Nở trong giá rét

Làm sao để niềm tin được tạo ra và duy trì thật giản dị như khi mua một cành đào toàn nụ trong trời giá rét, và một ngày xuân ấm áp, sẽ ắt nở bừng rực rỡ những đài hoa?
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở diễn Đêm trắng. Nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam
Một cảnh trong vở diễn Đêm trắng. Nguồn: Nhà hát Kịch Việt Nam

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng, nhưng cũng lại có muôn hình vạn trạng dẫn chứng. Thí dụ rõ ràng nhất chính là những tôn giáo và tín ngưỡng, hay lý tưởng xã hội của các nhà cải cách và nhà cách mạng trong lịch sử. Những hoạt động tinh thần hay những cuộc biến chuyển thành công đều nhờ một cộng đồng chia sẻ niềm tin lớn lao.

Theo lịch sử được ghi lại trong cuốn sử ký hay liệt truyện của người Việt, những lần các vương triều rơi vào suy vong hoặc gây ra mầm mống rạn nứt cũng bắt đầu từ tình trạng vua nghi kỵ công thần, hoặc xã hội đi đến cảnh con người không dám tin người lạ. Lễ thề ở đền Đồng Cổ được nhà Lý bắt đầu nhằm buộc các thân vương cam kết trung thành với quân chủ, sau đó là với xã tắc. Đồng Cổ, nghĩa là trống đồng, một nhạc cụ từ thuở các nền văn minh lưu vực sông Hồng và sông Mã có niên đại hai thiên niên kỷ trước, có lẽ vẫn phổ biến ở thời Lý-Trần. Sức mạnh đoàn kết của các triều đại từng làm nên thời thịnh trị của Đại Việt qua biểu tượng trống đồng gây ấn tượng cho người ngoại bang, như đôi câu thơ của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên: "Kim qua ảnh lý đan tâm khổ/Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" (Ánh giáo sắt khiến tim đau/Tiếng trống đồng làm tóc bạc).

Mùa đông năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly ép nhà Trần dời đô về Tây Đô (Thanh Hóa) và tiến hành một loạt cải cách, gây nhiều xáo trộn nhân tâm. Hai năm sau, vua Thuận Tông bị giết, ngay sau đó Hồ Quý Ly tiến hành tổ chức lễ minh thệ ở đền Đồng Cổ mới xây tại Đốn Sơn (Tây Đô) thay cho đền cũ ở Đông Đô (tức Thăng Long) để các quan thề trung với vua; ông muốn thực tế kiểm chứng sức mạnh quyền lực của mình. Các tông thất và quan lại cựu triều không phục, tìm cách ám sát Hồ Quý Ly. Âm mưu bị bại lộ, 370 người bị giết chết. Đại Việt sử ký toàn thư chép về không khí sau đó: "Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ, thì phải báo nhà láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lĩnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa" (Kỷ nhà Trần, bản dịch của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Tất nhiên, triều Hồ chỉ tồn tại ngắn ngủi và không đủ sức chống đỡ cuộc xâm lược của nhà Minh. Lý do cơ bản như nhiều ngữ liệu và nghiên cứu chỉ ra, lòng dân không tin. Bình Ngô đại cáo, tuyên ngôn của Lê Lợi được Nguyễn Trãi chấp bút sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, đã đánh giá: "Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận" (bản dịch của Ngô Tất Tố). Chính những người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cũng cho thấy, họ vượt qua được mọi khó khăn của cuộc kháng chiến mười năm chính là nhờ duy trì một lòng tin "nhân dân bốn cõi một nhà" và "tướng sĩ một lòng phụ tử". Câu chuyện niềm tin này còn tiếp tục đem lại một bài học của chính triều đại mới khi Lê Thái Tổ ở ngôi vua, lại nghi kỵ các công thần từng nếm mật nằm gai trong cuộc chiến đấu trước đó, kết quả là Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn bị giết hoặc phải tự tử, Nguyễn Trãi thì cảm thấy mình bị thất sủng. Dường như vấn đề muôn thuở ở đây là niềm tin bị bắt làm con tin khi con người ở trong vòng kiềm tỏa của quyền lực.

