Nỗi trăn trở của đội bóng phố núi

Sau vòng 13 V.League 2023, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức nằm ở tốp 6 đội cuối bảng xếp hạng, đồng nghĩa với việc phải chạy đua tránh suất xuống chơi giải hạng Nhất mùa tới. Đó là một nốt trầm đáng buồn với HAGL nhưng xét cho cùng lại hợp lý với màn trình diễn của thầy trò HLV Kiatisak.
0:00 / 0:00
0:00
HAGL (áo xanh) phải đua trụ hạng sau giai đoạn 1 V.League 2023. Ảnh: Hiền Nguyễn
HAGL (áo xanh) phải đua trụ hạng sau giai đoạn 1 V.League 2023. Ảnh: Hiền Nguyễn

Sau khi nhận thất bại 1-2 trước sự vượt trội của Topenland Bình Định, đội bóng phố núi đã phải chấp nhận vào nhóm đua trụ hạng cùng với Sông Lam Nghệ An, Khánh Hòa, Đà Nẵng, CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Cuộc chiến trụ hạng ở giai đoạn này hứa hẹn rất căng thẳng khi chỉ có một suất phải xuống hạng và các đội bóng đều ở thế “chân tường”. Trong đó, Sông Lam Nghệ An là đội có ưu thế lớn nhất với 16 điểm, hơn đội cuối bảng Bình Dương 9 điểm. Theo lý thuyết, chỉ cần giành tối thiểu 7 điểm ở giai đoạn 2, đội bóng xứ Nghệ sẽ trụ hạng. Còn HAGL có được 14 điểm, cách đội cuối bảng 7 điểm. Giai đoạn trụ hạng chỉ có 5 vòng đấu nên việc hơn 7 điểm cũng là lợi thế của đội bóng phố núi.

Song, trong bóng đá thì không thể nói trước điều gì và 7 điểm chưa chắc đã an toàn nếu HAGL vẫn giữ phong độ bất ổn như đầu mùa. Kết thúc giai đoạn 1, HAGL chỉ có được đúng 2 chiến thắng, hòa đến 8 trận và để thua 3. Có một thống kê đầy nghịch lý của đội chủ sân Pleiku, đó là giành tới 8 điểm từ 4 đội dẫn đầu, nhưng chỉ được 6 điểm khi gặp các đội còn lại. Đáng nói, trong 5 đội phải cạnh tranh ở giai đoạn 2, HAGL không thể giành chiến thắng trước bất cứ đội nào khi hòa 4 và để thua Sông Lam Nghệ An tại giai đoạn 1, dù được đánh giá cao hơn. Ngoài ra, hàng thủ của HAGL cũng đang nhận thống kê đáng báo động khi đang là 1 trong 5 hàng thủ tệ nhất của giai đoạn 1 với 16 bàn thua.

Tuy nhiên, nỗi trăn trở của thầy trò HLV Kiatisak vẫn là câu chuyện tham vọng, kỳ vọng so với thực tế. HAGL luôn được người hâm mộ đặt niềm tin rằng họ sẽ có thành tích tốt, không đua vô địch thì cũng phải có được vị trí trong tốp 5 đội dẫn đầu. Là đội bóng mà thương hiệu tạo nên sức hút lớn ở V.League khi sớm định hướng về công tác đào tạo, sử dụng cầu thủ trẻ và nhiều có trụ cột ở đội tuyển quốc gia, do đó đội chủ sân Pleiku luôn nhận được sự kỳ vọng rất lớn ở mỗi mùa giải. Đã từng có giai đoạn “cơn sốt” HAGL khiến khán giả đến kín khán đài, tràn xuống đường pitch dù đá trên sân khách.

HAGL đã 2 lần vô địch V.League vào năm 2003, 2004 và có vị trí khá ổn định ở nửa trên bảng xếp hạng. Thế nhưng, kể từ năm 2010, khi lứa cầu thủ trẻ đầu tiên được đôn lên đội 1, thành tích của đội chủ sân Pleiku ngày càng đi xuống. Thứ hạng cao nhất là đứng thứ 3 (2013) và việc ở nửa sau bảng xếp hạng diễn ra thường xuyên (thấp nhất là hạng 13 ở mùa giải 2015). Năm 2021, tưởng như HAGL đã làm nên chuyện ở mùa giải đầu tiên cùng Kiatisuk khi dẫn đầu sau 12 vòng, nhưng đáng tiếc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mùa giải bị hủy giữa chừng. Năm 2022, dù đầy đủ các ngôi sao quan trọng nhất, họ cũng chỉ có thể kết thúc ở vị trí thứ 6.

Nỗi trăn trở của đội bóng phố núi ảnh 1
Ảnh: VPF

Đến năm nay, thêm một mùa giải người hâm mộ phải chứng kiến HAGL chạy đua trụ hạng. Việc chia tay hàng loạt trụ cột như Công Phượng, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn, Xuân Trường đã khiến chất lượng đội bóng suy yếu đáng kể. Minh Vương, Tuấn Anh và Châu Ngọc Quang là những gì tốt nhất trong tay nhà cầm quân người Thái. Với một tập thể non nớt và thiếu các ngoại binh chất lượng, cũng không thể đòi hỏi HLV Kiatisak có thể làm tốt hơn hay mơ về thành tích cao hơn.

Vài năm trước, trên Facebook cá nhân tiền vệ Minh Vương đã từng bông đùa: “Dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Câu nói ấy đến thời điểm này vẫn được người ta nhắc đến như một nỗi buồn khi nói về HAGL. Bầu Đức liên tục khẳng định, HAGL không đá vì thành tích, trung thành với triết lý làm bóng đá đẹp, chỉ chơi vì người hâm mộ và đóng góp cho đội tuyển Việt Nam. Cứ vậy, HAGL dần đánh mất đi tham vọng khi mà thua cũng không sao hết. Cũng như chia sẻ của HLV Kiatisak hồi đầu mùa, lý do mà ông sử dụng nhiều cầu thủ trẻ là để ông bầu... tiết kiệm tiền! Như thế, việc HAGL đua trụ hạng cũng chẳng có gì là thảm họa. Thế nhưng, đời cầu thủ ai chẳng muốn lên ngôi ở đấu trường cao nhất, một phần vì lẽ đó nên nhiều trụ cột của HAGL sau khi hết hợp đồng đã chuyển sang những đội bóng có tham vọng hơn. Và có lẽ nếu HAGL không quá nổi tiếng rồi gieo mầm hy vọng cho người hâm mộ, thì họ đã không trở thành nỗi trăn trở như bây giờ.