Taxi Hà Nội

“Ra đường sợ nhất... giao thông”

NDO - “Ra đường sợ nhất giao thông / Thanh tra, cơ động, mấy ông xã phường” - anh Hoàng Linh, lái xe taxi Ba Sao đã hài hước ngân nga, khi biết tôi muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện chấp nhận “sống chung với... xử phạt” của cánh tài xế taxi. Bởi cứ ra đường là phải phạm luật, vi phạm thì bị xử phạt nên chỉ cần thoáng thấy bóng các lực lượng chức năng được liệt kê trong hai câu thơ trên là mấy anh lái xe đã “tim đập, chân run”. Bị phạt tiền, bị tạm giữ bằng lái một, hai tháng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực.
Một taxi bị CSGT yêu cầu dừng lại để xử lý vi phạm. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Một taxi bị CSGT yêu cầu dừng lại để xử lý vi phạm. Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

“NỖI KHIẾP ĐẢM” MANG TÊN...”CSGT”

12 giờ trưa ngày 29-10-2012, dọc con dốc nhỏ dẫn xuống Bệnh viện Nhi Trung ương có 18 chiếc taxi đủ loại nối đuôi nhau chờ đến lượt vào đón bệnh nhân. Dải đường hẹp còn lại chỉ đủ cho một chiếc quay ra. “Giờ mà xe cứu thương hú còi ưu tiên cũng đành bó tay. Đường đâu mà vào nữa” - bà chủ quán nước xế bên cửa viện phàn nàn. Dốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vắng vẻ hơn nhưng phía ngoài vẫn nhấp nhổm bảy chiếc xe đang dừng đỗ sát đường, cửa xe mở hé đợi khách. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ của lực lượng chức năng, lái xe đồng loạt sập cửa, tăng ga bỏ chạy toán loạn.

Ga Hà Nội, xe của hãng Mai Linh đón khách từ ngay cạnh đường ray. Nhưng bên ngoài, nhất là vào thời điểm tàu về, vài ba chục chiếc xe lượn lờ, chạy rề rề. Thấy khách vẫy là tấp ngay vào lề, lái xe rối rít giục lên xe thật nhanh, sập cửa rú ga chạy thục mạng khi thấy bóng công an.

Khách sạn Daewoo, tại khu vực cắm biển được phép dừng đỗ 15 phút, ngoài năm chiếc nằm gọn trong phần vạch sơn giới hạn vẫn có hai xe - một taxi, một xe cá nhân hiên ngang đỗ ra ngoài. Lực lượng công an phường xuất hiện, chiếc taxi Mai Linh bị xử lý ngay tắp tự. Chiếc còn lại, không thấy hai đồng chí công an ngó ngàng gì.

Trung tâm thương mại Vincom, một chiếc taxi Vic đang trả khách. Ba thanh niên đang lục tục xuống xe, người lái đã bị “hỏi thăm”. Vừa xuất trình giấy tờ, anh vừa cáu kỉnh, “tôi biết đỗ ở đây sai luật, nhưng làm ơn chỉ cho tôi quanh tòa nhà to đùng này có chỗ nào dành cho taxi đón trả khách hay không?”.

Anh Tuấn Hiệp, tài xế kỳ cựu của Thanh Nga Taxi ngao ngán, “những lỗi vi phạm do ý thức kém thường xảy ra với tài xế mới vào nghề, bị phạt là rất đúng. Nhưng vụ dừng đỗ thì thú thật, dân lái lâu năm như tôi, biết sai luật cũng đành phải vi phạm. Khách thì muốn được đón trả tận nơi (door to door). Thử yêu cầu họ đi bộ vài trăm mét ra điểm đỗ quy định (nếu có) xem, còn lâu nhé. Đã thế, theo tôi được biết, trong phạm vi nội thành Hà Nội chỉ có hơn ba chục điểm dừng đỗ có phép, trong đó quận Hoàn Kiếm được ưu tiên 13 điểm, Hai Bà Trưng - Ba Đình -

Đống Đa chia đều mỗi quận năm điểm, Tây Hồ được bốn, hai quận mới Thanh Xuân - Hoàng Mai mỗi nơi chỉ có duy nhất một điểm. Mỗi điểm ấy lại chỉ chứa được 4 -5 xe. Tính ra sẽ chỉ có khoảng 160 trong tổng số hơn 17 nghìn taxi (một tỷ lệ quá nhỏ, chưa tới 1%) có được chỗ đỗ đàng hoàng. Xăng dầu đắt đỏ, chạy lòng vòng ngoài đường suốt ngày vừa rỗng túi vừa góp phần gây ùn tắc giao thông mà cứ dừng đỗ, đón trả khách chỗ nào cũng đều có nguy cơ nộp phạt 800 nghìn đồng, bằng lái bị tạm giữ 30 ngày”.

Chị Tân “béo”, người bao năm gắn bó với chiếc taxi Group buồn bã: “Đọc báo bây giờ, thấy hình ảnh lái xe taxi xấu xí quá, những vụ việc chống người thi hành công vụ nhan nhản. Tôi nghĩ, do cái vòng luẩn quẩn: biết sai mà vẫn phải phạm luật - bị phạt - phạt rồi vẫn phải tiếp tục phạm luật mới kiếm ăn được đã khiến người lái xe phải chịu quá nhiều áp lực tâm lý trên đường. Tôi cứ ước ao, giá chính quyền đưa ra được phương án giải quyết tận gốc rễ (để người lái taxi thuận tiện làm ăn trong khuôn khổ luật pháp, để các anh công an cũng đỡ vất vả, nguy hiểm khi làm nhiệm vụ) thì tốt biết bao nhiêu”.

