Họa sĩ Nguyễn Công Hoài

Sự dấn thân kiên định

Còn nhớ, hồi 2021 dịch bệnh đang phấp phỏng, Hoài ra Hà Nội bày tranh. Những ngày không mơ mộng, cũng là anh em bạn bè xúm vào làm cho, người lo khâu này, người xăm xắn cái khác, chính chủ mỗi việc xách vali leo lên máy bay tới dự khán.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Công Hoài của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Công Hoài của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Cũng chả “mộng mơ” gì nhiều, chỉ là “đặt cái lịch triển lãm cho có mốc làm việc, chứ không lại vẽ nhăng cuội”, Hoài đến với hội họa như một điều tất yếu, một người được chọn. Không phô trương màu mè, né tránh ồn ào, chủ động đi trên một hành trình khó, chẳng mất quá nhiều thời gian, Nguyễn Công Hoài đã định vị được mình như một nghệ sĩ đương đại đầy cá tính...

1 Ngồi ở Hà Nội, Hoài FaceTime về nhà cho con, léo nhéo những gương mặt tươi xinh, lóc nhóc. Sinh năm 1984, cưới vợ năm 2017 rồi đẻ liền tù tì (đến thời điểm này) 4 đứa con, mà bé nhất mới vừa đầy tháng, Hoài có cả một gia đình đông đúc để lo toan và nâng giấc.

Lịch trình thường ngày của chàng nghệ sĩ đang tuổi bay nhảy cũng phép tắc như các công chức đồng hồ, sáng sáng tới xưởng vẽ, tối tối về tất tả chăm con, thực tâm muốn đi làm miết, muốn tách riêng mình ra cho công việc, nhưng nghe “con nó không ngủ, phải ôm chân mẹ thế này” là chẳng đành lòng. Hoài cứ xoay trở song đôi, gia đình và nghệ thuật, rồi đâu cũng tươm tất đấy. Hỏi “tranh bán tốt không”, Hoài cười cười: “ế xếp đống trên lầu kìa”.

Thắc mắc “vậy nuôi vợ con kiểu gì”, vẫn một cách hài hài dễ mến: “Em còn không biết rõ luôn. Mà nhu cầu gia đình em không cao lắm, mỗi khi hết tiền tự nhiên lại bán được tranh. Với nữa, em sống ở rìa Biên Hòa, như ở quê thôi” mọi thứ cứ yên bình không căng thẳng quá...

Không cố tạo áp lực, bởi áp lực đôi khi lại chính là những lực cản cho mình, Hoài lưu trữ được sự điềm tĩnh hiếm có ở những người trẻ mang tinh thần tiên phong. Từng được giải nhất cuộc thi Hàn Quốc dưới con mắt họa sĩ Việt Nam năm 2015, cuộc thi do Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và Tập đoàn Hansae tổ chức, được đi tham quan Hàn Quốc, lại được chính Trung tâm văn hóa Hàn Quốc đỡ đầu triển lãm cá nhân diễn ra vào năm 2016, Hoài đón nhận mọi chuyện nhẹ tênh, thản nhiên như lẽ thường phải thế.

Chỉ là, từ triển lãm Mặt ngày ấy, qua 7 năm Nguyễn Công Hoài đã có bước tiến thẩm mỹ vượt trội. Đơn giản hơn, dễ cảm hơn, buồn hơn mà vẫn khe khắt với mình, Hoài tự nhủ: “không thể vừa có nghệ thuật, vừa có tiền lại có danh tiếng” nên phải rạch ròi, “ngay lúc sung mãn của tuổi trẻ đã nhắm một con đường nhẹ nhàng thì còn bàn gì nữa”. “Vẽ là bày tỏ, chúng ta luôn có những nỗi buồn giống nhau chỉ khác nhau cách bày tỏ, nhìn tranh biết người và trên tranh biết họa sĩ muốn gì”, Hoài muốn gì chắc chỉ anh mới định lượng rõ.

Nhưng tạng của Hoài, không muốn sự dễ dãi, không a dua thị hiếu, không ve vãn những người mua tranh phong trào, anh “vẽ cho mình”, vẽ để thỏa mãn cái năng lượng sục sôi trong mình và giải tỏa cả những nỗi u uẩn mơ hồ khó nắm bắt. Vẽ nude một cách trần trụi, thậm chí gây ức chế, nhưng là cái trần trụi của những phận người trong tột cùng nỗi khắc khoải, cô đơn, một cách anh kháng cự với chung quanh và giữ cho mình bớt hoang mang giữa những xô bồ náo nhiệt. Kiên định và dấn thân, Hoài đang khiến cho hành trình nghệ thuật của những nghệ sĩ như anh trở nên mộng mơ và tươi đẹp hơn thực tại rất nhiều.

