi đất trống mà họ cho là an toàn để sơ tán mỗi lần có mưa lớn. Một số căn lều, không đủ để che mưa, che nắng. Nhiều đêm, cả gia đình phải thức trắng vì nước dột, ướt sũng hết chăn màn. Điểm tập kết do các hộ dân Xốp Phong tự làm cách bản đến 7km. Nhưng nếu mưa bão liên tục, đường cũng biến thành dòng chảy. Muốn đến được nơi sơ tán, người dân phải len lỏi suốt nhiều giờ.

“Không giống như nhà sơ tán do Nhà nước bố trí, ở đây mình có thể nấu ăn được. Nhưng bữa ăn chủ yếu là cơm với rau rừng. Có khi may mắn thì được các đoàn từ thiện rồi cơ quan chức năng đến tặng mì gói, ăn cho qua ngày”, anh Hoa Bá Khăm bộc bạch.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, tình trạng sạt lở núi, lũ quét là cực kỳ nguy hiểm với hơn 10 điểm nguy cơ cao. Trong đó, gay go nhất là ở các xã Bảo Nam, Chiêu Lưu, Mường Ải, Mường Típ. Mỗi lần mưa gió, chính quyền lại phải sơ tán hàng nghìn người dân rất khó khăn, nguy hiểm. “Nhà sơ tán chỉ là giải pháp tạm thời, không thể cứ thấy mưa gió là tháo chạy mãi được. Chưa kể việc đi sơ tán cũng rất phiền phức, nào là chuyện ăn uống, rồi trông nom vật nuôi ở nhà. Khổ cả người dân lẫn cán bộ địa phương”, ông Minh nói thêm.

Mường Ải và Mường Típ là 2 trong những xã xa xôi và nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Cư dân các xã này chủ yếu là người Khơ Mú và người Mông. Trước đây, các bản làng thường sống ở trên cao. Hơn 20 năm trước, mở tỉnh lộ 543D chạy từ Mường Xén qua hai xã này rồi quay ngược trở lại để về Na Ngoi, Nậm Càn, chính quyền mới vận động người dân xuống dưới thấp, sống dọc tuyến đường này. Nhưng do mặt bằng quá ít, những ngôi nhà ở đây thường được dựng chênh vênh dưới chân núi. Phía dưới là dòng Nậm Mộ, Nậm Típ quanh năm chảy xiết.