Kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt nam (27/1/1973 - 27/1/2023)

Sự kết hợp sống động giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Cuộc đàm phán lịch sử dẫn đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam để lại nhiều bài học vô cùng quý giá. Trong cuộc trò chuyện với Nhân Dân cuối tuần, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh về vai trò của ngoại giao nhân dân cũng như sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại khi nói về thắng lợi lịch sử của ngành ngoại giao năm 1973.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Nguyễn Phương Nga.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga.

- Thưa Đại sứ, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973?

- Thành công của Hiệp định Paris năm 1973 là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là lần đầu tiên chúng ta, trên tư cách là một nhà nước độc lập, có chủ quyền đàm phán với một nước lớn, một Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thắng lợi này đã chứng minh được sức mạnh của truyền thống ngoại giao Việt Nam, sự vận dụng linh hoạt Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Thắng lợi còn là thành quả của sự kết hợp hài hòa giữa "đánh và đàm", giữa đấu tranh trên bàn đàm phán với thắng lợi trên chiến trường và những bước tiến trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Hiệp định Paris năm 1973 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc, tạo bước đà quan trọng dẫn đến thắng lợi lịch sử năm 1975. Hiệp định Paris giúp củng cố niềm tin của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình cũng như các dân tộc bị áp bức vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa và sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế.

Sự kết hợp sống động giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại ảnh 1
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra từ năm 1968 đến năm 1973 là một trong những hội nghị đàm phán hòa bình kéo dài nhất trong thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

- Theo Đại sứ, những yếu tố nào đã tạo nên thành công trong quá trình đàm phán Hiệp định?

- Thắng lợi của Hiệp định Paris về việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam là sự kết hợp sống động, nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa ý chí đấu tranh của dân tộc với nguyện vọng khát khao hòa bình và đoàn kết quốc tế của nhân dân các nước. Tình đoàn kết quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam không phải chỉ lúc bắt đầu đàm phán Hiệp định Paris mới được khởi động, mà đó là cả một quá trình, ngay từ khi ta giành độc lập năm 1945 và trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ.

Đây rõ ràng là thành quả của truyền thống hòa hiếu của cha ông kết hợp với Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân, về tình đoàn kết quốc tế. Ngay sau khi giành độc lập, Việt Nam đã thành lập các tổ chức hữu nghị để vận động bạn bè tại các nước, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới và người dân ngay cả ở những nước đem quân tới Việt Nam. Tại hàng trăm phiên đàm phán, hàng nghìn cuộc tiếp xúc, lực lượng ngoại giao của ta đã nỗ lực vạch trần tội ác của đế quốc, làm rõ bản chất chính nghĩa cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc, bác bỏ thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về Việt Nam.

- Theo Đại sứ, Hiệp định Paris năm 1973 để lại những bài học kinh nghiệm gì cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay?

- Những bài học kinh nghiệm quý giá của quá trình đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973 còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Trước hết, đó là bài học về ý chí kiên định trong bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Điều mà chúng ta mong mỏi và cố gắng xây dựng, giữ gìn ngày hôm nay là môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, đó là luôn coi trọng sức mạnh của đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ của bạn bè các nước đối với công cuộc phát triển của đất nước. Muốn làm được điều này, bản thân chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng đất nước, đồng thời làm tốt nghĩa vụ quốc tế, để Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế ủng hộ, cảm phục, ngưỡng mộ. Chúng ta đã thể hiện sự chủ động, đóng góp có trách nhiệm vào giải quyết những thách thức chung của quốc tế thông qua những hành động tưởng chừng rất nhỏ như ủng hộ khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ trong thời kỳ chống dịch Covid-19, cho đến việc cử con em mình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại những địa bàn khó khăn, gian khổ nhất.

Thứ ba, đó là sự đồng lòng, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại, các cơ quan, ban, ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị. Sự thống nhất, đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh.

- Xin cảm ơn Đại sứ!