Thách thức bị lãng quên

Trạng thái nguội lạnh dần của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đã và đang tô đậm lại một vấn đề từng được xem là yêu cầu bức thiết dành cho Liên minh châu Âu (EU): Tìm kiếm và tái tạo cân bằng chiến lược, để định vị lại chính mình trên bản đồ địa chính trị thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen

NHƯ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) cho biết hôm 6/4: 27 quốc gia thành viên EU sẵn sàng đàm phán với Mỹ về các vấn đề thuế quan và thương mại, nhưng cũng đã chuẩn bị cho kịch bản buộc phải sử dụng các biện pháp trả đũa kinh tế, nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận.

Trên thực tế, những đề xuất trả đũa được đưa ra ngày 8/4 từ EU đã “mềm mỏng” hơn khá nhiều, so với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới. Lúc đó, EU dự định đánh thuế khoảng 28,4 tỷ USD trị giá hàng hóa và danh sách sơ bộ của họ bao gồm các mặt hàng nhập khẩu như rượu bourbon, thuyền, quần áo và sản phẩm nông nghiệp.

Song, có vẻ như sau khi “cân nhắc thiệt hơn”, châu Âu đã một lần nữa cố gắng giảm nhẹ mức độ căng thẳng. Dù sao, trong thời điểm cụ thể hiện tại, việc chấp nhận đối kháng gay gắt với đối tác kinh tế quan trọng nhất của họ cũng là điều không mang lại lợi ích gì.

một phương diện khác - an ninh quốc phòng, thế giới cũng đang chứng kiến những vết rạn nứt ngày càng hằn lên rõ hơn, trong nội bộ phương Tây. Cụ thể, nó được đánh dấu bằng sự kiện đương kim Tổng thống Mỹ cố gắng kết thúc cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine bằng cách thảo luận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà không mời đại diện EU tham dự.

Không chỉ vậy, những đòi hỏi của nước Mỹ đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng ngày càng khắt khe. Tới Brussel ngày 6/4, sử dụng thứ ngôn từ thấm đẫm “tính ngoại giao”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio nói rằng: Tổng thống Mỹ đương nhiệm không xa lánh NATO, nhưng ông “chống lại một NATO không có đủ năng lực cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ mà hiệp ước áp đặt cho từng quốc gia thành viên”. Nói cách khác, thông điệp từ Washington vẫn không có gì thay đổi: Nếu các thành viên châu Âu của NATO không đạt mức chi tiêu quốc phòng 5% GDP hằng năm, nước Mỹ sẽ rút lại chiếc ô an ninh đã từng che trên đầu họ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vấn đề là, ngay cả những cường quốc lãnh đạo cựu lục địa, như trục Đức - Pháp, cũng không dễ dàng đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng ấy, trong bối cảnh chính họ cũng đã và đang phải vật lộn với những vấn đề kinh tế-xã hội của riêng mình.

TỪ những khúc mắc ở hai lĩnh vực kinh tế và quân sự, châu Âu tiếp tục đối diện một thách thức lớn hơn, về chính trị và chiến lược đối ngoại. EU sẽ thật sự phải nghiêm túc chuẩn bị cho khả năng “phân ly” với nước Mỹ, nếu ông chủ Nhà Trắng vẫn tiếp tục thực thi các biện pháp cứng rắn, nhằm gây sức ép lên “các ông bạn cũ”.

Thật ra, đây không phải một câu chuyện mới. Từ nhiệm kỳ tổng thống 2016-2020 của ông Donald Trump, mối quan hệ Âu - Mỹ đã có những cuộc tranh cãi thẳng thắn và nảy lửa (về trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu quốc phòng chung), đến mức độ ý tưởng xây dựng một “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO ra đời. Có điều, đến nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden, mối quan hệ này nồng ấm trở lại, và những “sóng gió” cũ được tạm quên đi.

Nhưng hiện tại, chúng đang trở lại, căng thẳng và gay gắt gấp bội. Chúng cũng gợi cho giới quan sát quốc tế nhớ lại, rằng khoảng mười năm về trước, vấn đề cân bằng chiến lược, định vị chỗ đứng cho châu Âu giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu cũng đã từng nổi lên. Thậm chí, khi ấy, nó được xem như một cuộc khủng hoảng của cựu lục địa, cộng hưởng cùng việc nước Anh rời bỏ EU, cùng những dư chấn của quãng suy thoái kinh tế 2008-2012, bên cạnh cuộc khủng hoảng người nhập cư, và tình thế bị “kẹt giữa các làn đạn”, khi bị cuốn vào những cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Nga hay Mỹ-Trung.

Kể từ đó tới nay, dường như, châu Âu chưa từng thật sự cố gắng đi tìm lời giải cho bài toán chiến lược ấy.