Sẽ sớm có các "quận nghệ thuật" ở Hà Nội?

Việc phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa ở Thủ đô Hà Nội đang được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với đề án phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, đặc biệt là dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các văn bản này có nhiều nội dung mới về những chính sách và quy định liên quan đến phát triển văn hóa, như là khái niệm Khu phát triển thương mại và văn hóa theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
0:00 / 0:00
0:00
Complex 01 (Hà Nội) hiện là một tụ điểm kinh doanh và trải nghiệm đa dạng văn hóa của giới trẻ. Nguồn: Fanpage Complex 01
Complex 01 (Hà Nội) hiện là một tụ điểm kinh doanh và trải nghiệm đa dạng văn hóa của giới trẻ. Nguồn: Fanpage Complex 01

Đây là khu vực tập trung đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa với các lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, phát triển văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, mô hình này đã tồn tại ít nhất 50 năm kể từ khi hình thành tại các đô thị phát triển trên thế giới, với nhiều tên gọi khác nhau do những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh xã hội ở nước sở tại. Chẳng hạn, Canada ban đầu gọi là Khu Phục hồi kinh doanh (Business Revitalization Zone/BRZ), sau được đổi là Khu vực Thúc đẩy kinh doanh (Business Improvement Area/BIA); một số bang của Mỹ gọi là Khu Thúc đẩy cộng đồng (Community Improvement District/CID), Khu Dịch vụ đặc biệt (Special Services Area/SSA) hay Khu Thúc đẩy đặc biệt (Special Improvement District/SID), còn Nhật Bản gọi là Tổ chức Quản lý khu vực (Area Management Organization/AMO) của Nhật Bản.

Mô hình không xa lạ với Hà Nội

Hà Nội xưa cũng đã hình thành các phố Hàng-khu vực chuyên doanh một mặt hàng nhất định với các thỏa thuận riêng của cư dân sở tại theo phương thức tự quản, tự hỗ trợ lẫn nhau, dần hình thành nên các cộng đồng kinh doanh. Nay, một số phố Hàng vẫn còn giữ nguyên việc kinh doanh mặt hàng truyền thống. Đặc điểm này cũng được nhân rộng ra các khu phố cũ và mới, hình thành nên những tụ điểm chuyên doanh một số mặt hàng quen thuộc. Có thể kể đến đoạn phố Hàng Bồ trở thành nơi bán phụ kiện may mặc; tụ điểm quán cà-phê, trà chanh quanh Nhà thờ Lớn; khu vực quán bia hơi trên phố Tạ Hiện và lân cận, thuộc quận Hoàn Kiếm; khu vực tập trung nhiều cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa...

Hơn 10 năm trước, Hà Nội từng đã có một khu vực, tuy hình thành tự phát, nhưng đã cho thấy nhu cầu thật sự của một khu vực thúc đẩy kinh doanh đặc biệt với một dòng sản phẩm lõi cùng các sản phẩm, mô hình hoạt động, phương thức kinh doanh phái sinh, đem tới một hệ thống các điểm kinh doanh kết nối với nhau, dẫn dắt nhau cùng phát triển. Đó là Zone 9, tại một khu vực nhà máy đã di dời thiết bị sản xuất ra ngoại ô, tập hợp đa dạng các studio nghệ thuật, gallery, không gian nghệ thuật thể nghiệm, trung tâm kinh doanh và giảng dạy về thiết kế, thời trang, cửa hàng trang sức, tiệm cà-phê, quán bia... Tuy nhiên, do hình thành một cách tự phát, thiếu nhiều điều kiện kinh doanh theo hướng phục vụ đa dạng khách hàng, Zone 9 đã bị dừng hoạt động hoàn toàn sau một sự cố cháy, nổ nghiêm trọng.

Sẽ sớm có các "quận nghệ thuật" ở Hà Nội? ảnh 1

Hà Nội cần thêm nhiều khu vực thúc đẩy thương mại và văn hóa đặc biệt. Nguồn: Fanpage Complex 01

Cải thiện quản trị để phát triển bền vững

Hà Nội đã và đang thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc định hình chiến lược phát triển của thủ đô thiên về văn hóa và dịch vụ là hoàn toàn khả thi, đặc biệt ở vùng lõi đô thị với đậm đặc các lớp biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể giàu bản sắc. Chính vì vậy, việc thiết lập các khu vực thúc đẩy thương mại và văn hóa đặc biệt, nhấn mạnh các ưu thế riêng có, giảm những hạn chế của thói quen kinh doanh nhỏ lẻ, tạm bợ, manh mún bằng những mô hình quản trị tiến bộ hơn là gợi ý của nhiều chuyên gia cho chính quyền thành phố cũng như chính quyền các quận, huyện trên địa bàn.

"Ở các khu vực này, các chủ thể kinh doanh hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ… Chính quyền nhiều thành phố trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các khu thúc đẩy thương mại này, như kêu gọi thành lập với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, xây dựng các cẩm nang hướng dẫn người dân tự thành lập"-luật sư Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.

Có thể nói, bản chất của các khu vực thúc đẩy thương mại và văn hóa này là quan hệ đối tác công-tư, giữa chính quyền và nhóm/cộng đồng các cá nhân kinh doanh, trong đó yếu tố tự quản cộng đồng được nhấn mạnh nhằm tạo nên một sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi của cả cộng đồng kinh doanh khi tạo dựng được bản sắc văn hóa kinh doanh trong khu vực của mình, nhằm thu hút, giữ chân khách hàng. Các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa còn là động lực phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường sống cho khu vực chung quanh.

Hơn 1.000 khu vực thúc đẩy thương mại văn hóa ở Mỹ, trong đó riêng bang New York có 76 khu, mà một trong những khu vực nổi bật là Quận nghệ thuật Chelsea (Chelsea Arts District), nơi tập trung hàng trăm phòng tranh, xưởng nghệ sĩ, trở thành một trung tâm của nghệ thuật đương đại thế giới; hơn 300 khu vực tương tự ở Anh, hay một đảo quốc như Singapore, có diện tích chưa bằng một phần tư diện tích Hà Nội cũng đã có hơn 10 khu vực như vậy... Đây là những mô hình phát triển mà chính quyền đô thị Hà Nội có thể tham khảo trong quá trình xây dựng mô hình thích hợp điều kiện thủ đô.