Cách đây tròn một năm, trong không gian của nhà máy, phân xưởng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, công chúng đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác tại Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, khi hầu hết các tiết mục đều được sáng tạo từ giá trị tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể. Không ai không ngạc nhiên khi một chương trình quy mô đồ sộ như vậy được thực hiện dưới bàn tay đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh - một nghệ sĩ của thế hệ “gen Y”. Năm nay, một lần nữa, Nguyễn Quốc Hoàng Anh sẽ làm đạo diễn của đêm khai mạc Lễ hội diễn ra vào 9/11, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. “Tương lai là ánh xạ của quá khứ. Bởi thế, chương trình được lấy cảm hứng từ khung cảnh đô thị Thăng Long xưa với những tiếp biến từ quá khứ tới hiện tại. Chương trình chia làm hai chương: “Long Vân khánh hội” và “Diễu hành phố chợ”. Trong đó, Chương II là Lễ diễu hành thực hiện theo phong cách biểu diễn nghệ thuật đường phố, có không khí của lễ hội xưa, có những chất liệu đương đại, có cả về mặt thị giác cũng như về không gian, về âm thanh”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh còn “bật mí” thêm lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay giới thiệu những tác phẩm về sân khấu có tính đột phá, khơi gợi năng lượng về sáng tạo, cách tiếp cận với di sản, cách tiếp cận với những chất liệu nghệ thuật mang bản sắc địa phương để giới thiệu đến với công chúng, tạo nguồn cảm hứng liên ngành đối với các cộng đồng sáng tạo khác. Hoàng Anh còn mong muốn lễ diễu hành sáng tạo hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch cho Hà Nội. Bởi không gian tổ chức rộng lớn ngoài trời thì sức lan tỏa trong cộng đồng sẽ mạnh mẽ hơn, nó giống như một dòng chảy lôi cuốn tất cả các thành phần xã hội cùng tham gia vào. Về phần âm nhạc, sẽ có sự kết hợp cách tiếp cận mới mẻ hơn giữa nghệ thuật tuồng, chèo, ca trù, quan họ, opera, rap, nhạc điện tử cùng Vpop. Đây là những điều lý thú đáng chờ đợi.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 có tất cả hơn 100 hoạt động: Trưng bày, triển lãm, tọa đàm, workshop, trình diễn thời trang, chiếu phim… Riêng địa điểm Cung Thiếu nhi đã có tới gần 50 hoạt động trong một đại triển lãm mang tên “Cung Thiếu nhi: Hoài niệm cho tương lai”. Cung Thiếu nhi cũng chính là trái tim của Lễ hội năm nay. Và đại triển lãm ấy được giao cho nhóm giám tuyển nghệ thuật còn rất trẻ, thuộc thế hệ gen Y, gồm: Lê Thuận Uyên, Vân Đỗ, Phạm Minh Hiếu. Mất rất nhiều thời gian để tìm cảm hứng, tìm tòi các ý tưởng làm sao để “phối” được chừng ấy hoạt động, gồm nhiều lĩnh vực, nhiều chủ đề, nhiều loại hình nghệ thuật, với sự tham gia của 80 nghệ sĩ khác nhau, ba nghệ sĩ đã tìm ra cách để thể hiện chủ đề “Hoài niệm cho tương lai” bằng “phân bổ” các hoạt động, triển lãm thành ba mạch nhánh: Cung Thiếu nhi như một bài tập nhớ, Di sản liên thế hệ, Kiến tạo thế giới và sự chơi. Với ba mạch nhánh này, các hoạt động không chỉ lấy Cung Thiếu nhi làm nền, mà các không gian của Cung trở thành “cộng sự” cho hoạt động và tác phẩm. Để từ đó có sự kế thừa, kết nối quá khứ - hiện tại và gợi mở sự phát triển trong tương lai của các loại hình nghệ thuật sáng tạo, hay chính tương lai của Cung Thiếu nhi.
Một nhóm hoạt động quan trọng khác của Lễ hội là Hội chợ Thủ công mỹ nghệ, được thực hiện bởi Hanoi Indie Troupe. Có tới 80 nhà sản xuất tham gia hai hội chợ, một Hội chợ “Bí mật” tổ chức tại Vườn hoa Tao Đàn và một Hội chợ khác mang tên Makers Market - Child Routes tổ chức tại Rạp Công Nhân - Phố Tràng Tiền. Đơn vị tổ chức Hanoi Indie Troupe (HIT) đưa ra yêu cầu rất khắt khe, nhà sản xuất thủ công phải tự mình biến đổi nguyên liệu thô, làm chủ các kỹ thuật chính để tạo ra bảo đảm công năng, thẩm mỹ của sản phẩm; hoặc các nghệ sĩ, nhà thiết kế phải có các sáng tạo gốc, làm chủ quy trình để tạo ra sản phẩm cuối cùng, có phong cách cá nhân. Hiện diện ở đây là cả một thế giới đồ mỹ nghệ “thế hệ mới”, như chiếc tem thư bưu thiếp vẽ tay; có thể bắt gặp cả thế giới đồ thêu, với những con thú xinh xắn để gắn lên bất cứ nơi đâu người ta thích; hay đồ trang sức, hoa khô, móc khóa, tranh, đồ đan len, những sản phẩm thời trang… Hầu như tất cả các chủ thể tham gia đều là những gương mặt của thế hệ gen Y, gen Z.
Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết, do nguồn kinh phí của thành phố có hạn, nên hầu hết các nghệ sĩ, nhà sáng tạo tham gia đều phải bỏ thêm kinh phí, tự tham gia quá trình tổ chức, thi công các hạng mục tại lễ hội. Và, họ tham gia với năng lượng của tuổi trẻ. Đó cũng là thành công bước đầu trong hình thành, phát triển cộng đồng sáng tạo trẻ - động lực quan trọng để xây dựng Thành phố Sáng tạo.