Nỗi lo tai nạn đường biển

NDO - Với 3.000 km bờ biển và nhiều hải cảng có vị trí thuận lợi là thế mạnh để ngành Hàng hải Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình tai nạn hàng hải do đâm va hoặc các sự cố liên quan đến tàu biển làm hư hỏng, chìm đắm, gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả chết người tương đối phổ biến. Tìm nguyên nhân, đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường biển là việc làm có ý nghĩa khoa học và thiết thực.
Cảng Hải Phòng thường xuyên có tàu lớn ra vào, neo đậu đã được trang bị hệ thống AIS.
Cảng Hải Phòng thường xuyên có tàu lớn ra vào, neo đậu đã được trang bị hệ thống AIS.

NGUYÊN NHÂN KHÔNG MỚI

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tình hình tai nạn hàng hải (TNHH) trong năm 2011 và tám tháng đầu năm 2012 vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Trên cả nước đã xảy ra tổng cộng hơn 100 vụ TNHH, làm chết và mất tích 22 người. Tăng 17 vụ so với năm trước. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm 2012 đã xảy ra hơn 40 vụ TNHH làm chết và mất tích hơn 10 người; phá hủy nhiều tàu, thuyền cùng nhiều hàng hóa trị giá khác.

Điều đáng nói, những vụ tai nạn này đều xuất phát từ những nguyên nhân không mới và ngành Hàng hải Việt Nam nhiều năm trở lại đây vẫn “loay hoay” tìm lời giải. Theo kết quả điều tra, trong tổng số hơn 40 vụ tai nạn xảy trong tám tháng đầu năm 2012, có tới 29 vụ tai nạn xảy ra do yếu tố con người (chiếm 80,55%), bao gồm 21 vụ đâm va, năm vụ va chạm và ba vụ mắc cạn. Trong 29 vụ nói trên thì có tới 21 vụ TNHH liên quan đến các phương tiện thủy dưới 1000 GT và tàu cá.

Điển hình, như vụ TNHH vào ngày 9-4-2012, giữa tàu công-te-nơ Trường Hải Star, quốc tịch Việt Nam với tàu Krairatch Dignity, quốc tịch Thái-lan tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm chìm 66 công-te-nơ hàng hóa. Hay vào ngày 17-6, tàu Nhật Thuần đang neo đậu cách mũi Vũng Tàu khoảng 4,5 hải lý về phía Tây Nam đã bị cháy, nổ làm tàu chìm, mất toàn bộ tài sản, hàng hóa, ba thuyền viên chết và mất tích. Mới đây nhất, vào sáng ngày 3-11-2012, tàu HP 09 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại vận tải Hải Phòng có địa chỉ tại 341 đường Đà Nẵng, Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trên tàu có 12 thuyền viên, đang hành trình chở 2.000 tấn xi-măng từ cảng Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh đến cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam đã bị cháy buồng máy khi cách Đà Nẵng khoảng 25 hải lý về hướng Đông Bắc. Trước tình huống khẩn cấp này, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 274 đang thường trực tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II ở Đà Nẵng đi cứu nạn. Đến 10 giờ, tàu SAR 274 đã tiếp cận, tiến hành biện pháp để chống cháy, nổ tàu đồng thời đón các thuyền viên tàu HP 09 sang tàu SAR 274.

Đại tá Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNHH chủ yếu là do yếu tố chủ quan của con người. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan khác như sóng to, gió lớn, dòng chảy tác động vào hệ thống dây buộc tàu có thể làm dây buộc tàu bị đứt, con tàu chuyển động ra khỏi vị trí của nó và có thể dẫn đến đâm va. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tai nạn hàng hải, đó là do hoa tiêu rời bỏ tàu sớm, không đúng nơi quy định. Trong trường hợp như vậy, thuyền trưởng tàu nước ngoài thường do “lạ nước lạ cái”, không biết đường đi, chỉ cần loay hoay một lúc, đi sai luồng lạch là tàu bị mắc cạn hoặc đâm va. Bên cạnh đó, một số tàu đánh cá hiện nay ở nước ta máy móc đã cũ kỹ, hay hỏng hóc cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn...”.

Đi tìm lời giải về những nguyên nhân gây ra TNHH, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ông Đỗ Đức Tiến cho biết, hiện nay đội ngũ thuyền viên được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên trình độ của người đi biển và kỹ năng hàng hải của họ khác nhau, khả năng xử lý, phán đoán và giải quyết các tình huống cũng khác nhau và điều này ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến an toàn của tàu. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hàng hải ngày càng hiện đại, các phương thức thông tin liên lạc ngày càng tối tân, một số sĩ quan lại quá phụ thuộc vào các trang thiết bị mà quên đi các kỹ năng hàng hải cổ điển tuy sai số có thể lớn nhưng độ tin cậy cao hơn. Hoặc do các thuyền viên chưa nắm vững hoàn toàn các thông tin, đặc tính của con tàu mà mình đang điều khiển. Ngoài ra, do năng lực chuyên môn của các thuyền viên chưa đáp ứng đầy đủ vị trí công tác đảm nhận và do quá trình hoạt động khai thác tàu biển thường dài ngày, có thể tạo ra tâm lý căng thẳng làm cho người điều khiển phương tiện dễ xuất hiện cảm giác mệt mỏi, mất tập trung trong khi làm việc dẫn đến TNHH.

CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Trước thực tế TNHH gia tăng đến mức báo động, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến cho rằng, để hạn chế xảy ra TNHH, vấn đề giáo dục ý thức cho thuyền viên và người điều khiển tàu trong việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải phải được đặt lên hàng đầu.

Nhằm hạn chế tai nạn hàng hải, trong thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề ra rất nhiều biện pháp như trang bị thiết bị AIS - hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, có chiều sâu và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Hướng dẫn hàng hải và cảnh báo nguy cơ mất an toàn trên một số tuyến luồng tàu biển và những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn...

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Tai nạn đâm va trong hàng hải là điều khó có thể loại trừ hoàn toàn. Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất và ngăn ngừa các TNHH, chúng ta nên cần tập trung những nhóm giải pháp mang tính chiến lược sau đây: Nâng cao năng lực cho đội ngũ sĩ quan, thuyền viên trên tàu, đồng thời thường xuyên tổ chức huấn luyện, bổ túc cập nhật cho đội ngũ sĩ quan, thuyền viên; bố trí nhân sự đúng khả năng chuyên môn; luôn cải tiến, cập nhật chương trình, nội dung giảng dạy trong các trường đào tạo và huấn luyện thuyền viên, bảo đảm sinh viên, sĩ quan thuyền viên sau khi tốt nghiệp có đủ trình độ chuyên môn, tác phong hàng hải, ngoại ngữ và sức khỏe. Ngoài ra cần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy tại các trường đào tạo hàng hải... Có như vậy TNHH mới được kiềm chế.