Cần siết quảng cáo… trên mạng
Trong bối cảnh quảng cáo phát triển mạnh mẽ, nhiều đối tượng lợi dụng sự phổ biến của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội để truyền tải quảng cáo sai sự thật. Nhức nhối nhất, có lẽ là hiện tượng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc với người tiêu dùng.
Cũng rất phổ biến hiện tượng lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube, Tik Tok, nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn nội dung xấu độc, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền... Điều đáng nói là các nền tảng xuyên biên giới này đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo ở Việt Nam. Theo thống kê năm 2023 từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, chỉ riêng doanh thu quảng cáo từ các nền tảng trực tuyến, nội dung số là khoảng 4 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70%.
Cùng với sự chuyển dịch từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo trên môi trường internet và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, là những khó khăn trong công tác quản lý. Khoảng trống quy định trách nhiệm với nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng tràn lan trên môi trường truyền thông trực tuyến cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp khắc phục.
Để lấp khoảng trống này, dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới đối với hoạt động quảng cáo trên internet; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên internet do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Theo đó, người phát hành, người cung cấp dịch vụ quảng cáo trên internet phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá sáu giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo, không quá hai lần quảng cáo liên tiếp với tổng thời gian không quá bảy giây; cho phép người xem được từ chối quảng cáo hoặc báo vi phạm với quảng cáo có nội dung không phù hợp…
Dự thảo Luật cũng đề xuất siết chặt quản lý hành vi của người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc người sở hữu tài khoản mạng xã hội có số lượng tài khoản/cá nhân sử dụng theo dõi từ 500.000 trở lên. Theo đó, trước khi thực hiện, người trực tiếp quảng cáo sản phẩm phải có hợp đồng quảng cáo, xác nhận nội dung quảng cáo với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ, chủ tài khoản mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng bằng những quy định pháp lý sẽ hạn chế các quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng.
"Gỡ rối" quảng cáo ngoài trời
Cũng là mảng nóng trong bức tranh quảng cáo, sự lộn xộn, "dẹp chỗ nọ, mọc chỗ kia" là hiện trạng kéo dài của quảng cáo ngoài trời.
Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định quản lý đối với quảng cáo ngoài trời hiện bộc lộ nhiều bất cập. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời gặp khó do thiếu quy định chi tiết về nội dung, trách nhiệm xây dựng và triển khai quy hoạch, đặc biệt là các quy định liên quan mục đích sử dụng đất thuộc vị trí quy hoạch, quy định về đấu giá vị trí quảng cáo khi thực hiện quy hoạch.
Đặc biệt, hoạt động trình chiếu các video clip quảng cáo trên màn hình nơi công cộng phát triển mạnh, hầu như tự phát, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm âm thanh, ánh sáng nơi công cộng, gây mất trật tự giao thông, mất an toàn thông tin mạng. Trong khi đó, Luật Quảng cáo hiện hành chưa có quy định về quản lý, thông báo sản phẩm quảng cáo nói trên.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật Quảng cáo về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo, thời hạn treo băng-rôn, bảng quảng cáo, quảng cáo trên các phương tiện giao thông, đoàn người thực hiện quảng cáo ở nơi công cộng… cũng đang tạo nên những khó khăn trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện.
Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã đề cập nhiều nội dung gồm quy hoạch, thủ tục hành chính và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quảng cáo ngoài trời. Theo đó, trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở từng khu vực cụ thể, phải có nội dung xác định kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng, phương tiện quảng cáo phù hợp; phân bổ, khoanh vùng vị trí cho hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời tại trung tâm đô thị; phương hướng phát triển quảng cáo ngoài trời…
Dự thảo Luật này cũng quy định về trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời nhằm bảo đảm hoạt động này luôn phù hợp các thời kỳ quy hoạch; bảo đảm bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện quy hoạch; lập, điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển.