Không chỉ gây nên cảnh kẹt xe, tắc đường kéo dài, chen chúc, ồn ào trong các phòng trưng bày, lượng khách tham quan quá lớn này cũng khiến cho Bảo tàng mất khả năng kiểm soát không gian, không đủ nhân lực hướng dẫn và đặc biệt đáng lo ngại là công tác bảo vệ hệ thống hiện vật trưng bày, do có một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là các em nhỏ, chưa được hướng dẫn đầy đủ nên đã “vô tư” leo trèo, tác động lên rất nhiều hiện vật.
Việc người dân, nhất là nhiều người trẻ, quan tâm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một tín hiệu vui, cho thấy sự quan tâm của người dân đối với văn hóa và lịch sử quân sự của đất nước, cũng là tín hiệu vui về sức thu hút của một công trình thiết chế văn hóa mới, tạo thêm điểm đến chất lượng cho đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, tình trạng quá tải những ngày qua đặt ra yêu cầu đối với Bảo tàng trong việc thiết kế lại hành trình trải nghiệm của du khách, chú trọng khả năng tiếp cận song vẫn phải bảo đảm ưu tiên việc tuân thủ quy định và xây dựng ý thức bảo vệ hiện vật lịch sử cho khách tham quan.
Nhìn rộng hơn, có thể thấy khoảng trống trong giáo dục về văn hóa bảo tàng vẫn tồn tại, dù ngành giáo dục đã có nhiều động thái, chương trình khắc phục, bồi đắp trong những năm gần đây. Vậy nên, cùng với sự nâng cấp của nhiều bảo tàng đã có thâm niên hoạt động, việc bổ sung thêm điểm đến mới hấp dẫn là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ giúp cho nỗ lực phổ cập văn hóa bảo tàng của ngành giáo dục thuận lợi hơn trong thời gian tới.