Gỡ “thẻ vàng” IUU

Quyết tâm thực thi trước thời điểm tháng 9/2024

Việc kiểm soát hoạt động tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để chống khai thác IUU của các lực lượng chức năng Việt Nam, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) ngay trong năm 2024. Để hiện thực hóa mục tiêu này vào tháng 9/2024 theo Chỉ thị số 32-CT/TW, cả hệ thống chính trị và bà con ngư dân, nhất là chủ tàu và lực lượng chấp pháp, cần phải quyết tâm hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội.

Thực tế, tình hình tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài có diễn biến phức tạp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC.

Vi phạm khai thác IUU còn nhiều, xử lý chưa thật sự hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn chia sẻ, gần 7 năm quyết liệt tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, nhưng đến lần thanh tra thứ 4 (tháng 10/2023), EC vẫn khẳng định việc tổ chức thực hiện ở các địa phương còn nhiều yếu kém, vẫn còn tàu cá, ngư dân bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài; tàu cập nhật vào hệ thống giám sát quốc gia mới được hơn 76%; tình trạng mất tín hiệu từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) ở vùng biển, vùng giáp ranh còn nhiều; vẫn còn việc gửi các thiết bị giám sát vào một tàu và vấn nạn đưa người đi khai thác bất hợp pháp… Đặc biệt, hiện cả nước còn hơn 17.000 tàu cá "3 không". Đây là bài toán thật sự nan giải với Việt Nam.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Còn quá nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết từ nay đến tháng 9/2024 khi Đoàn Thanh tra của EC sang tiến hành tranh tra trực tiếp. Nếu chúng ta có sự chuyển biến tích cực thì có thể tháo gỡ được “thẻ vàng”, nhưng cần có quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và từng ngư dân”.

 Quyết tâm thực thi trước thời điểm tháng 9/2024 ảnh 1
Cục trưởng Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng báo cáo công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và phối hợp xử lý vi phạm khai thác IUU.

Báo cáo công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và phối hợp xử lý vi phạm khai thác IUU giữa lực lượng chức năng với các địa phương và các địa phương với nhau, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Kiểm ngư cho biết, sau gần 7 năm thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, đến nay tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Trong đó, việc kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa thật sự hiệu quả, chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật các địa phương và giữa các địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả…

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Việc lắp đặt VMS đã đạt gần 100%, tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển xảy ra phổ biến. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng.

“Việc điều tra, xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn rất hạn chế. Từ năm 2020 đến nay mới xử phạt được 81/381 tàu. Hầu như chưa xác minh, xử phạt các trường hợp vượt ranh giới trên biển, xử phạt vi phạm khai thác sai vùng, nhật ký thu mua, chuyển tải, nhật ký khai thác rất ít so các vụ việc vi phạm”, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Quyết tâm chứng minh cho EC thấy đã có sự chuyển biến tích cực

Đại tá Dương Thế Võ, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng thì cho hay, thời gian vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các trạm kiểm soát đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đều được lập danh sách quản lý, theo dõi, đặc biệt là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.

 Quyết tâm thực thi trước thời điểm tháng 9/2024 ảnh 2
Đại tá Dương Thế Võ, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng phát biểu tại cuộc họp.

“Trên thực tế, tình hình hoạt động của tàu cá ngư dân ta khi xuất, nhập bến qua các trạm kiểm soát biên phòng bảo đảm đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, thiết bị VMS hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi hoạt động trên biển, khi các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, lại phát hiện xảy ra tình trạng thiếu giấy tờ, trang bị theo quy định, vô hiệu hóa hoặc tháo, gỡ gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác để đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khai thác sai vùng…”, Đại tá Dương Thế Võ thông tin thêm.

Sau khi bày tỏ sự quan ngại trước những tồn tại nêu trên, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thời gian qua đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các văn bản của cấp trên về nhiệm vụ chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác IUU…, tuy nhiên vẫn còn nhiều vi phạm trong công tác này như mất kết nối VMS, tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài… Trong thời gian tới, để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; các đồn, trạm biên phòng tuyến biển tăng cường tần suất tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 32-CT/TW, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 52/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chỉ đạo, hàng loạt công điện… Mới đây, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân đã có Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý hình sự hành vi khai thác, mua bán trái phép thủy sản, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 tới đây, tất cả những hoạt động đều được đối chiếu với luật hình sự, tố tụng hình sự.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng: “Chắc chắn nếu tổ chức thực hiện nghiêm, riêng phần quản lý tàu và giám sát đội tàu thì chúng ta sẽ có những chuyển biến tích cực”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện đã đầy đủ, nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" cũng đã được đặt ra trong Chỉ thị số 32-CT/TW. Để giải quyết được những tồn tại, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng như kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an… Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hành chính cần phải thực hiện thật nghiêm và đồng loạt… Để gỡ “thẻ vàng” IUU ngay từ tháng 9 này theo Chỉ thị số 32-CT/TW, cả hệ thống chính trị và bà con ngư dân, nhất là chủ tàu và lực lượng chấp pháp, cần phải quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày, chúng ta chỉ có một con đường, bởi đây là thời điểm rất quan trọng".

 Quyết tâm thực thi trước thời điểm tháng 9/2024 ảnh 3

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến kết nối với 28 điểm cầu tại Trụ sở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.

Sau khi nghe các đơn vị chức năng địa phương, lãnh đạo ở 28 điểm cầu tại Trụ sở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển báo cáo, giải trình về kết quả công tác tại các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Quản lý đội tàu để giảm vi phạm, giảm chồng lấn, giảm mất kết nối VMS là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Quản lý được tàu thì quản lý được người. Nhất định tháng 9 này khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 5, chúng ta phải chứng minh cho họ thấy đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong việc quản lý đội tàu và giám sát đội tàu”.

Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12 /15 vụ tàu vận chuyển 125 thiết bị VMS của tàu cá khác gửi, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Kiên Giang; Cà Mau; Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 2024, tiếp tục phát hiện, xử lý 4 / 4 vụ tàu vẫn chuyển 35 thiết bị VMS của tàu cá khác gửi tại các tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu; Kiên Giang.
 Quyết tâm thực thi trước thời điểm tháng 9/2024 ảnh 4
Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác IUU, và đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển.