Câu hỏi về lòng tin

“Nếu Mỹ đưa ra những quyết định sai lầm, Iran sẽ buộc phải hướng tới vũ khí hạt nhân, do áp lực từ chính người dân của mình” - ngày 31/3, ông Ali Larijani, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khameinei, tuyên bố.
0:00 / 0:00
0:00
Câu hỏi về lòng tin

Một ngày trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, đương kim Tổng thống Mỹ đe dọa: Nếu Iran từ chối đàm phán và không đạt được thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân của họ, ông sẽ tiến hành không kích Iran với mức độ “chưa từng thấy”. Ngoài ra, ông khẳng định: Nếu không đạt bất kỳ tiến triển nào trong vài tuần tới, Mỹ sẽ áp dụng biện pháp thuế quan thứ cấp, áp thuế đối với các nước mua hàng hóa từ Iran, như cách ông đã làm cách đây bốn năm.

Trước đó, trong tháng 3, ông Trump đã gửi một bức thư tới các nhà lãnh đạo Iran thông qua Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), trong đó đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp về hoạt động hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, Iran đã từ chối đề nghị này.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, hôm 30/3, thẳng thừng nói rõ rằng Tehran từ chối đề xuất đối thoại trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, Iran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp. Cũng theo Tổng thống Iran, Tehran không phản đối đàm phán về nguyên tắc. Nhưng trước hết Washington cần sửa chữa “sai lầm trong quá khứ” và khôi phục lòng tin.

Giữa Tehran với Washington, niềm tin từ lâu đã trở nên “xa xỉ”. Trong quá khứ, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây luôn cáo buộc Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách làm giàu urani lên mức độ tinh khiết cao hơn mức hợp lý. Tuy nhiên, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích dân sự.

Nhưng không chỉ vậy. Thực tế, vào năm 2015, đã có một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết giữa nước Cộng hòa Hồi giáo ấy với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Theo đó, JCPOA đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với các hoạt động phát triển công nghệ hạt nhân, đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Iran. Song, vào năm 2018, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã đơn phương đưa nước Mỹ rời bỏ JCPOA, với lý do là thỏa thuận này có nhiều bất cập. Đáp lại, Iran cũng hạ thấp các cam kết, đảo ngược và tiến tới ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận.

Chính vì thế, hiện tại, Tehran có đầy đủ cơ sở để từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ. Bảy năm qua, Washington đã tự mình từ bỏ, để rồi lại phải chật vật tìm cách tiếp cận với Tehran, thông qua các kênh trung gian.

Đây vốn là một câu chuyện cũ, với những nhân vật cũ, được triển khai theo cách cũ. Song, cường độ căng thẳng của nó hiện đã tăng gấp bội, trong những biến động dữ dội tại Trung Đông cũng như trên bản đồ địa chính trị thế giới. Cách thức mà ông chủ Nhà trắng hiện tại lựa chọn - không ngừng gia tăng áp lực lên Iran - đã trở nên gay gắt gấp nhiều lần, khi đặt trong bối cảnh Israel vẫn đang tiến hành các hoạt động quân sự khốc liệt tại Dải Gaza, còn chính không quân Mỹ cũng đã và đang oanh kích lực lượng Houthi (vốn được xem là lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn tại Yemen).

Tuy vậy, kịch bản Mỹ tấn công quân sự Iran, ở cấp độ nghiêm trọng của nó, sẽ là một “vụ nổ” ghê gớm. Cho dù vẫn đang phải đối diện vô vàn khó khăn do bị cấm vận trừng phạt, Iran cũng chưa từng là một quốc gia “dễ bị động chạm”. Nói như ông Ali Larijani, chương trình hạt nhân của Iran sẽ “không thể bị phá hủy chỉ bởi các cuộc không kích”. Nếu bị đẩy tới đường cùng, họ có thể đáp trả, và cũng đủ sức gây nên cho đối thủ những thương tổn khó lường (đặc biệt là cho Israel, đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông).

Đó là chưa kể, các cường quốc khác trong nhóm P5+1 năm xưa, trên lý thuyết, vẫn bị ràng buộc bởi các cam kết của JCPOA, và sẽ khó có thể khoanh tay nhìn ngọn lửa cứ thế bùng cháy. Và cũng chưa kể, thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu hiện đang trở nên lạnh nhạt, xoay quanh các vấn đề khác, như xung đột quân sự tại Ukraine, hay những cuộc chiến thuế quan đang sẵn sàng được kích hoạt.

Niềm tin, dường như, đang suy giảm…