Ngược thượng nguồn

Thạch Bồ qua hai cuộc kháng chiến

Từ điểm giao nhau của sông Cẩm Lệ và sông Túy Loan, ngược về đập An Trạch là dòng sông Thạch Bồ. Con sông có chiều dài 6km ấy đi qua thôn Bắc An (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một vùng căn cứ cách mạng gắn với hai cuộc kháng chiến kiên cường, bất khuất. 

0:00 / 0:00
0:00
Đập thủy lợi An Trạch.
Đập thủy lợi An Trạch.

Đội ghe Xóm Vạn

Nghe nói cá mòi từ cửa biển sông Hàn bơi ngược sông Cẩm Lệ rồi rẽ qua sông Thạch Bồ ngon nức tiếng, tôi tìm về vùng đất này khám phá thử. Men theo con đường dân sinh xuyên qua cánh đồng lúa xã Hòa Tiến, con đập An Trạch án ngữ giữa dòng Thạch Bồ. Đập xả nước trắng xóa mấy hôm nay, đàn cá mòi cũng đã hết mùa. Hành trình thưởng thức vị ngon loài cá mòi đành dừng lại. Cuộc khám phá dòng sông Thạch Bồ đành chuyển sang hướng đi theo ký ức của ông Nguyễn Văn Mính, người đã sống cả đời bên dòng sông.

Ông Mính bây giờ đã bước sang tuổi 93. Cái tuổi mà miền ký ức lẽ ra đã dần phai nhạt nhưng riêng ông Mính thì không. Cuộc đời người lính cách mạng đã tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước thể hiện chắc nịch qua từng câu nói của ông. “Sông Thạch Bồ ni như một lũy tuyến. Ngày xưa quân địch chỉ ở bên kia sông chứ không dám qua bên ni. Từ đời ông cố đến đời tôi đã gắn với các trận đánh liên ngày liên đêm. Hồi trước, ở đây Nhà nước tổ chức một đội ghe tên là Xóm Vạn bơi qua lại thường xuyên”, ông Mính tự hào nói.

Đội ghe Xóm Vạn ra đời từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và tồn tại đến ngày đất nước giải phóng. Những người đầu tiên tham gia đội ghe khi ấy có ông Hai Tiên, ông Hà, ông Tịnh. Mỗi lần bộ đội bàn bạc tối nay về đánh địch bên làng Túy Loan, đội ghe trực sáng đêm để chở quân rút về sau trận tiến đánh.

Ông Mính nhớ lại, đội ghe ngày trước có 15 chiếc. Có những trận đánh diễn ra dài ngày, những người chèo ghe buộc phải theo sát hoạt động của bộ đội ta để hỗ trợ. Đèn dầu là phương thức ra ám hiệu của những ghe trực ở mép sông. Ánh đèn lóe lên giữa màn đêm là dấu hiệu an toàn, ghe có thể đưa người qua sông. Nhận thấy dấu hiệu địch mai phục, tất cả đèn dầu dưới ghe đều tắt, quân ta phía bên này sông nằm yên.

Hiện nay, đôi bờ sông Thạch Bồ có đoạn cách nhau gần 100m. Qua bao mùa lụt lũ, bờ tre dọc sông sạt gần hết. Thuở còn thanh niên, mỗi ngày ông Mính lội qua lại con sông không biết bao lần.

Là vùng lõm cách mạng, chung quanh thôn Bắc An bấy giờ, địch đóng quân ở nhiều nơi. Có đợt quân địch xuất phát từ hướng cầu Đỏ theo đường xe lửa lên đánh phá Bắc An, đội ghe tức tốc đưa cán bộ cách mạng, bộ đội, dân làng vượt sông. Đôi bờ sông Thạch Bồ lặng thinh là vậy, nhưng vào ngày chuyển quân, sông như vùng lên cùng bộ đội chống kẻ thù.

Dẫn tôi ra bến sông xưa, ông Mính cho biết, trong đội ghe thuở ấy, ông Tịnh là người lái ghe giỏi nhất. Những chuyến chở bộ đội qua sông giữa ban ngày, để tránh bị địch phát hiện, ông Tịnh không dùng bơi chèo. Nắm được dòng chảy sông Thạch Bồ, mũi ghe buộc vào sợi dây dừa; ông Tịnh lội bộ qua sông, kéo chiếc ghe trôi ngang dòng chảy. Bộ đội ta cùng vũ khí được ngụy trang nằm sát be ghe. Nhìn từ bờ chỉ thấy như một chiếc ghe bị tuột dây neo trôi lạc. Nhờ đó mà cả tiểu đội ta vượt sông an toàn giữa ban ngày.

Tre làng Bắc An hưởng giọt phù sa sông Thạch Bồ xanh tốt quanh năm. Chọn cây tre càng lâu năm, người dân đốn hạ để đan ghe chở bộ đội. Đứng lặng bên bến sông sau nhà, ông Mính tiếc chiếc ghe bị lụt cuốn mất cách đây vài năm. Đó là chiếc ghe nan đi cùng gia đình ông hàng chục năm qua. Ông bảo: “Đan ghe tốt phải biết lựa cây tre thật già. Sau khi đan nan tre xong, tôi quét một lớp dầu rái nhuộm cho nan tre chín, phơi khô một tuần. Tiếp đến mới quét lớp phân trâu khô và phủ thêm một lớp dầu rái ở ngoài cùng. Nhờ làm kỹ lưỡng mà ghe dùng cả mấy chục năm. Làm chuyện chi cũng nhờ chiếc ghe. Chở đồ làm nhà cũng bằng ghe, chở người, dọn lụt cũng trên ghe đó”.

