Sự kiện câu lạc bộ BRIC mở rộng tới Lục địa đen, sau khi kết nạp thêm Nam Phi tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba vừa qua tại Trung Quốc, cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của nhóm các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới này. BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) không chỉ đơn thuần là sự tập hợp của một nhóm quốc gia, mà là sự hội tụ của những con rồng kinh tế thế giới, với những ưu thế rõ rệt trong nhiều lĩnh vực. Bra-xin có thế mạnh về nông nghiệp, Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ, Ấn Ðộ mạnh về công nghệ thông tin, Trung Quốc ví như 'công xưởng của thế giới' và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), BRICS chiếm gần 25% diện tích thế giới, 42% dân số thế giới và 18% GDP toàn cầu (62 nghìn tỷ USD năm 2010). Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại nội khối BRICS tăng 15 lần, ước đạt 230 tỷ USD. Từ mức đóng góp 13,1% năm 2000, BRICS đã chiếm hơn 60% tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010...
Sau mười năm thành lập, BRICS đã chứng tỏ được sức mạnh trong phát triển nhanh chóng và tương đối bền vững. Rõ rệt nhất là các thành viên BRICS đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, với mức tăng trưởng dẫn đầu thế giới. Với GDP tới 8,7 nghìn tỷ USD năm 2010 (bằng 18% GDP toàn cầu) và kim ngạch thương mại chiếm 15%, BRICS đã trở thành đầu tàu thúc đẩy hồi phục kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Dự báo, BRICS tiếp tục dẫn đầu quá trình này và sẽ chiếm khoảng 47% GDP toàn cầu năm 2030. Ðến năm 2032, bốn trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới là các thành viên của BRICS. Và năm 2050, BRICS sẽ trở thành một nhóm kinh tế chiếm ưu thế, lật đổ sự thống trị lâu nay của G7 - câu lạc bộ các nước giàu gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ðức, I-ta-li-a và Ca-na-đa.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của BRICS, với tư cách các cường quốc đang nổi lên và là các động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng theo tờ Bưu điện Tài chính (Ca-na-đa), một bức tranh mới lớn hơn đang mở ra, bao trùm BRICS, cho thấy khả năng ứng phó khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đang phát triển. Ngay cả 'cha đẻ' của thuật ngữ BRIC, nhà kinh tế G.O.Nên, thuộc tập đoàn Goldman Sachs Group Inc, cũng cho rằng đã đến lúc giới đầu tư không nên chỉ tập trung vào nhóm này, mà mở rộng sang các nền kinh tế thuộc 'Câu lạc bộ 7%'. Khái niệm này xuất phát từ Công ty Standard Chartered Plc, khi lập danh sách các nền kinh tế đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong một thời gian nhất định. Tiêu chí gia nhập câu lạc bộ này cũng linh hoạt: Các thành viên được kết nạp hoặc bị khai trừ tùy thuộc thành tích kinh tế vĩ mô của họ. Như vậy, có thể khích lệ các nước, như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Mông Cổ... cố gắng hơn để có thể gia nhập 'Câu lạc bộ 7%'.
Các nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7%/năm có thể tăng gấp đôi quy mô sau mỗi thập kỷ và sau ba thập kỷ duy trì mức tăng trưởng 7%, có thể có quy mô lớn gấp đôi một nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 5%/năm. Thực tế này đã được chứng minh tại nhiều nền kinh tế châu Á trong 50 năm qua. Như vậy, sẽ xuất hiện những cường quốc mới nổi nằm ngoài BRICS và có thêm những đề xuất mở rộng nhóm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia đã đến lúc suy nghĩ về bức tranh lớn hơn của các thị trường đang nổi lên và 'Câu lạc bộ 7%' có thể là một khởi đầu tốt.
Gần đây xuất hiện nhận định cho rằng, một khối mới gồm 11 nền kinh tế đang nổi, gọi tắt là Next-11 (N-11) sẽ tạo một trục tăng trưởng toàn cầu có thể làm thay đổi tính chất thương mại hiện nay, có tiềm năng cạnh tranh với G7. Theo Thời báo Tài chính (Anh), N-11 gồm: Việt Nam, Mê-hi-cô, Ni-giê-ri-a, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Pa-ki-xtan, Ai Cập, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Phi-líp-pin. Goldman Sachs dự báo, trật tự kinh tế thế giới có thể thay đổi hoàn toàn trong vài thập kỷ nữa: Ðến năm 2050, GDP của khối N-11 có thể bằng hai phần ba tổng GDP của G7, với mức tăng nhu cầu tiêu dùng cao gấp đôi. Mê-hi-cô được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới; kinh tế In-đô-nê-xi-a vượt Nhật Bản; quy mô kinh tế sáu quốc gia trong N-11, trong đó có Việt Nam, có thể vượt Ca-na-đa.
Ðộng lực của những thay đổi này là yếu tố nhân khẩu học. Trong khi tại các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ sinh sụt giảm, quá trình lão hóa dân số cản trở tăng trưởng, thì các nước N-11 lại được lợi từ sự thay đổi xu hướng dân số. Tổng số dân của N-11 hiện chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu, phần lớn là lực lượng trẻ. Khi kết hợp thế mạnh nhân lực với các điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng, triển vọng kinh tế của N-11 rất sáng sủa. Sự trỗi dậy của N-11 không chỉ dựa trên sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các công ty phương Tây, mà còn thúc đẩy sự ra đời của những tập đoàn hàng đầu mới. Theo báo cáo của Goldman Sachs, là nhóm các thị trường lớn có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng, N-11 có thể trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng và là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư trong hai thập kỷ tới...