Tháng 5/2024, thủ nhang một phủ nổi tiếng đã có đơn và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định gửi công văn đề nghị Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) hỗ trợ chuyên môn để “phục hồi” tư liệu sắc phong, thác bản có nội dung liên quan đến di tích này. Tuy nhiên, công việc này chưa hoàn tất, hiện vật cũng chưa được bàn giao; lễ tiếp nhận tuy được đề nghị ấn định ngày tổ chức nhưng đã bị dừng.
Trước đó, cũng ở phủ này, đã diễn ra việc “18 đạo sắc phong” do thủ nhang ở đây tự chế tác, cất ở hậu cung rồi kiến nghị kiểm tra (lại), bổ sung hồ sơ di tích, nhưng sau đó, chính quyền và ngành văn hóa địa phương kiểm tra, kết luận là tư liệu giả. Tháng 6/2023, thủ nhang đã tự tiêu hủy số sắc phong giả đó.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Chu Xuân Giao, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, thành viên đoàn kiểm tra: “Cả 18 tờ tư liệu văn bản chữ Hán gọi là sắc phong đó đều không sao từ bản gốc, được ngụy tạo, làm nhái, làm giả sắc phong thời Hậu Lê và triều Nguyễn, được chế tác vào những năm đầu thế kỷ 21”.
Điều trớ trêu là, Tư liệu (số ký hiệu AD.a16/29, lưu tại Viện Hán Nôm) đã được các chuyên gia chỉ rõ từ cuộc kiểm tra “18 đạo sắc phong” năm 2022 kể trên: “vừa là lạc đề vừa là ngụy tạo, thể hiện ý thức cố tình làm ra các bản sao sắc phong ngụy tạo từ năm 1938”. Nhưng tư liệu này lại là “bản gốc” được xin sao chép cho vụ việc hồi tháng 5/2024 rồi coi như tư liệu thật để đề nghị tổ chức “lễ tiếp nhận” rình rang. “Lễ tiếp nhận” này đã được cơ quan có trách nhiệm dừng lại kịp thời nhưng điều đó cho thấy, nguy cơ “lộng giả thành chân”, biến/đổi giả thành thật, đang trở thành xu hướng cần báo động.
Các chuyên gia đã phân loại các cấp độ chính đáng/không chính đáng trong việc sao chép/phục dựng sắc phong. Cấp độ không chính đáng cao nhất là làm bản “tự chế”, tức là làm bản “phục chế” hay “phục hồi” nhưng không có bản gốc. Đó là việc làm phi khoa học và phi pháp. Với tài liệu hiện đại thì việc “tự chế” có thể phạm tội “Làm giả tài liệu” đã được quy định trong Luật Hình sự, nhưng tiếc rằng với các tư liệu quá khứ thì việc xử lý sai phạm vẫn chưa rốt ráo (!).
Đằng sau cuộc chạy đua “thiêng hóa di tích”, trước hết bằng sắc phong tự ý chế tác, là những cạnh tranh ngầm để thu hút các nguồn lợi kinh tế (!). Theo quy luật thị trường, có cầu sẽ có cung, đã xuất hiện “dịch vụ làm sắc” đáp ứng nhu cầu “thiêng hóa di tích” và những kẻ trục lợi thừa cơ kiếm chác.
Cách đây một vài năm, trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện tài khoản tên là Lý Văn Đức, bằng chiêu bài “có trong tay bản khai gốc thần tích sắc phong” vì là “cán bộ Cục Lưu trữ” (?). Chủ tài khoản này thường vào các trang liên quan đến văn hóa truyền thống, lân la, gạ gẫm người muốn tìm lại thần tích của làng mình đã thất lạc. Thậm chí, chuyển thông tin đến đại diện ban quản lý nhiều ngôi đình, đền, miếu là đã tìm thấy bản lưu nội dung sắc phong tại kho của Cục Lưu trữ (!), khẳng định “đây là tư liệu của bộ Lễ” (?), khẳng định có thể “sao y bản chính” rồi đặt vấn đề chi phí với mức cao đến hàng chục triệu đồng mỗi bản (?).
Song, thực tế nhiều nội dung của sắc phong được tài khoản này chào bán đều rất cẩu thả, cóp nhặt tên thần và mỹ tự không rõ nguồn gốc. Sau khi bị lật tẩy, tài khoản này đã ẩn tất cả các bài viết. Tình trạng tự phát dạng tài khoản mạng xã hội như trên không phải là hiếm và cần được sớm ngăn chặn bằng các công cụ pháp lý hữu hiệu, cùng nhận thức đầy đủ hơn của các đại diện tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc khôi phục, phục chế tư liệu (đã hư hỏng) luôn là điều cần thiết, chính đáng. Nhưng việc “phục hồi” tư liệu không còn/không có văn bản gốc mà chỉ dựa trên các tư liệu thứ cấp và xuất hiện muộn hơn, cho dù nhằm bất kỳ mục đích gì, là điều cần đề phòng, cảnh báo và xử lý kiên quyết, tránh nguy cơ làm sai lệch các giá trị di sản.