BẤT CẬP TRONG QUY HOẠCH

Đó là lời khẳng định của ông Vũ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, khi biết tôi đang cố gắng đi tìm lời giải đáp cho “cái vòng luẩn quẩn” nêu trên. Theo ông, lực lượng có chức năng xử lý vi phạm trước đây chỉ có CSGT (với phương tiện đang lưu thông) và TTGT (với xe đang dừng đỗ). Từ khi Thông tư 47/2011/TT-BCA ra đời, lực lượng công an phường đã được bổ sung để xử lý những vi phạm trong địa bàn mà họ có trách nhiệm quản lý. Cũng theo ông Bình: “Pháp luật đã quy định chi tiết, kể cả ở những nơi không cắm biển cho phép, xe dừng đỗ phải có tín hiệu đèn nháy, đỗ cách mép đường 25cm, người lái phải ngồi trong xe, tay đặt trên vô lăng và để khách tự ra khỏi taxi. Tài xế tuân thủ thì không bao giờ bị phạt. Tuy nhiên, việc lái xe gặp khó khăn vì thiếu điểm đỗ là có. Vì lập ra được 34 điểm dừng đỗ trong nội đô đã là một nỗ lực lớn của Sở GTVT Hà Nội, nhưng so với lượng xe taxi hiện đang lưu thông chỉ như muối bỏ bể”.

Đúng là “muối bỏ bể”, vì theo Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ GTVT), mật độ taxi tại khu vực đô thị Hà Nội hiện khá lớn, trung bình mỗi km2 có 52,5 taxi và mỗi km đường có 16 xe taxi hoạt động. Riêng trong giờ cao điểm, tại một số nút giao thông lớn, taxi chiếm 1/2 lưu lượng ô-tô. Trả lời phỏng vấn báo Giao thông vận tải, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt - Công an TP Hà Nội cũng cho rằng: “Thời gian qua, taxi phát triển quá ồ ạt khiến giao thông thành phố vốn phức tạp lại càng thêm phức tạp. Xe tăng nhanh trong khi ý thức lái xe lại rất kém, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, các đối tượng này sẵn sàng dừng, đỗ phương tiện, quay đầu mọi lúc, mọi nơi nên ùn tắc giao thông cũng vì thế mà thường xuyên xảy ra”.

Ông Vũ Quốc Bình chỉ ra căn nguyên của tình trạng trên đó là những bất cập đã và đang tồn tại trong quy hoạch đô thị. Ông lý giải: “Trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, nhà ga... là những nơi mà nhu cầu vận chuyển bằng ô-tô rất lớn. Vậy mà đã có nơi nào, ngay từ trong quy hoạch xây dựng ban đầu chịu dành ra một khoảng diện tích nhất định cho xe xếp hàng tuần tự dừng đỗ, đón trả khách? Tất cả đều bị đẩy ra vỉa hè, lòng lề đường. Người lái, người dân đành vi phạm luật. CSGT đành phải xử lý nếu muốn đường thông, hè thoáng, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm. Bắt chỗ này, chạy chỗ kia, xử chỗ này, lách chỗ nọ, vấn nạn này sẽ mãi không bao giờ có thể giải quyết triệt để, khi không nhận ra bất cập quy hoạch kể trên”.

Và để từng bước giải quyết hiệu quả thực trạng gây nhức nhối này, ông Bình đề xuất: “Muốn được phê duyệt và cấp phép xây dựng, công trình nào cũng bắt buộc phải dành quỹ đất làm khu vực cho xe dừng đỗ, đón trả khách. Trước mắt, mỗi tuyến phố nên cắt hẳn một diện tích tối thiểu dành riêng cho taxi dừng đỗ lần lượt, khách có nhu cầu ra đó đón xe, vừa an toàn vừa đúng luật. Lực lượng chức năng cần bảo đảm công bằng trong xử lý các đối tượng vi phạm, không được phân biệt đối xử, người phạt kẻ tha dễ gây bức xúc trong xã hội”.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định 4390/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2030”. Trong đó, một nội dung cấp thiết cần được làm ngay trong giai đoạn 2012 -2015 chính là “phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ cho taxi. Bố trí thí điểm các điểm đón trả khách tại trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà ga, bến xe và những nơi có đủ điều kiện”.

Ông Lê Đỗ Mười - Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cũng cho biết: “Đề án đã đưa ra được số lượng phương tiện hoạt động trong từng giai đoạn cụ thể. Dự báo phân bổ và phát triển số lượng xe taxi sẽ tập trung chủ yếu tại các địa bàn Sóc Sơn, Đông Anh và khu vực thuộc Hà Nội mở rộng. Đối với khu vực nội thành, hạn chế tăng số lượng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ taxi”. Ông Mười nhấn mạnh: “Do hạn chế số lượng phương tiện gia tăng theo từng giai đoạn nên sẽ áp dụng hình thức đấu thầu trong hoạt động taxi. Đây được xem như một điều kiện tiên quyết để các hãng tự nâng cao chất lượng dịch vụ”.

Làm được như thế, hy vọng taxi sẽ không còn phải chịu cảnh “sống chung với vi phạm”. Lực lượng chức năng không còn là “ông ba bị” trong con mắt cánh tài xế taxi. Trật tự, an toàn giao thông được thiết lập và bộ mặt đô thị sẽ ngày một hiện đại, đẹp dần lên - như điều mà cả xã hội đều mong muốn.