- Nhiều ý kiến cho rằng: một bộ phận giới trẻ giờ đây không còn hào hứng, thậm chí là thờ ơ với các hoạt động đoàn. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Trước hết tôi xin khẳng định rằng, phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay có nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm với đất nước, xã hội; là những người có bản lĩnh, có khát vọng, mong muốn tham gia các hoạt động chính trị - xã hội; tích cực học tập, có khả năng đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là lực lượng trẻ, tiến bộ, là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, có một bộ phận thanh niên còn thờ ơ, ngại tham gia thậm chí trốn tránh, không tham gia các hoạt động Ðoàn. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến chính là xuất phát từ chất lượng, hiệu quả của hoạt động Ðoàn còn nhiều hạn chế. Nhiều hoạt động chưa đáp ứng được xu hướng, mong muốn của đoàn viên, thanh niên, dẫn đến chưa thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên tham gia, hoặc chỉ thu hút được các đoàn viên tích cực, vốn đã yêu thích hoạt động Ðoàn. Ðồng thời, có nguyên nhân từ sự quan tâm, giáo dục thiếu đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội khiến cho một bộ phận thanh niên mất định hướng trong cuộc sống. Cuối cùng, theo tôi, xuất phát từ chính đoàn viên, thanh niên, đó là số ít những cá nhân không muốn dấn thân, chạy theo các giá trị vật chất, sa vào các tệ nạn xã hội. Mặc dù bộ phận thanh niên này luôn được xã hội, các tổ chức đoàn thể quan tâm, hỗ trợ nhưng rất khó để đưa họ phát triển như mong muốn.
- Nhìn thẳng vào tồn tại, theo anh, các cấp bộ Ðoàn cần hành động như thế nào để hoạt động đoàn đi vào thực chất, tránh bề nổi, hình thức?
- Theo tôi, các cấp bộ Ðoàn cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đoàn viên. Tổ chức Ðoàn được coi là "trường học xã hội chủ nghĩa" của thanh niên, nên công tác tuyên truyền, giáo dục cần được coi trọng và đổi mới.
Trước hết là tập trung tuyên truyền, giáo dục toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống… về truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như những lý tưởng cách mạng, những giá trị cao đẹp mà toàn Ðảng, toàn dân ta đang phấn đấu xây dựng. Các phương thức giáo dục cũng cần đổi mới cho phù hợp hơn với thế hệ trẻ, với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của công nghệ - thông tin và mạng xã hội hiện nay. Tập trung đầu tư cho các hình thức tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, phim truyện, mạng xã hội. Ðẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội. Tăng cường tổ chức học tập lý luận chính trị thông qua các hội thi, qua các hình thức trực tuyến.
Muốn tổ chức các hoạt động đoàn đi vào thực chất, cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động này thì cần thiết phải nắm bắt được tình hình tư tưởng của thanh niên hiện nay. Do đó, cần phải có sự tham gia đồng bộ của các cấp bộ Ðoàn, sự ủng hộ và vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Với sự bùng nổ của công nghệ - thông tin và mạng xã hội, cần trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp để thanh niên có "sức đề kháng" tốt, tránh các tác động tiêu cực cả trong đời sống và không gian mạng. Các cấp bộ Ðoàn cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tổ chức Ðoàn ở các cấp. Ðồng thời chú ý nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, sinh hoạt chính trị nhân các ngày lễ lớn của Ðảng, dân tộc, của Ðoàn Thanh niên.
- Là Phó Bí thư Thường trực Ðoàn Thanh niên của Học viện, sát sao với công tác đoàn, hoạt động của thanh niên nhiều năm qua, anh có những sáng kiến gì nhằm giúp cho hoạt động đoàn được hiệu quả hơn?
- Trước hết, chúng tôi từng bước gắn hoạt động đoàn với hoạt động chuyên môn của đơn vị. Ðưa hoạt động đoàn của đơn vị thật sự trở thành môi trường đáng tin cậy để đoàn viên, thanh niên tham gia học tập, nghiên cứu, rèn luyện, trưởng thành hơn về công tác chuyên môn. Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình Câu lạc bộ lý luận trẻ (với tên gọi: Câu lạc bộ cán bộ khoa học trẻ) tại đơn vị để thu hút đoàn viên tham gia. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động chuyên môn thú vị được ra đời: Ðối thoại với chính khách, chuyên gia; hoạt động thực tập giảng dạy; đoàn viên tham gia tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng… Ðồng thời, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên qua không gian mạng. Hiện nay 7/10 cơ sở Ðoàn của chúng tôi đều có fanpage trên Facebook hoạt động liên tục, thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền, các chương trình hành động của Ðoàn. Ðiều này giúp các hoạt động đoàn trở nên gần gũi với đoàn viên, và tạo cầu nối giúp các cán bộ đoàn thể có thể nắm bắt rõ hơn tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, từ đó có những chương trình thật sự hiệu quả.
Tôi tin rằng, một bộ phận đoàn viên thờ ơ với hoạt động đoàn chỉ là thiểu số, không phản ánh được đúng, đầy đủ những giá trị tốt đẹp mà hoạt động đoàn đem lại cho mỗi đoàn viên, thanh niên và cho toàn xã hội. Với gần 20 năm được mặc chiếc áo xanh của Ðoàn, những giá trị của hoạt động đoàn đem lại cho bản thân tôi thấy rất nhiều: sự trưởng thành, sống trách nhiệm và tinh thần cống hiến và đó không phải là những thứ giá trị vật chất có thể đánh đổi được.
- Cảm ơn ThS Ðào Anh Tuấn!
Quang Ánh - Nam Khánh (Thực hiện)