Thành lập từ năm 1470, theo sử liệu còn ghi lại, làng cổ Phước Tích hiện còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc truyền thống hàng trăm năm tuổi, có giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc sắc. Ngôi làng có cảnh quan xanh mát với rất nhiều ngôi nhà vườn mang đậm phong cách truyền thống của vùng đất nằm bên dòng Ô Lâu ấy còn lưu giữ được dấu tích của nghề làm gốm cổ, dẫu đã phải chịu rất nhiều mai một. Ở mỗi kỳ festival Huế, Phước Tích luôn là điểm đến được giới thiệu trọng tâm, với nhiều hoạt động phong phú nhằm thu hút du khách. Từng có nhiều dự án với nguồn vốn hỗ trợ cả trong nước và quốc tế được triển khai để khôi phục nghề truyền thống và thúc đẩy hoạt động du lịch cho di sản đặc biệt này.
Dẫu vậy, Phước Tích vẫn như một “người đẹp say ngủ” lặng lẽ, yên bình với thời gian. Đi cùng đó, sự xuống cấp của hàng chục ngôi nhà rường cổ khiến cho những người làm văn hóa loay hoay, trăn trở. Nhờ nguồn vốn từ Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” (được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2015), 20 trong số 26 ngôi nhà rường cổ còn lưu giữ được ở Phước Tích đã được tu bổ, tôn tạo. Chính quyền địa phương cũng triển khai đề án khôi phục nghề truyền thống và chỉnh trang cảnh quan, các thiết chế phù hợp để phát triển mô hình du lịch xanh cho di sản.
Bảo tồn và khai thác giá trị của di sản làng cổ vốn là một bài toán không đơn giản. Không gian rộng lớn cùng sự tích hợp những công năng sử dụng cho người dân sinh sống đòi hỏi Phước Tích phải xây dựng được những phương thức quản lý và chia sẻ lợi ích phù hợp, đi kèm những yêu cầu khắt khe của mục tiêu ưu tiên bảo tồn giá trị di sản. Dù còn nhiều việc phải làm, cách ứng xử của tỉnh Thừa Thiên Huế với Phước Tích là một thí dụ cần được chia sẻ, trong bối cảnh nhiều địa phương khác cũng đang sở hữu những làng cổ, nhưng chưa phát huy được giá trị.