Thành phố của những cây cầu

Với khát vọng vươn lên trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế... theo tinh thần Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, thành phố Hải Phòng nỗ lực đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông và đang dần trở thành thành phố của những cây cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm (Hải Phòng).
Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm (Hải Phòng).

Trong những năm đầu của thời đổi mới, Hải Phòng đã từng rạng danh cả nước với bài thơ “Mừng Hải Phòng” của nhà thơ Tố Hữu, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ): “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!/ Đào sông, lấn biển, dựng cơ đồ...”. Khi đó, thành phố Hải Phòng mới xây dựng được cầu Rào, cầu Niệm và cầu An Dương - ba công trình cầu được xem là vĩ đại và lớn lao tại thời điểm đó. Nhưng giờ đây, hàng chục cây cầu lớn nhỏ với đủ kiểu dáng thiết kế, nhiều cây cầu rộng, dài và hiện đại gấp nhiều lần 3 cây cầu kể trên đã đua nhau mọc lên trên thành phố Cảng với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Ngày 6 tháng 10 năm 2010 đã trở thành sự kiện trọng đại của người dân các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão - vùng nông thôn xa xôi nhất của thành phố Hải Phòng khi cầu Khuể bắc qua sông Văn Úc được khánh thành sau 3 năm xây dựng. Hàng nghìn người dân các địa phương nơi đây đã mừng vui khôn xiết và sẵn sàng dậy từ 3 giờ sáng để đến chứng kiến sự kiện mà trong đời họ chưa từng dám mơ tới. Cây cầu đã “kéo” 51 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Bảo và huyện Tiên Lãng gần hơn với đô thị Hải Phòng.

Tiếp theo sau là cầu Hàn, cầu Đăng được hoàn thành vào đầu năm 2019 nối liền hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng chỉ sau một năm rưỡi thi công đã thực sự làm đổi thay mạnh mẽ cho vùng nông thôn rộng lớn này của Hải Phòng. Với 3 cây cầu này và các tuyến đường hiện có được nâng cấp đã góp phần giảm tới hơn 2/3 thời gian để đi ra thành phố so với trước đây. Cùng với đó là cơ hội để cả vùng đất xa xôi này vươn lên phát triển về mọi mặt, nhất là thoát thế “thuần nông” và cái nghèo đã đeo bám suốt bấy lâu...

Thành phố của những cây cầu ảnh 1

Cầu Quang Thanh, kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho hay, với quan điểm “giao thông phải đi trước một bước”, thành phố đã tập trung cao cho quy hoạch và thực hiện “đột phá” trong phát triển hạ tầng giao thông theo đúng ưu tiên hàng đầu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng.

Trong đó, những cây cầu tạo nên “điểm nhấn” trong phát triển của thành phố Cảng phải kể đến cầu Tân Vũ-Lạch Huyện. Với chiều dài 5,4 km, đây được xem là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được hoàn thành năm 2017 với tổng đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng. Cây cầu đã rút ngắn thời gian đi từ bán đảo Đình Vũ sang đảo Cát Hải từ 1 giờ đồng hồ xuống còn 5 phút. Không những thế, cây cầu còn là kết nối chính để biến một hòn đảo cát với người dân chủ yếu sống bằng những ruộng muối, đánh bắt hải sản nhỏ và nghề làm nước mắm... nhanh chóng trở thành một trung tâm logicstic, cảng biển nước sâu quốc tế sầm uất, điểm mở đầu của hệ thống cáp treo vượt biển hướng ra trọng điểm du lịch Cát Bà và nhà máy sản xuất ô tô Vinfast hiện đại... Cũng từ sự phát triển nhanh và mạnh mẽ nơi đây, dự kiến sẽ thêm một cây cầu mới - cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2 đang hình thành và dự án sẽ triển khai trong thời gian không xa.

Ngay giữa trung tâm đô thị Hải Phòng, cầu Hoàng Văn Thụ, cây cầu vòm với nhịp lớn nhất Việt Nam và hoàn toàn do đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công với kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng “Cánh chim biển” đã hoàn thành cuối năm 2019 sau chưa đầy 2 năm thi công. Cây cầu đã trực tiếp thay thế cho bến phà Bính qua sông Cấm - một địa danh đã đi vào lịch sử, văn học, thi ca...

