NHẠC SĨ VĂN CAO

Nụ cười mỉm giữa những ngày bình lặng

“Khi viết xong bài Mùa xuân đầu tiên, ông gọi con gái lên đánh đàn cùng. Hai bố con cùng đàn, hát cho tôi nghe. Tôi ngồi bên cạnh. Tôi là người đầu tiên được nghe ca khúc ấy: Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người, Từ đây người biết yêu người”... Trong căn phòng khách tầng hai ngôi nhà 108 Yết Kiêu vốn luôn được nhắc nhớ như một địa chỉ văn hóa của Hà Nội, bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân nhạc sĩ Văn Cao chầm chậm hồi tưởng quá khứ. Ngoài tuổi 90, gương mặt vẫn còn lưu những đường nét của một giai nhân phố cổ xưa, bà mường tượng về chồng, cứ như năm tháng mới vừa qua đây...
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sỹ Văn Cao ngày 9-2-1992 - Ảnh Nguyễn Đình Toán
Nhạc sỹ Văn Cao ngày 9-2-1992 - Ảnh Nguyễn Đình Toán

BÀ Thúy Băng kể, chuyện tình của bà và nhạc sĩ Văn Cao bắt đầu từ mai mối. Năm 1945, ái nữ của ông chủ nhà in Rạng Đông Nghiêm Xuân Huyến lần đầu biết tới chàng nhạc sĩ khi anh đến liên hệ in báo Độc Lập. Ông Nghiêm Xuân Huyến còn là chủ bút, từng xuất bản hai tờ báo Con OngBắc kỳ Thể thao. Trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Huyến bị lính Nhật bắt, rồi thủ tiêu sau đó vì phát hiện trong nhà in có truyền đơn của Việt Minh.

Nụ cười mỉm giữa những ngày bình lặng ảnh 1

Nhạc sỹ Văn Cao và vợ - bà Nghiêm Thúy Băng ngày 17-10-1993 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Được người anh họ Nghiêm Bình quản lý nhà in giới thiệu, lại được thêm nhà báo Nguyễn Thành Lê - phụ trách báo Độc Lập vun vào, thiếu nữ con nhà tư sản và anh nhạc sĩ nghèo nên đôi. Khi phía gia đình nhà gái có người thắc mắc, chủ rể hơn cô dâu tới 6, 7 tuổi, liệu có đúng còn độc thân, chính nhà báo Nguyễn Thành Lê (người sau này có nhiều năm đảm trách cương vị Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đã đứng ra bảo lãnh. Năm 1947, hai người kết hôn, sau đó cùng nhau tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, gắn bó cuộc đời với người nhạc sĩ tài hoa và có nhiều cống hiến bậc nhất của âm nhạc cách mạng Việt Nam, bà Thúy Băng đã nhuần nhuyễn vào vai người phụ nữ đảm đang, vun vén gia đình, làm chỗ dựa cho chồng trong mọi khúc quanh của cuộc đời. Bà sinh hai người con trai đầu, họa sĩ Văn Thao và Nghiêm Bằng trên Việt Bắc. Hòa bình lập lại về Hà Nội, bà đẻ liền thêm ba người con nữa, hai gái một trai. Ba đứa con nhỏ nối nhau ra đời trong một thời gian ngắn, bà Nghiêm Thúy Băng một tay xoay trở, gan góc đi qua những tháng ngày gian khó nhất. Tình yêu một đời người được đúc kết thành những câu thơ, bà nói “là ông tặng bà”: Giữa những ngày bình lặng, Chỉ còn khuôn mặt em, Sáng trong và bình lặng..., Trên đường đi, khuôn mặt em làm giếng, Để anh tìm lấy đáy ngọc châu, ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng, Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.

