Thăm lại miền trái ngọt

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Ngày trước, núi rừng xơ xác, tan hoang bởi tập quán du canh, du cư; "phát, đốt, chọc, tỉa" của đồng bào dân tộc thiểu số nơi này. Bây giờ, trên những vạt đồi, cây xanh lên mơn man, và những nẻo đường thơm nức hương quê, với những sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ…
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng tại lễ hội Trái cây Khánh Sơn. Ảnh: PHONG NGUYÊN
Một gian hàng tại lễ hội Trái cây Khánh Sơn. Ảnh: PHONG NGUYÊN

Đêm qua, tôi đã cùng những người bạn ở Khánh Sơn ngồi trò chuyện rất khuya. Ngoài kia, rừng cây dần chìm trong cô liêu, quạnh vắng; bóng núi lờ mờ, im lìm, như đang ngủ rất say sau làn sương mong manh trong đêm trăng. Gió ngàn thầm thì, hòa cùng khúc sử thi Akhà Juca cũ kỹ của người Ra Glai bản xứ đầy huyền hoặc và say đắm. Bản tụng ca hoang dã và vô tư lự ấy cứ lướt đi, lướt đi trên những miền hoài niệm xa lắc trong tôi về một mảnh đất Khánh Sơn đã gắn bó với bao nhiêu nỗi buồn vui.

Tôi đã lên tới Thành Sơn, xã xa nhất, khó nhất của Khánh Sơn từ năm 1984. Vậy là đã ngót nghét bốn mươi năm. Ký ức vẫn cứ mồn một tinh khôi, đinh ninh như nước chảy về thung, mà lại theo cái cách ngược về tây của dòng sông Tô Hạp. Hồi đó, từ thị trấn Tô Hạp lên Thành Sơn chưa có đường ô-tô. Gần 20km mà chỉ có đường mòn đi xuyên rừng, nhiều khi gặp nước lớn phải bơi qua suối. Trong ba-lô của tôi có 16kg gạo (tiêu chuẩn công tác miền núi thời đó) và lỉnh kỉnh những mắm, muối, rượu, cà-phê… Khánh Sơn hồi đó và Khánh Sơn bây giờ là hai hình ảnh quá khác biệt; khác biệt một cách không thể tưởng tượng được.

Nhớ những ngày xưa bé, tôi đã biết về một loài cây có tên "tu rên" từ xứ lạ theo bước chân người đàn ông chung tình về với quê hương mới trong câu chuyện sự tích trái sầu riêng. Bây giờ, tôi nghe cả sự tích thời hiện đại về một loài cây mới đang đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất vùng cao Khánh Sơn vốn còn đang nhiều gian khó. Không gian ngan ngát một mùi hương không thể lẫn lộn vào đâu được của trái sầu riêng đang chín tới. Cái mùi hương nồng nàn, mãnh liệt và đầy quyến rũ ấy nó cứ như vừa níu kéo, lại vừa xô đẩy, khiến người ta cứ dủng dẳng, dùng dằng; nửa muốn đến nửa muốn đừng; tựa hồ những nỗi đăm chiêu về một khối tình đằm thắm của đôi vợ chồng son trẻ ngày nào, có đầy ngọt ngào mà cũng nhiều ngang trái.

Tôi đến thăm nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - Ngô Hữu Giác. Ông nhớ lại: Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, huyện Khánh Sơn cứ trăn trở mãi với câu hỏi lấy loại cây trồng nào làm chủ lực. Tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái Lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện. Lúc ấy, anh em lãnh đạo huyện nhẩm tính, chỉ cần mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng và chăm sóc tốt khoảng 20 cây sầu riêng chung quanh nhà thì mỗi năm đã có thu nhập hơn chục triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Và, từ đó, hình ảnh về một cuộc sống mới cứ hiển hiện thật đẹp, lung linh trong những giấc mơ cây trái.

Hợp với chất đất, khí hậu, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4,5kg/trái; cá biệt có nhiều trái đạt tới bảy, tám ký. Không chỉ trái nhiều, trái lớn mà sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng chuyên canh trên cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ bốn đến năm tháng. Khi sầu riêng Nam Bộ, Tây Nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước.

Thăm lại miền trái ngọt ảnh 1
Người dân thích thú chụp ảnh cùng cây trái địa phương.

