Bản quyền phần mềm vẫn là chuyện dài dài

Mặc dù vấn đề "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ" đã được Chính phủ triển khai quyết liệt từ năm 2007, nhưng những nỗ lực của các cơ quan chức năng, cũng chỉ mới đưa được Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới với tỷ lệ vi phạm giảm xuống còn... trên dưới 80%.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc sử dụng phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: H.P
Lực lượng chức năng kiểm tra việc sử dụng phần mềm tại một doanh nghiệp. Ảnh: H.P
Ngay cả với các phần mềm crack, thật khó có thể lường được những thiệt hại khi những phần mềm "lậu" này bị gắn những mã độc.

Những chuyển biến bước đầu

Tháng 3-2014, lần đầu tiên một doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam bị khởi kiện và phải bồi thường tiền tỷ do sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp. Đó là trường hợp Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Đồng Nai). Sau khi bị các doanh nghiệp phần mềm đưa ra Tòa án tỉnh Đồng Nai, Long John Đồng Nai đã phải cam kết thực hiện mọi yêu cầu đặt ra từ Microsoft và Lạc Việt, bao gồm công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, trị giá hơn một tỷ đồng. Điều đáng nói là, đây là vụ kiện đầu tiên liên quan đến vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phần mềm sau hơn chín năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính.

Theo Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), đây là bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm được khởi động từ năm 2004 ở Việt Nam, đồng thời khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam bị kiện ra tòa.

Tuy nhiên, một năm đã trôi qua từ sau vụ kiện đó đến nay, vẫn chưa có thêm vụ kiện nào tương tự. Công cuộc chống vi phạm bản quyền phần mềm dường như vẫn chỉ diễn ra trong các cuộc kiểm tra, thanh tra đột xuất của đoàn kiểm tra liên ngành và những mức phạt hành chính với doanh nghiệp vi phạm.

Không có gì là "miễn phí"

Trong năm 2014, đã có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong số 83 doanh nghiệp bị Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao "thăm hỏi" đột xuất, có tới 78 đơn vị vi phạm quy định về bản quyền các chương trình phần mềm máy tính, phải nộp số tiền phạt 1,7 tỷ đồng; đồng thời buộc các doanh nghiệp này phải sử dụng các phần mềm, chương trình máy tính có bản quyền theo quy định.

Đáng nói là, theo các chuyên gia, việc vi phạm bản quyền phần mềm không chỉ gây hại cho đối tượng bị xâm phạm sở hữu trí tuệ (chẳng hạn như các nhà sản xuất phần mềm) mà còn ẩn chứa những nguy cơ lớn cho các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác bảo mật thông tin hiện nay là sử dụng phần mềm không chính hãng. Một nghiên cứu được Microsoft tiến hành gần đây cho thấy, có đến 50% số mẫu thử ổ cứng trên các máy tính thương hiệu hàng đầu bị các phần mềm độc hại tấn công. Nguyên nhân là vì ổ cứng chính hãng đã bị nhiều đại lý nhỏ tháo rời để cài đặt lên đó hệ điều hành và ứng dụng lậu.

Theo ông V.A.T một chuyên gia an ninh mạng, những phần mềm được hack hoặc crack (bẻ khóa) để dùng đều ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Vì cùng với việc crack phần mềm, người ta cũng có thể "nhúng" vào những phần mềm đó những đoạn mã phục vụ cho mục đích riêng. "Dùng phần mềm và các sản phẩm không bản quyền nó cũng như là dùng chất gây nghiện. Nó gây "phê" ngay từ lần đầu tiên, và rất ít người thấy được tác hại lâu dài của nó", vị này so sánh. Ông này cũng cho biết, các hãng phần mềm lớn như Microsoft, AutoDesk... thường thuê một bên thứ ba (thường là các hãng của Ấn Độ) kiểm tra bản quyền phần mềm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên một diễn đàn dành cho "dân IT", phần lớn những người phụ trách IT của doanh nghiệp cho biết, phản ứng của họ trước các email kiểm tra bản quyền này là... lờ đi, vì "tội đâu thì sếp chịu, chứ đề nghị bỏ tiền mua bản quyền - nhiều khi đắt hơn cả phần cứng thì chẳng mấy mà được mời nghỉ vì làm IT mà không biết dùng phần mềm crack".

Câu chuyện ở đây vì thế lại quay về chính điều căn bản là tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp quyết định việc có theo đuổi sự hạn chế những tổn thất do mã độc và tội phạm mạng gây ra hay không? Nhưng xem ra để tạo được bước chuyển tư duy của các ông chủ không đơn giản khi ngân sách luôn bị thúc bách bởi những khoản đầu tư cấp bách. Thế nên, con số tổn thất do an ninh mạng thì vẫn cứ tăng lên đều đều... Và câu chuyện bản quyền thì nóng lên theo chu kỳ mỗi khi đến ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4).

Để kết lại câu chuyện dài kỳ về bản quyền và bảo hộ sở hữu trí tuệ, xin dẫn lời ví von của một chuyên gia, tuy có hơi hài hước nhưng không kém phần xác đáng: Nếu Việt Nam quy tụ được các cơ quan quản lý IP (sở hữu trí tuệ) về cùng một mối để thuận tiện cho việc đăng ký, thực thi bảo hộ và tạo cơ chế điều tiết hợp lý nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa một cách hiệu quả hệ thống luật IP thì tôi sẽ "đi đầu xuống đất".