Cách đó không xa là cầu Bính được xây dựng và hoàn thành giữa năm 2005 bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản - một trong những cầu dây văng đẹp và hiện đại của Việt Nam thời kỳ đó. Hai cây cầu này không chỉ là những công trình kết nối giao thông quan trọng giữa đô thị Hải Phòng với vùng đất Thủy Nguyên rộng lớn và trù phú với 37 xã, thị trấn, mà còn được coi là “cú hích” để vùng kinh tế động lực này của Hải Phòng phát triển bứt phá, khởi đầu cho việc xây dựng, di chuyển Trung tâm hành chính - chính trị thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn. Đây cũng là cơ sở quan trọng trong quy hoạch, tạo dựng thành phố mới Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng trong một đề án đang được Hải Phòng triển khai tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển thành phố Hoa phượng đỏ trong tương lai.

Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã xây dựng mới 46 cây cầu cùng hàng trăm km đường với tổng vốn đầu tư gần 44 nghìn tỷ đồng. Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu nghìn tỷ lung linh in bóng trên các dòng sông Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cảng. Tất cả các bến phà xưa đều được thay thế bằng cầu, thậm chí không phải một mà bằng nhiều cây cầu để tăng tốc trong phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Duy Tùng chia sẻ thêm.

Ngay trên tuyến đường bộ “huyết mạch” trong nội đô Hải Phòng để vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Hải Phòng đi khắp các địa phương trong cả nước qua quốc lộ 5, quốc lộ 10, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, hàng loạt các cầu cạn qua các nút giao được xem như những “nút thắt” gắn với nguy cơ “tử thần” về mức độ nguy hiểm đã được thành phố quyết tâm xây dựng “thần tốc” với thời gian hoàn thành chỉ tính bằng tháng. Các cầu vượt Lê Thánh Tông-Đình Vũ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh cùng tất cả các cây cầu trong nội đô Hải Phòng như Thượng Lý, cầu đường sắt Tam Bạc, Hoàng Văn Thụ, Hạ Lý, Võ Nguyên Giáp và cầu Rào - cây cầu hiện đại qua sông Lạch Tray vừa mới hoàn thành xây dựng lại và đưa vào sử dụng - đều được bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện đại đã tạo những điểm nhấn cảnh quan khiến thành phố Cảng càng trở lên lung linh, rực rỡ về đêm.

Thành phố của những cây cầu ảnh 2

Cầu Rào (Hải Phòng) vừa được xây dựng lại khang trang và hiện đại.
Ảnh trong bài | Nguyễn Đức Nghĩa

Để hoàn thiện hạ tầng giao thông, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Hải Phòng lên kế hoạch xây dựng 100 cây cầu, với tổng mức đầu tư gần 38 nghìn tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều cây cầu đảm nhiệm vai trò kết nối vùng với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình. Ngay giữa năm 2021, thành phố Hải Phòng đã dành ngân sách của mình để xây dựng hai cây cầu kết nối với tỉnh Hải Dương, gồm cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (Hải Phòng) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) qua sông Văn Úc và cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy. Hai cây cầu hoàn thành cùng lúc đã mở ra một liên kết vùng rộng lớn giữa các địa phương khu vực này.

Từ giữa năm 2022 vừa qua, Hải Phòng đã khởi công cầu Bến Rừng với số vốn đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Đồng thời, thành phố cũng đang thực hiện những thủ tục cuối để chuẩn bị khởi công cầu Nguyễn Trãi - một công trình lớn với vốn đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng - vào cuối năm nay.

Mặt khác, hàng loạt cây cầu lớn khác trên địa bàn Hải Phòng đang được tích cực khởi động như cầu Máy Chai qua sông Cấm; cầu Rào 3 qua sông Lạch Tray; cầu An Trì nối quốc lộ 5 với đường Máng Nước (huyện An Dương); cầu nối xã Tân Liên (Vĩnh Bảo) với xã Cấp Tiến (Tiên Lãng); mở rộng cầu Nguyệt Áng trên đường 354 nối Kiến An với An Lão; mở rộng cầu Vàng 2 (huyện An Lão), cùng nhiều cây cầu qua sông kết nối các quận, huyện, các nút giao khác mức, cầu trên tuyến đường vành đai 2, vành đai 3... và nhiều cầu lớn phục vụ kết nối vùng sẽ mang lại diện mạo mới và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.