Phả sinh khí vào cát bụi thời gian

Trầm ngâm một lúc trước tách cà-phê, Christophe La Journade, một người bạn Pháp yêu Việt Nam (và trở lại Hà Nội đầu tháng 3 này để lên Điện Biên Phủ lần thứ tám trong vòng 10 năm), mới thủng thẳng: "Học sinh ở Pháp à? Mà ở đâu chẳng thế, sẽ có những đứa trẻ hứng thú với lịch sử, còn những đứa khác thì không. Chỉ là, nếu tạo được cho chúng những gợi mở cần thiết, thì ai thật sự quan tâm sẽ có nhiều cơ hội đi sâu vào con đường ấy hơn thôi".
0:00 / 0:00
0:00
Các em bé Đan Mạch trong lễ hội Viking Moesgaard.
Các em bé Đan Mạch trong lễ hội Viking Moesgaard.

Ông Christophe nói thế, nhưng tôi biết, thí dụ ở Paris, hầu như mọi bảo tàng danh tiếng đều đông nghịt những đoàn khách tham quan mỗi ngày. Và trong đó, cũng có không ít những vị khách "nhí", đến từ mọi miền của chính nước Pháp. Những ý niệm về lịch sử, cũng như những hạt mầm đầu tiên của niềm hứng khởi hay lòng đam mê, có lẽ, cũng đều có thể dễ dàng bắt đầu từ việc dán mũi vào những khung kính như vậy, để thấy tầng tầng không gian cổ xưa sống dậy ngay trước mắt. Và một hệ thống bảo tàng-triển lãm-di tích -văn khố… đồ sộ, như hệ thống mà nước Pháp hay những quốc gia phát triển hàng đầu sở hữu, chắc chắn, sẽ luôn là những "kho báu" đầy hấp dẫn.

Ưu thế ấy sẽ giúp công việc dạy-học lịch sử trở nên dễ dàng, sinh động và thú vị hơn. Đơn cử, ở nước Mỹ, cho dù đến hiện tại các nhà sư phạm vẫn đang tranh luận nảy lửa về "Những chủ đề nào nên được đưa vào chương trình giảng dạy?", thì ở khía cạnh kỹ thuật, lịch sử cơ bản được giảng dạy như một bộ môn khoa học (bắt buộc), theo hình thức nghị luận: Giáo viên tóm tắt các vấn đề chính, đề nghị học sinh tự nghiên cứu tài liệu, rồi thuyết trình và trả lời các câu hỏi, để thông qua việc tự bảo vệ ý kiến, học sinh cũng sẽ tự "khai mở" thêm cho mình các quan điểm.

Ở những lứa tuổi nhỏ hơn, càng trực quan, môn lịch sử lại càng trở nên gần gũi. Khoảng 15 năm trước, trên thị trường sách Việt Nam đã xuất hiện một bộ ba tập sách mỏng, rất nhiều tranh, được in ấn cẩn thận, viết về các sự kiện lịch sử cũng như các nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ với văn phong ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Còn trong thời đại bùng nổ thông tin hiện tại, những tựa game (trò chơi) mang bối cảnh lịch sử cũng liên tiếp ra đời. Chìm đắm vào chúng, thí dụ như game War of Thunder, trong vô thức, người chơi cũng sẽ tiếp cận với không ít kiến thức, xoay quanh những cuộc đấu tăng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Công nghệ ngày càng gia tăng năng lực thúc đẩy sự hứng thú và lòng ham thích tìm hiểu lịch sử cho giới trẻ nói chung, thông qua game, phim ảnh, mạng xã hội... Tuy vậy, những công cụ "cổ điển" cũng sẽ không bao giờ đánh mất giá trị, miễn là được nhớ đến và sử dụng đúng cách.

Thế hệ 7x-8x ở Việt Nam, hẳn không ít người từng đọc Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ, danh tác của nữ văn sĩ Nhật Bản Tetsuko Kuroyanagi. Trong đó, hằn sâu vào ký ức của tôi là đoạn thầy hiệu trưởng đáng kính dẫn đám học sinh đến một ngôi đền, để các em tự trải nghiệm không gian cổ kính ấy. Thời của Tetsuko, đó là phương pháp giảng dạy lịch sử mang tính đột phá ở Nhật Bản. Đến vài năm trước, cô em gái ruột của tôi đi du lịch vẫn còn chụp được cảnh những toán học sinh nô nức đến với những di tích, chụm đầu quan sát, bàn tán rôm rả.