Bỗng dưng, giọng ông Mính cất to như chợt chớ điều gì đó. Đó là hình ảnh về con cá mòi vượt sông trúng vào ngày địch càn quét, bắn phá. Quân địch cứ bắn liên hồi ra giữa sông hòng tiêu diệt quân ta. Chúng không ngờ, bao nhiêu loạt đạn vang trời chỉ hạ được… đàn cá mòi. Cá chết nổi lai láng mặt sông.

Thạch Bồ qua hai cuộc kháng chiến -0
Một khúc sông Thạch Bồ. 

Đào hầm ra tận mép sông

Trải qua hai cuộc kháng chiến, bộ đội ta kiên cường bám đất, bám làng bao nhiêu thì cũng không quên được rặng tre đã che chở quân ta khỏi mắt kẻ thù. Nhà nào ở Bắc An cũng có vài căn hầm trú ẩn. Có hầm đào ngay lối đi hằng ngày, nhưng miệng hầm, lỗ thông hơi lại được bố trí chính giữa khóm tre, ra tận bờ sông Thạch Bồ. Ông Mính giải thích, dân làng lựa làm lỗ thông hơi ở đó bởi đất dưới rễ tre thường cứng chắc hơn. Ngoài ra, tránh được kẻ thù nhìn thấy nơi chúng ta giấu cán bộ. Đặc biệt phải chừa số lỗ thông hơi theo số chẵn vì như vậy mới thoáng khí được.

Mỗi hầm chạy ra mép sông cần đào suốt ba đêm. Mỗi đêm, hầm dài thêm khoảng năm mét. Đất đá nhanh chóng được đổ xuống sông, tránh bị phát hiện. Không gian căn hầm ngày trước bố trí mỗi người ngồi vừa đủ một mét hầm. Nhiều lần, địch càn quét vào làng, lùng sục từng nhà nhưng vẫn không phát hiện quân ta nằm dưới đó.

Ở Bắc An xưa, cả làng ai cũng biết đào hầm. Tuy vậy, phần nắp hầm chỉ có một người chuyên làm. Đó là ông Tư Sáu, một thợ mộc tay nghề cao nên ông được giao nhiệm vụ đóng nắp hầm cho cả xóm.

Những ngày tháng chiến đấu, ông Mính vẫn nhớ như in lần ông chui vô căn hầm ở một mình suốt ba ngày đêm. “Trước khi xuống hầm trú ẩn, tôi mang theo mo cau đựng cơm ăn trong ba ngày. Hết ba ngày đêm thu mình dưới hầm, vẫn chưa nghe động tĩnh trên nhà, tôi im lặng mở nắp hầm chui ra rồi men theo bờ sông đến đập An Trạch bây giờ, vô nhà người bà con trú ẩn”, ông nhớ lại. Giữa thời điểm địch còn đóng quân ở trong làng, thông tin ông đã ra khỏi hầm được chuyển về cho vợ con biết, tránh để gia đình bị động. Đôi mắt ông Mính đã mờ nhòa, hàm râu bạc trắng nhưng khí phách người lính trong ông vẫn lộ ra rõ nét.

Người xưa sống bên sông Thạch Bồ chưa biết đến dự báo thời tiết như bây giờ. Họ chỉ dựa vào câu nói lưu truyền “Mống Cu Đê là thời điểm dễ lụt to, mống Hội An tượng trưng nắng hạn kéo dài”. Hồi năm 1964, sáng mồng một tháng 8 âm lịch, ông Mính nhìn về hừng đông, một mảng mây duy nhất che cả một góc trời, như có gì mách bảo, nhà ông sửa lại chiếc ghe nan to hơn.

Trận lụt lịch sử năm đó bất ngờ tràn về, cả người trong nhà cùng bộ đội chuyển lên chiếc ghe nan bơi về phía núi. Chuyển xong chuyến ghe đầu tiên lên cao an toàn, ông Mính bơi ghe quay về xóm tìm những người còn mắc lại, giúp họ vào chỗ cao. “Có những ngôi nhà phên tre cột yếu, ghe tôi vừa kéo được chủ nhà lên thì căn nhà đổ sụp ngay trước mắt họ”, ông Mính ám ảnh kể. Chiếc ghe nan dài hơn năm mét đã cứu cả xóm khỏi trận lụt kinh hoàng năm đó.

Chỉ tôi ra hướng cầu Sông Yên để ngắm nhìn toàn cảnh con sông, ông Mính đọc vài câu thơ, như sợ tôi quên đi những người đã vào sinh ra tử cùng ông. “Bắc An ở dọc sông Yên/Cấp trên tổ chức đội thuyền/Chú Hà, chú Tịnh, ông Hai Tiên/Phải sắm ghe cho lớn chở bộ đội, cán bộ thường xuyên cả đêm ngày”…

Sông Thạch Bồ còn được gọi là sông Yên. Con sông nằm ở hạ lưu sông Ái Nghĩa và sông Vu Gia. Đập thủy lợi An Trạch chắn giữa dòng sông được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Từ tháng giêng đến tháng 5 hằng năm, cá mòi từ cửa biển lại bơi ngược lên đến đoạn đập An Trạch chờ ngày đẻ trứng. Loài cá vốn được sinh ra ở vùng nước ngọt nhưng lại bơi ra vùng nước lợ nơi cửa biển sinh sống. Bởi vậy, hương vị đặc trưng thơm béo của cá mòi sông Thạch Bồ được nhiều người ưa thích. Những năm gần đây, sản lượng cá mòi đánh bắt được giảm dần do môi trường sống bị thu hẹp, nạn khai thác tận diệt làm giảm số lượng đàn cá mòi tự nhiên.