2 Nói “tranh ế” cũng là cho vui, chứ từ dạo Covid đến nay, Hoài liên tục triển lãm, ít nhất năm cũng 1, 2 lần xúng xính. Triển lãm nhiều vì Hoài càng lúc càng nhận được nhiều hơn sự đồng cảm, anh càng ngày càng có thêm công chúng của mình, những người đã đi qua cái đèm đẹp ưa nhìn nịnh mắt để đến với những chấn động.

Thực ra, Hoài dư sức chiều chuộng người xem, anh thừa sự tinh quái và thông minh để thu hút số đông người. Nhưng Hoài gạt sang bên, từ chối. Bày một vài bức phong cảnh ở một vài triển lãm chung với bạn bè, xuýt xoa khen “đẹp thế”, mà tựu trung đã sẵn tài năng rồi thì vẽ gì chả đẹp, chung quy vẫn là đường đi và đích đến của mỗi người. “Thợ vẽ thì vẽ cho người, họa sĩ thì vẽ cho mình”, Nguyễn Công Hoài để công chúng nhận diện như một họa sĩ đang hạnh phúc với lao động nghệ thuật nhọc nhằn. Ai cũng thích một bông hoa đang nở, nhưng không hẳn ai cũng nhìn ra sự héo úa của nó, Hoài biết cách chia sẻ nỗi buồn của một “bông hoa đang héo úa”, cảm nhận rõ sự hồi sinh ngay trên nền tàn lụi.

Thuộc số những nghệ sĩ luôn làm khó chính mình, luôn chấp nhận đánh đổi bằng những cái giá mang trị giá cao để nhận về những giá trị trừu tượng vô hình. Hoài hay hướng đến sự tàn phai, hay nhìn sự vật và cả con người trong cái “ngột, ngộp” như tên triển lãm của anh năm 2018. Đối tượng của Hoài luôn bị bóp thành vẹo vọ, tất cả, chỉ trừ khi anh vẽ vợ và đàn con nhỏ. Ẩn trong sâu thẳm cái “ngột, ngộp” vẫn là một trái tim ấm áp, dễ rung cảm.

Biến một cô gái xinh đẹp thành một thiếu phụ mắn con, rồi xót xa cho sự đổi thay của cả “cái bụng đã qua bao kỳ sinh nở”, Hoài tự “chuộc lỗi” bằng cách vẽ vợ con mình, trong những lúc có thể rơi vào “nhăng cuội”. Đã có một Nguyễn Công Hoài khác hẳn, ấm áp dịu dàng khi thể hiện chân dung người phụ nữ bầu bì thai nghén, đơn độc trong khoảnh khắc “vượt cạn mồ côi một mình”.

Chỉ tính từ Những ngày không mơ mộng năm 2021, Hoài đã đi được một bước dài, cả trong sự anh đã thành gương mặt được các gallery, các nhà sưu tầm săn đón hơn nhiều. Luôn dí dỏm hài hước, biết cách tự trào, Hoài bình tĩnh “nhắc nhở chính mình đừng đi lạc trên hành trình nghệ thuật, trở thành nạn nhân cho sự kiêu căng, ảo tưởng và tự mãn”.

Sức lan tỏa của mạng xã hội giúp kết nối cả họa sĩ và công chúng, loạt tác phẩm Hoài vẽ gia đình mình đã được mời trưng bày trong một bối cảnh không gì tương thích hơn: sảnh khoa sản của một bệnh viện quốc tế ở TP Hồ Chí Minh, nơi các bà bầu ngày ngày qua lại chuẩn bị cho một trong những giây phút trọng đại nhất của cuộc đời: chờ đón đứa con chào đời. Mang âm nhạc vào bệnh viện, giờ đến tranh, dù là tranh của một họa sĩ không hướng tới cái bắt mắt thị giác, công chúng cũng đã khó tính, kỹ tính gấp bội phần.

Từng tự bạch: “Tôi biết hành trình của tôi là một hành trình dài, đầy thử thách và chướng ngại. Nhưng tôi biết chắc sau cùng tôi sẽ tìm được ý nghĩa của nó, dù tôi đã chọn cô đơn là người bạn đồng hành”. Cô đơn trong tâm tưởng của một người nghệ sĩ, còn giữa cuộc đời thật, anh có nguyên vẹn một gia đình đông đúc làm điểm tựa; có bạn bè đồng nghiệp - những người luôn thành cái cớ để Hoài vẽ, triển lãm để còn gặp gỡ, tụ hội; giờ này Nguyễn Công Hoài còn có những người hâm mộ, những nhà sưu tầm luôn ngóng theo từng chuyển dịch trong hành trình nghệ thuật của một nghệ sĩ dấn thân...