Nguyễn Đình Song Thanh, một du học sinh Việt Nam từng sang Mỹ học bốn năm, và hiện làm nghiên cứu thạc sĩ ở Nhật Bản, chia sẻ thêm với tôi: "Học sinh Nhật Bản bây giờ được tạo hứng thú rất nhiều từ phim ảnh có đề tài lịch sử, hoặc hư cấu trong bối cảnh lịch sử anh ạ. Những loại hình ấy, cả phim lẫn sách, phần nhiều sẽ được Đài truyền hình quốc gia NHK quảng bá và tài trợ. Còn ở Mỹ, theo tôi biết, dù những phần này do tư nhân thực hiện là chính, song họ luôn mời các cố vấn lịch sử uy tín, là các giáo sư, tiến sĩ sử học". Song Thanh cũng đã từng mặc trang phục áo ngũ thân nước Việt, tham dự nhiều lễ hội lịch sử-văn hóa truyền thống trên đất bạn.

Đến đây, tôi liên tưởng tới sức sống mạnh mẽ của phim cổ trang Trung Quốc hay Hàn Quốc, và nối tiếp bật lên trong đầu là những hình ảnh đậm đặc tính sử thi trong cả một hệ sinh thái văn hóa Bắc Âu-Scandinavia-Anglo Saxon. Những lễ hội phục dựng lại cảnh chiến chinh, như lễ hội Viking mang tên Moesgaard, hay tái hiện trận chiến Hasting ở nước Anh vẫn luôn được tổ chức hằng năm, thu hút cả người già, phụ nữ, người trung tuổi, thanh thiếu niên… Họ mặc lại những bộ y phục cổ xưa, cùng nhau tạo nên một không gian lịch sử, cùng nhau cảm nhận lịch sử, như nghìn năm trước. Điều khác biệt, chỉ là bây giờ những hình ảnh ấy luôn được ghi lại, và nhanh chóng đăng tải, lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, để vun bồi tình yêu lịch sử dân tộc, thúc đẩy học sinh tiếp cận môn lịch sử một cách vừa hào hứng, vừa nghiêm túc, có rất nhiều thư viện công miễn phí được hình thành dưới sự tài trợ của Chính phủ Singapore, bên cạnh nhiều hình thức giáo dục lịch sử khác: Lễ hội, trò chơi, các cuộc thi, phim ảnh, truyền hình và cả pa-nô, áp-phích trên đường phố.

Một người bạn trẻ của tôi đánh giá: Nghiên cứu lịch sử có lẽ không chỉ là một khoa học, mà còn là tổng hòa của nhiều môn khoa học. Nó đòi hỏi cả niềm đam mê lẫn kiến thức chuẩn xác về nhiều mặt. Vậy nên, làm cho số đông yêu thích các vấn đề chuyên sâu của một môn khoa học là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Mặc dù vậy, ở tầm mức khơi lên niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử trong giới trẻ, vẫn luôn có một giao điểm hữu hiệu và tối quan trọng, ở phương Đông cũng như phương Tây, ở Nam bán cầu cũng như Bắc bán cầu: Cảm xúc. Cảm xúc sẽ quyết định việc một cô bé hay cậu bé có "phải lòng" lịch sử hay không, và phương thức tạo nên cảm xúc thì lại vô cùng đa dạng. Những năm chiến tranh gian khổ ở Việt Nam, vài cuốn sách lịch sử đọc dưới ánh đèn dầu cũng là đủ cho các thế hệ đi trước.

Hiện tại, nền giáo dục quốc tế đã khai sinh các ngành học mới như Nhân học (Anthropology) hay Quan điểm toàn cầu (Global persepective), đều bao gồm cả lịch sử cùng nhiều môn liên quan, với những phương thức truyền thụ mới. Song, khi xem đi xem lại một đoạn clip ngắn trên mạng xã hội, trong đó có nụ cười rạng rỡ của một nhóm học sinh mẫu giáo mặc áo xanh và đội mũ tai bèo Quân giải phóng miền nam Việt Nam, hò nhau đẩy mô hình một chiếc xe tăng húc bật tung một cánh cổng sắt, tôi tin rằng thế cũng là đủ để những em bé ấy được thật sự đắm mình trong lịch sử, để từ đó thêm yêu Tổ quốc này. Như những em bé Nga vẫn nối nhau có mặt ở Quảng trường Đỏ trong Ngày Chiến thắng hằng năm, mặc quân phục Hồng quân Liên Xô, đứng nghiêm chào từng đoàn chiến sĩ diễu qua…