Nụ cười mỉm giữa những ngày bình lặng ảnh 2

Vợ chồng nhạc sỹ Văn Cao cùng bạn bè ngày 23-11-1994 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Có khoảng thời gian dài sống và làm việc trên miền núi, nỗi nhớ vùng cao, nỗi nhớ màu xanh của rừng, của quần áo bà con dân tộc còn trở đi trở lại ở hội họa Văn Cao. Trong nỗi nhớ của bà, “Anh Văn Cao", bà vẫn luôn gọi ông như thế: "Anh Văn Cao sống với nội tâm bên trong, không hay bộc lộ cảm xúc, thích gì cũng chỉ cười mỉm. Một thời gian dài không viết nhạc, ông chăm vẽ tranh. Nhà luôn sẵn toan, thuốc vẽ ở bên cạnh. Những lúc thích, ông căng toan ra vẽ. Con gái, cô này này - Nga - thường ngồi đánh đàn cho bố vẽ”, bà chỉ vào bức ảnh gia đình, giới thiệu từng thành viên... Ngoài gia tài âm nhạc khổng lồ, là một trong 5 nhạc sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 (cùng các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước), Văn Cao còn có sự nghiệp thơ ca và hội họa cũng đọng lại nhiều dấu ấn. Ngay trên báo Độc Lập, nhạc sỹ Văn Cao từng ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Họa sĩ Nghiêm Thành - người con trai thứ đang ở cùng bà Thúy Băng tại ngôi nhà 108 Yết Kiêu tiết lộ, tranh Văn Cao hiện lưu lạc tại nhiều nước, đang có trong bộ sưu tập cá nhân của nhiều nhà sưu tầm vốn là bằng hữu, bạn bè hoặc người hâm mộ nhạc sĩ. Có những người sở hữu tranh rồi giấu biệt, không công khai. Đó cũng chính là một khó khăn mà gia đình gặp phải khi có dự định giới thiệu bài bản hơn về hội họa Văn Cao với công chúng đương thời. Bản thân bà Thúy Băng cũng có ba bức chân dung ông vẽ bà mà trước đây, ai có trả giá nào nhạc sĩ cũng không bán. Ba bức chân dung ấy, bà Thúy Băng cười, gia đình cũng đang cất kỹ, vì sợ mất, sợ người ta thấy lại... đòi mua.

Nụ cười mỉm giữa những ngày bình lặng ảnh 3

Nhạc sỹ Văn Cao ngày 14-8-1991 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đầu những năm 80 thế kỷ 20, nhất là quãng từ năm 1988, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, âm nhạc của Văn Cao được phổ biến rộng rãi trở lại, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Thiên Thai, Trương Chi... qua tiếng hát của nữ NSƯT Kim Ngọc; Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam... được giọng nam cao tuyệt đẹp của NSND Quý Dương truyền tải... đã lan tỏa niềm lâng lâng xúc động trong đời sống văn nghệ nước nhà những ngày đầu đổi mới. Âm nhạc Văn Cao, dù là tình ca hay những khúc tráng ca hào hùng, đều chiếm được cảm tình của số đông. Riêng bà Thúy Băng bảo rằng, nhạc của ông, bà thích nhất bài Đàn chim Việt: “Những năm trước còn khỏe, tôi cũng hay hát lắm”. Đàn Chim Việt cũng là cái tên được chọn làm chủ đề cho chương trình nghệ thuật có quy mô lớn kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao vào 20/8. Chương trình được tổ chức quy mô, hoành tráng tại địa điểm hy hữu: Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường Nhà hát Lớn. Chính tại vị trí giàu biểu tượng ấy, ngày 17/8/1945, bài Tiến quân ca tràn đầy khí thế đã cất lên trước rừng người hừng hực. Chiều mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Tiến quân ca, tức Quốc ca của nước Việt Nam độc lập đã tiếp tục nổi sóng bởi dàn quân nhạc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trong thời khắc lịch sử, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nụ cười mỉm giữa những ngày bình lặng ảnh 4

Nhạc sỹ Văn Cao bên bạn bè ngày 6-5-1993 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Sinh năm 1923 tại Hải Phòng (Sinh ra tôi đã có Hải Phòng), quê gốc tại Nam Định, trong cuộc đời 72 năm của mình, nhạc sĩ Văn Cao đã để lại một di sản văn nghệ, nhất là âm nhạc đồ sộ. Giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao luôn mang dấu ấn tiên phong, vượt lên trước thời ông sống. Theo họa sĩ Nghiêm Thành, còn một mảng sáng tác nữa ngoài ca khúc, là khí nhạc, nhưng tiếc rằng đã bị thất lạc rất nhiều. Do hoàn cảnh thiếu thốn lúc đó, do hạn chế các thiết bị sao chép và cả khâu lưu trữ, bảo quản không theo sát kịp thời, nên nhiều tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Văn Cao chưa thể nào tìm lại được. Ngày 10/7/1995, bức tường mặt tiền trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) treo một tấm băng-rôn thông báo tin buồn: Nhạc sĩ Văn Cao từ trần. 28 năm sau ngày ông ra đi, cây đàn piano, có những phím đàn đã cất lên giai điệu dặt dìu Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết năm 1976 - mùa xuân đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất - vẫn được đặt trong phòng khách ngôi nhà 108 Yết Kiêu. Con gái ông, và cả các cháu ngoại, có dịp lại trở về, làm thức dậy các giai điệu của ông trên chính cây đàn ấy, trong chính không gian ấy. Văn Cao là một tài năng - một nhân cách - một tầm vóc - một số phận lớn của thế kỷ 20 và đã sang đến thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, tài năng của ông, cống hiến của ông, cuộc đời của ông vẫn nhận được nhiều, rất nhiều sự quan tâm, yêu mến từ công chúng rộng rãi...

Nhạc sĩ Văn Cao đã được trao tặng và truy tặng nhiều huân huy chương, giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, Huân chương Ðộc lập hạng Ba...