Tròn 70 năm, cuộc hải trình đầy nước mắt nhưng thấm đẫm niềm tin, ý chí của hàng chục vạn người con đất Việt rời quê cha đất tổ, từ Nam ra Bắc, để hướng đến một ngày lại từ Bắc về Nam, giải phóng quê hương. Trong đoàn người ra đi ngày ấy, có rất nhiều em nhỏ, được cha mẹ - những cán bộ cốt cán của Đảng, dứt ruột gửi ra hậu phương lớn để nuôi dưỡng và phát triển, cũng là để yên lòng những người ở lại. Chỉ có niềm tin lớn và ý chí thép mới khiến cho những người cán bộ kiên trung đang cận kề hiểm nguy ấy trao những đứa con yêu thương của mình cho đồng chí, cho cách mạng. Đã có những người không còn cơ hội được nhìn thấy con mình trưởng thành. Lời ước hẹn hai năm đoàn tụ đã bị kéo dài thành gần hai mươi năm, với rất nhiều đau thương, mất mát.
Không chỉ quê Thanh, mà nhiều miền quê Bắc Bộ khác đã trở thành quê hương thứ hai của những người con miền nam tập kết. Tình yêu thương đồng bào, đồng chí đã nuôi dưỡng họ, chở che, bao bọc và vun đắp cho họ cuộc đời. Nhưng thẳm sâu trong mỗi trái tim ấy, những khắc khoải về miền quê xa lắc và những người thân yêu không được tìm hơi ấm vẫn là những nỗi đau không bao giờ liền sẹo.
70 năm. Chiến tranh giờ đã thành ký ức. Và ký ức cũng đang dần mờ phai trong tâm trí của chính những người trong cuộc, như một sự đền bù của tạo hóa. Nhưng, những nỗi đau không thể hình dung nổi với những người bình thường của ngày hôm nay ấy, rất cần được nhắc nhớ, được gợi lại và ghi khắc.
Bởi, đó chính là những lý giải thuyết phục và sâu sắc nhất, cho những nỗ lực gìn giữ sự bình yên!