Trưa nay, tôi cùng Chủ tịch Nguyễn Văn Nhuận đến thăm một số vườn cây mà theo ông, đó là những hiện thân của ý chí và khát vọng. Trên những vạt đồi, cây xanh lên mơn man, và những nẻo đường thơm nức hương quê, với những sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Với người Kinh, việc chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang vườn cây ăn trái đã khó, đối với đồng bào Ra Glai, việc ấy còn khó hơn gấp bội phần. Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh du cư, đồng bào Ra Glai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư; biết trồng lúa nước, rồi trồng cây ăn trái. Nói về chuyện trồng sầu riêng, nhiều người đồng bào Ra Glai cứ bảo trồng cây sầu riêng lâu có ăn lắm, cứ trồng cây lúa, cây bắp mau có ăn hơn. Thêm vào đó, người dân chưa quen với việc trồng cây ăn trái, kỹ năng chăm sóc yếu nên cây chết nhiều, phát triển kém. Huyện phải tổ chức tuyên truyền, vận động; hỗ trợ thêm cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu; cử người đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc... Cũng mừng, đồng bào rồi cũng dần quen.

Anh Nhuận cho biết, đến nay, Khánh Sơn đã có gần 2.000ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 12.000 tấn. Từ năm 2011, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Lần này, trở lại Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Ra Glai ở thị trấn Tô Hạp. Trước đây, cả nhà anh Khá đi làm thuê mà gạo không đủ nấu. Quyết tâm, anh để ý tìm hiểu cách thức chăm sóc cây sầu riêng; rồi mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây. Vợ chồng gánh nước tưới. Vườn sầu riêng phát triển rất tốt. Đến nay, anh Khá đã có hơn 2ha đất trồng sầu riêng, mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng. Năm nay có điều không vui là cơn lốc xoáy hồi tháng 6 đã làm thiệt hại cả chục tấn sầu riêng của anh. Anh bảo, đang đầu tư khôi phục; trông chờ vào 200 cây sầu riêng tơ hơn bốn năm tuổi. Trước mắt, anh không mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm. Câu chuyện của anh Khá làm chúng tôi bất ngờ. Bởi tư duy tiến bộ của anh. Trước đây không lâu, gia đình anh vẫn còn lên rừng "phát, đốt, chọc, tỉa"; nay đã biết "làm cái khoa học", tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của chính mình.

Trong cái nắng miên man của vùng cao, lưng đồi, có tiếng con chim chiền chiện reo vui lảnh lót; tiếng mõ gió gõ đều đều, trầm mặc, và có cả tiếng chim cu gáy thật nhẹ, thật xa, nghe xao xuyến, thanh bình. Bỗng nghe ai đó nghêu ngao hát: "Sầu riêng ai khéo đặt tên/ Ai sầu không biết riêng em không sầu…". Quả thật, không chỉ không sầu, mà cây sầu riêng đang đem đến cho người dân Khánh Sơn một niềm vui mới trên con đường đi lên no ấm. Trong các kỳ lễ hội trái cây của huyện, nhiều du khách vượt cả chặng đường dài hàng trăm cây số, qua nhiều đèo dốc để đến tận vườn thưởng thức sầu riêng Khánh Sơn, tận tay xẻ những trái chín cây, tự rụng. Theo họ, ấy mới là sầu riêng ngon thượng hạng.

Hôm dự Lễ hội Trái cây Khánh Sơn lần thứ hai, năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: Sau 37 năm tái lập, Khánh Sơn trở thành điểm sáng về phát huy hiệu quả chương trình chuyển đổi cây trồng. Huyện đã chuyển đổi hơn 3.300ha từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hướng tới, Khánh Sơn cần tập trung xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao bảo quản sau thu hoạch; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Đường lên Khánh Sơn, tỉnh lộ 9, có nhiều khúc cua cùi chỏ giống hệt đèo Sông Pha lên Đà Lạt. Với độ cao khoảng 800m so mực nước biển, Khánh Sơn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, rất thích hợp cho những loại cây ăn trái chất lượng cao. Ai đó đã trìu mến gọi Khánh Sơn là "miền trái ngọt". Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ… vương vấn hương đưa. Và cả lòng người hiền hậu, đằm thắm như men rượu tapai của người Ra Glai; lâu say, nhưng lại say rất lâu.

Đầu thu, núi rừng dịu mát. Không gian trong trẻo, tinh khôi. Và, hương vị ngọt lành Khánh Sơn cứ khiến hồn người lưu luyến mãi.

Tô Hạp - Nha Trang, tháng 8/2022