Ðắp đê ngăn sóng dữ

Những cột mốc kinh khủng của đại dịch toàn cầu Covid-19 vẫn tiếp tục dựng lên trên khắp thế giới. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18 giờ ngày 28/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 196.095.363 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 4.194.690 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.754.028 người.

Bangkok không còn đủ giường điều trị tích cực cho các bệnh nhân Covid-19.
Bangkok không còn đủ giường điều trị tích cực cho các bệnh nhân Covid-19.

Ngày26/7, một tin tức tốt lành đến từ Nhật Bản. Công ty Dược phẩm Shionogi & Co thông báo: Trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 loại thuốc điều trị Covid-19 mà Shionogi đang nghiên cứu, những người tham gia thử nghiệm đã sử dụng liều đầu tiên hôm 22/7. Kết quả: không có bất cứ điểm quan ngại nào về vấn đề an toàn được phát hiện sau liều thử đầu tiên. Trước đó, ở các thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu ghi nhận số lượng virus đã giảm nhanh và đáng kể.

Loại thuốc này được bào chế trên cơ sở hoạt chất S-217622. S-217622 là chất ức chế enzyme 3CL. Trong khi đó, SARS-CoV-2 có chứa 3CL - một enzyme quan trọng đối với quá trình nhân bản của virus. S-217622 ức chế quá trình nhân bản của SARS-CoV-2, bằng cách khống chế có chọn lọc các enzyme 3CL. Do đó, theo kỳ vọng của Shionogi, loại thuốc này có thể nhanh chóng giảm số lượng virus trong cơ thể người bệnh và ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng lâm sàng như sốt hay khó thở, nếu người bệnh được kê đơn ngay sau khi phát hiện nhiễm Covid-19.

Ðây rõ ràng là một tín hiệu tích cực. Việc bào chế thành công một loại thuốc chữa Covid-19 an toàn và tiện lợi là cực kỳ cần thiết, bởi vì ngay cả khi được tiêm vaccine phòng bệnh, nguy cơ mắc bệnh vẫn còn.

Điều này đang được thực tế chứng minh một cách lạnh lùng và tàn nhẫn, ngay ở các khu vực phát triển nhất của thế giới.

Cùng ngày 26/7, nước Mỹ phải tuyên bố duy trì các hạn chế đi lại hiện nay do sự lây lan rộng của biến thể Delta -virus SARS-CoV-2. Chính quyền Mỹ cũng dự đoán: Số lượng các ca mắc Covid-19 gần đây ở Mỹ "có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới". Theo khuyến cáo mới nhất, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ  kêu gọi người dân tránh đến Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, vốn là hai điểm đến ưa thích của du khách Mỹ, do số ca mắc Covid-19 gia tăng tại hai quốc gia trên bán đảo Iberia đó. Mỹ cũng ban hành hướng dẫn đi lại tương tự đối với những người muốn đến CH Cyprus, một tuần sau khi đưa ra khuyến cáo hạn chế đến Vương quốc Anh - điểm du lịch quốc tế hàng đầu đối với người Mỹ. Riêng tại thành phố New York, mọi viên chức nhà nước đều bắt buộc phải tiêm vaccine, thời hạn chậm nhất là trước tháng 9 - khi các học sinh trở lại trường.

Nước Anh - một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới - đã tạm xem như vượt qua đỉnh dịch. Ðến ngày 26/7, số ca nhiễm mới ở Anh giảm ngày thứ sáu liên tiếp xuống còn 24.950 ca. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh căng thẳng bùng phát từ đầu tháng 7, với những mốc ca nhiễm và tử vong kỷ lục, vẫn để lại những bài học đắt giá. Việc mọi biện pháp giãn cách được dỡ bỏ tại Anh vào ngày 19/7 - còn được đặt biệt danh là "Ngày Tự do" - ngay tại đỉnh dịch, trong bối cảnh chính đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson phải cách ly do nghi nhiễm virus là một điều rất đáng chú ý. Ðộng thái này tạo nên sự lo ngại đối với quan điểm chung của giới khoa học quốc tế.

Cho đến hiện tại, thảm họa đã không xảy ra, và những nguy cơ đã bị đẩy lùi tại "đảo quốc sương mù". Nguyên nhân của điều này dĩ nhiên là tỷ lệ được tiêm vaccine rất cao của nước Anh, nhưng điều đó càng khiến việc tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trở nên cần thiết. Và bên cạnh đó, chuyện Chính phủ Anh quy định chỉ những người đã tiêm đủ số liều vaccine mới được phục vụ ở các địa điểm công cộng cũng là điều hiển nhiên, nhằm hạn chế nguy cơ ở mức thấp nhất khi đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường.

Bên kia eo biển Manche, mới tuần trước, nước Pháp đã từng phải để ngỏ khả năng tái áp đặt lệnh phong tỏa trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh. Ngày 25/7, bất chấp những cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế diễn ra trên đường phố thu hút tới hơn 161.000 người tham gia, Quốc hội Pháp vẫn chính thức thông qua dự luật về tiêm chủng bắt buộc (với 156 phiếu thuận trên 60 phiếu chống), sẽ được áp dụng ngay từ tháng 8.

Trong khi đó, tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, mọi giường chăm sóc tích cực (ICU) đều đã kín chỗ, và những bệnh nhân Covid-19 trở nặng đến chậm phải chấp nhận nằm tại phòng cấp cứu của các bệnh viện. Tâm dịch Bangkok có tổng cộng 36.977 giường bệnh. Tuy nhiên, hiện có 37.668 bệnh nhân Covid-19 cần điều trị, tức là vượt quá 691 ca so với khả năng.

Tại Indonesia, số ca mới mắc đã giảm xuống 28.228 ca trong ngày 26/7, nhưng bình quân mỗi ngày trong tuần vẫn đạt tới 40.000 ca. Riêng trong ngày 25/7, Indonesia ghi nhận 38.679 ca mắc và 1.266 ca tử vong. Ðiều khủng khiếp nhất là kể từ đầu tháng 7, tỷ lệ trẻ em tử vong bởi đại dịch tại "xứ vạn đảo" đạt tới hơn 100 ca mỗi tuần. Tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế vẫn là lựa chọn tối ưu dành cho quốc gia đông dân thứ tư thế giới, song song với việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng.

Có thể thấy rõ: Việc hoạch định sớm kế hoạch dài hạn cho các diễn biến của dịch bệnh - bao gồm cả tiêm chủng lẫn các biện pháp hạn chế, cũng như công tác chuẩn bị cho khả năng khoanh vùng - truy vết - phong tỏa - sẽ luôn có tác dụng gia tăng sức kiểm soát tình hình, tránh những hệ lụy nghiêm trọng, trước khi thế giới thật sự có được một loại thuốc đặc trị cho cơn đại dịch này.

Không phải ngẫu nhiên, cho dù có ưu thế về vị trí địa lý tách biệt, Australia vẫn sẵn sàng ban hành lệnh phong tỏa ở mọi thành phố lớn, thí dụ như Sydney. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về 0 trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, cả Thủ tướng Australia Scott Morrison lẫn Thủ hiến các bang New South Wales và Victoria đều chỉ trích gay gắt những người biểu tình chống phong tỏa là "thiển cận", "ích kỷ", "tự chuốc lấy thất bại" và "xem thường chính đồng bào của mình". Những người biểu tình ấy là thiểu số, khi đại đa số người dân Australia, do được bảo đảm về những nhu cầu thiết yếu, đã dần thích nghi để chấp nhận liên tiếp những biện pháp chống dịch mạnh tay.

THIÊN THƯ