★★★

Ở đời sống thường nhật, niềm tin là một loại vốn xã hội vẫn được huy động trong nền kinh tế hàng hóa. Nhiều khái niệm liên quan có tự vị "tín" (tức là tin cậy) như tín chấp, tín dụng, quỹ tín thác, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp… biểu đạt cho những hình thái giao dịch chỉ thành công dựa trên niềm tin và độ tin cậy của chúng. Không ai đầu tư nếu thấy niềm tin quá đỗi mong manh hoặc rủi ro cao. Nhưng sự thật là nhiều đổ vỡ tài chính lại từ sự thiếu vắng độ tin cậy của các dịch vụ. Người ta phải dùng rất nhiều ràng buộc kỹ thuật hay bảo hiểm từ bên thứ ba để bảo đảm cho "tín dụng" không chỉ là mớ giấy lộn.

Tuy nhiên, niềm tin trong đời sống có khi cũng chưa cần đến mức độ phức tạp kiểu đầu tư tài chính hay ngân hàng. Vẫn liên quan tiền nong nhưng ở cấp độ đi chợ hằng ngày, đơn giản như cái cân của người bán hàng: Thời xưa đã có chuyện cổ tích cái cân thủy ngân, đại ý người bán hàng làm cái quả cân rỗng, đổ thủy ngân vào để điều chỉnh cho mình luôn có lợi. Thời bao cấp, cái cân mậu dịch luôn là một quyền lực phức tạp mà dường như chỉ cô mậu dịch viên mới nắm rõ quy tắc sử dụng. Thời nay, cái cân đã ít ám ảnh người mua hơn khi cân điện tử phổ biến, vả lại người bán hàng vẫn cần bảo đảm uy tín để giữ chân khách trong cảnh thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, một vấn đề khác của lòng tin lại nảy sinh: Mức độ sạch của rau quả. Việc có những siêu thị niêm yết "rau sạch" với giá đắt song lại chỉ là thứ chẳng qua kiểm định gì, dĩ nhiên không phải chuyện bất ngờ, nhưng chính điều ấy giáng thêm một cú "knock-out" vào niềm tin èo uột lâu nay về một thứ thực phẩm thật sự an toàn nếu có trên đời.

Hiển nhiên lòng tin cũng không phải cái gì mù quáng và thiếu cơ sở, để nhắm mắt lao theo. Xã hội đương đại lưu truyền một câu thông tục: "Có mà đi bằng niềm tin", nhằm giễu cợt những dự định thiếu cơ sở thực tế hoặc bất khả thi. Niềm tin vào một công việc, một tương lai còn có nghĩa là hàm chứa khả năng điều chỉnh, tiến bộ.

Gần đây, tôi xem một số vở kịch của thập niên 80 của thế kỷ trước được dựng lại ở các nhà hát danh tiếng như Nhà hát Kịch Việt Nam hay Nhà hát Tuổi Trẻ, trong đó, các nhân vật hay nhắc đến lòng tin. Tin ở người khác, có lẽ là một điều hiển nhiên trong một xã hội mà lòng tin là thứ căn bản tạo dựng cộng đồng. Khi các nhân vật kịch nói nhiều về lòng tin, dường như xã hội đang bị thiếu vắng và mỗi vở kịch là một nỗ lực khơi lại. Một thế giới của niềm tin được vang lên qua những thoại kịch, từ lời Chủ tịch nước nói với phạm nhân là một cán bộ cao cấp trong Đêm trắng (kịch bản Lưu Quang Hà): "Bác không đòi chú trả lại vàng bạc chú đã biển thủ, chỉ đòi chú trả lại cho Cách mạng lòng tin" cho đến một "Người tốt nhà số 5" (cũng là tên vở kịch của Lưu Quang Vũ) sẵn sàng thực hiện những điều tốt cho mọi người để giữ được lòng tin của họ nơi anh, cho dù chính họ cũng có khi lung lay niềm tin đó. Nhưng làm thế nào để những niềm tin ấy không chỉ sống trên sân khấu mà còn ở đời thực?