Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Những nút thắt cần được tháo gỡ

Hội đồng Anh tại Việt Nam đưa ra sáng kiến và đồng thời triển khai thúc đẩy lập bản đồ hệ sinh thái các thành phố văn hóa sáng tạo ở Việt Nam. Đây là bước đi tiếp sau việc lập bản đồ các không gian sáng tạo tại một số thành phố lớn trên cả nước của cơ quan này kể từ năm 2014.
0:00 / 0:00
0:00
Tấm Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt nhỏ xinh, dễ dàng mang theo muôn nơi trong thành phố. Ảnh: Phố Bên Đồi
Tấm Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt nhỏ xinh, dễ dàng mang theo muôn nơi trong thành phố. Ảnh: Phố Bên Đồi

Thực tế cũng cho thấy, đã đến lúc cần có sự chủ động của từng địa phương, của cả mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam trong việc thúc đẩy một cách thực chất ngành công nghiệp này.

Đừng để các doanh nghiệp sáng tạo “đuối sức”

Dự án Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map) là ý tưởng của Công ty Nghệ Thuật Số 7 với Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, Giám đốc là anh Hiền Nguyễn.

Bắt tay vào thực hiện từ năm 2020 và hoàn toàn tự túc về kinh phí, anh Hiền cùng đội ngũ Phố Bên Đồi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, sơ đồ hóa, thống kê và phân loại các địa chỉ, địa danh, nơi chốn có dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Đà Lạt (Lâm Đồng). Bên cạnh tham khảo các tài liệu chính thống liên quan, nhiều chuyến khảo sát và phỏng vấn nhân sự tại chỗ giúp nhóm làm việc đối chiếu và lọc ra thông tin chân xác, súc tích, dẫu chỉ trong một vài dòng, về những nét đặc biệt của từng địa chỉ. Sau nhiều vòng sàng lọc thông tin, tham khảo cách làm của một số nước trên thế giới, và có sự cấp phép nội dung của các cơ quan chức năng, bản thảo Bản đồ du lịch nghệ thuật được hoàn thiện giai đoạn 1, bao gồm 59 điểm đến chính, phụ ở khu vực trung tâm cùng một số vùng lân cận, được phân loại thành tám nhóm theo mục đích tham quan, như không gian lịch sử và di sản, thắng cảnh thiên nhiên, không gian trưng bày và địa điểm nghệ thuật, điểm đến âm nhạc và giải trí… Công đoạn tiếp theo là thiết kế, tạo biểu tượng nhận diện cho từng nhóm địa danh, nghiên cứu phối mầu thể hiện để hình thành nên một tờ bản đồ vật lý, gấp gọn ghẽ, mầu sắc hài hòa, dễ dàng đọc hiểu. Công đoạn này do Behalf Studio phối hợp thực hiện.

Cho đến nay, Đà Lạt là địa phương duy nhất trong số các thành phố ở Việt Nam có được một bản đồ chỉ dẫn điểm đến về du lịch, chứa đựng yếu tố nghệ thuật, sáng tạo. Dự án Bản đồ đã được thành phố Đà Lạt đưa vào danh sách ba sáng kiến cấp địa phương, nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố. Bên cạnh niềm vui này, anh Hiền Nguyễn cũng bày tỏ nhiều nỗi niềm về những khó khăn mà một doanh nghiệp sáng tạo như công ty của anh đã và đang đối diện. Một khó khăn đáng kể là về tài chính. Được biết, sau khoảng bốn năm triển khai dự án, riêng phần chi phí sản xuất được ước tính là hơn một tỷ đồng. Trong khi đó, trị giá của ý tưởng sáng tạo cho một sản phẩm bản đồ du lịch nghệ thuật đến nay là duy nhất ở Việt Nam thì… chưa có căn cứ pháp lý nào để tính toán. Nút thắt này dẫn đến nhiều nút thắt khác trong việc có thể tiến tới tìm kiếm nguồn tài trợ, thương mại hóa hoặc mở hướng chuyển giao dự án từ tư sang công, hoặc kết hợp công-tư để tiếp tục có nguồn vốn đầu tư cho phát triển.

“Định dạng hiện có của tấm bản đồ là nền tảng cho việc số hóa, tạo ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh, phục vụ tốt hơn cho mỗi cư dân và du khách đến Đà Lạt. Tuy nhiên, một vài đơn vị tư nhân như chúng tôi không thể có nguồn lực tài chính, nhân sự để tiếp tục cung cấp miễn phí những sản phẩm như vậy”, anh Hiền Nguyễn bày tỏ.

Được biết, cho đến hiện tại, khoảng hơn 20.000 bản in của Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt với chất liệu giấy thân thiện với môi trường đều được phát miễn phí, làm quà tặng trong nhiều sự kiện văn hóa tại thành phố. Phần tài chính hỗ trợ sản xuất từ chính quyền địa phương dành cho dự án này chiếm chưa đến 10% tổng kinh phí sản xuất (!).

Tạo bệ đỡ bền vững

Câu chuyện thực tế nói trên của dự án Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt cho thấy vẫn tồn tại một khoảng cách lớn từ chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến kế hoạch hành động thực chất.

Một vấn đề mấu chốt cần được giải quyết nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách này là việc xây dựng một hệ thống công cụ pháp lý giải quyết các vấn đề về vốn đầu tư ban đầu và quyền sở hữu cũng như định lượng trị giá của các ý tưởng, sáng kiến. Việc thành lập các quỹ đầu tư cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật chứa đựng tinh thần sáng tạo, mang tính chất tiên phong cũng cần được các địa phương đặt ra và xúc tiến thực hiện.

Tháng 4/2024, chia sẻ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, cũng đã đề cập: Một quỹ đầu tư sản phẩm du lịch văn hóa được điều phối bởi đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thể đóng vai trò gỡ nút thắt tài chính ban đầu cho việc đầu tư nghiên cứu sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù. Tương tự như sản phẩm tấm bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt, để có một sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của một địa phương phục vụ cho phát triển bền vững của chính địa phương đó, rất cần có sự công phu nghiên cứu, khảo sát điền dã mà khoản kinh phí ban đầu này thường do các doanh nghiệp lữ hành tự chi trả, khởi đi từ sự đam mê của riêng họ. Nhưng dòng sản phẩm này, vì không có lợi nhuận nhanh và nhiều nên phần lớn các công ty sẽ không đầu tư mà dựa vào sản phẩm sẵn có của địa phương, điểm đến. “Nếu có công ty nào đó tham gia nhiều hơn, từ vận hành đến thiết kế tour du lịch văn hóa thì đúng là “làm chỉ vì đam mê. Nhưng doanh nghiệp không thể mãi làm chỉ vì đam mê”, ông Thắng chia sẻ.

Những hỗ trợ ban đầu của các tổ chức như Hội đồng Anh có ý nghĩa gợi ý rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện thực hóa và tạo bệ đỡ vững chắc bằng các chế định phù hợp mới là cách gia cố nền tảng bền vững cho sự phát triển trong lĩnh vực này. Đây là trọng trách mà chính quyền các địa phương cần xác định rõ và thực hiện với tầm nhìn chiến lược.