Sáng nay khi đặt mua (qua mạng) một cân măng khô cho Tết, tôi giật mình nhớ ra hình như măng khô mua cho Tết năm ngoái vẫn còn, một lô nấm hương, mộc nhĩ, miến dong... và những đồ khô tương tự.
Nhìn Tết từ trong bếp, thấy ra bao nhiêu chuyện. Năm nào cũng vậy, người ta nghĩ sau Tết là năm mới, nên sẵn lòng vì Tết mà quần quật. Có nhiều khi xong Tết rồi, tỉnh táo nhìn lại, thấy mình quả thật hết sức lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho Tết. Rồi âm thầm tự trách mình, trách rằng sao mình cổ hủ, không có đầu óc tân tiến gì hết. Giá như đủ can đảm Tết không nấu nướng gì, ăn đồ nguội cũng được. Mà nấu, thì đừng có theo cái công thức bất di bất dịch năm nào cũng vậy. Bánh chưng, giò chả, măng miến, nem, cá kho..., mấy thứ nghe tên thôi đã... ớn! Bóc một cái bánh chưng, may ra ăn hết một góc, trẻ con giờ có thiết bánh chưng đâu. Rồi người sợ nếp, người sợ mỡ, người sợ tăng cân. Không gì tệ hơn khi biết sẽ không ăn nổi quá ba miếng bánh chưng trong suốt Tết, nhưng vẫn phải đặt ít ra là bốn cái, mà lại còn phải đặt một cách cầu kỳ ở những hàng bánh chưng có tiếng, về thắp hương xong là cất đấy, bánh ngon mấy rồi cũng đem rán vào mấy ngày sau Tết. Sự cầu kỳ đặt bánh coi như vứt bỏ!
Xong rồi đến nồi măng khô chân giò bỏ bao nhiêu công ra mà hầm với nấu. Nồi canh măng nghĩ đến ăn thấy ngại, nhưng vẫn cứ đun đi đun lại và múc ra bát và đặt lên bàn... Xong bữa lại bỏ mấy cây hành bày đặt trên bát đi, đổ lại vào nồi đun. Ăn mãi nồi măng chưa hết. Điệp khúc bánh chưng, măng, gà, giò, dưa hành... lặp lại hằng năm trên bàn ăn ngày Tết như một công thức bất di bất dịch, chẳng thay đổi bao nhiêu, gần như là sự đơn điệu rất thống nhất cho hầu hết các gia đình từ nông thôn về thành phố.
Cam tâm nhắc lại sự đơn điệu ấy mỗi Tết chẳng khác gì chấp nhận sự nhạt nhẽo trong tâm trí mình. Đại khái nó giống một cuộc hôn nhân đủ lệ bộ, người ta nhiều khi tưởng rằng mình muốn thoát ra, nhưng hóa ra lại cắm đầu vào để sự đủ lệ bộ ấy thêm phần hoàn hảo.
Nghe có vẻ như oán thán Tết. Thật ra không hẳn thế. Tôi cho rằng người mong mỏi Tết hơn cả chính là những bà nội trợ. Dù ca cẩm, như thể Tết mỗi năm một lần, là dịp để hâm nóng ý thức về sự thiếu tự do trong ngôi nhà mình. Nhưng mà suốt một vài tuần trước Tết, ngay cả vào cái thời buổi dễ dàng nhất, nếu có tiền, lượn mấy vòng siêu thị, đi vài cái Hội chợ xuân là đủ thực phẩm dùng cho đến tận ra Giêng, thậm chí quá tay có khi đến nửa năm sau vẫn còn. Thế mà chị em vẫn cứ cuống cuồng mua mua bán bán, vẫn cứ nghe ngóng hỏi han, lên mạng check xem chỗ nào rẻ, chỗ nào ngon... Và kinh nhất là cái công mang vác. Mỗi Tết, có lẽ một người đàn bà tha lôi về nhà mình, hoặc gọi shipper mang đến nhà, một khối lượng đồ ăn, đồ gia dụng, chưa kể quần áo hay những thứ nằm trong danh mục hằng năm mang tên sắm Tết tính bằng yến hoặc tạ. Sau đó, quần quật làm, quần quật chế biến đến ốm người, nhồi nhét cho đầy tủ lạnh tủ đông... trong niềm khiếp hãi tăng cân và nỗi xót xa dành cho cái cột sống sắp lão hóa cứ Tết đến là mỏi mệt.
Bởi nếu không thế, câu chuyện lại đi theo hướng khác!
Trên thực tế, có những phụ nữ biết cách tháo dỡ cái ách lệ bộ đè nặng lên tự do của mình (tháo dỡ thôi, chưa phải phá tung). Nên Tết chỉ mua vừa phải, làm vừa phải, để thời gian đi du lịch. Chuyện này giờ không hiếm nữa. Nhưng cái lối đã có gia đình, mà Tết lại đi du lịch, nếu không cả họ cùng đi thì cũng phiền lắm. Ai thăm hỏi quê nhà cha mẹ? Ai thắp hương bàn thờ tổ tiên, ai làm cơm tất niên, ai làm bữa hóa vàng...? Có phải mỗi chuyện ăn đâu, là chuyện dạy con cái về văn hóa và truyền thống. Mà để đi du lịch, cũng phải có điều kiện, không đi đâu được mà ở nhà thì chỉ có vào bếp và vào bếp. Tết là bếp phải luôn luôn ấm, nếu không, chồng con sẽ buồn lắm, chẳng lẽ Tết lại ăn như ngày thường?
Cứ loanh quanh điều ấy, là có khi cả Tết chỉ ở nhà. Hâm măng, bóc bánh, rán nem và kêu khổ... Nghìn đời trước đã thế, nghìn đời sau vẫn thế.
Bởi mỗi năm, Tết vẫn đến một lần.