Những thông điệp nhân văn về chiến tranh

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Một viết về đề tài chiến tranh vừa chính thức ra mắt độc giả. Tuy nhiên không tiếp tục đi theo lối viết huyền ảo vốn đã ghi dấu trong lòng bạn đọc từ thành công của các tác phẩm trước đó, cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Một đã chọn cách khai phá mảnh đất hiện thực của chính mình, với những thông điệp nhân văn về chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Những thông điệp nhân văn về chiến tranh

Sinh năm 1964, tuổi thơ của Nguyễn Một đã sớm phải chứng kiến sự khốc liệt của cảnh bom rơi đạn nổ. Cha mẹ anh - những dân thường, không may trở thành những nạn nhân của chiến tranh: người cha bị trúng đạn chết khi anh chỉ mới là thai nhi ba tháng tuổi trong bụng mẹ. Năm anh 4 tuổi, người mẹ cũng qua đời do một viên đạn bắn xuyên qua đầu trong lúc đang ngồi ôm con. Đứa bé ấy chính là Nguyễn Một. Dù muốn hay không những ký ức đau thương về chiến tranh luôn hằn sâu trong tâm hồn của nhà văn ngay từ những năm tháng ấu thơ còn nhiều ngơ ngác, hụt hẫng vì thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ, và tiếp tục được bồi đắp dầy thêm qua hồi ức của những người thân gửi gắm lại nơi anh. Có lẽ chính bởi điều ấy đã thôi thúc Nguyễn Một viết nên tác phẩm của chính mình về một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên nhà văn Nguyễn Một không chọn cách viết về chiến tranh qua những chiến dịch quy mô, hoàng tráng, những trận công đồn nảy lửa, mà anh chọn góc nhìn từ những thân phận người dân bình thường không may bị rơi vào giữa vòng xoáy của chiến tranh, với bối cảnh chính là vùng ven Sài Gòn trước năm 1975. Những nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Một vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của cuộc chiến. “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” có thể coi như một phần ký ức vẫn còn nóng hổi hơi thở của cuộc sống được nhà văn chia sẻ với độc giả bằng lối viết hiện thực thông qua những trải nghiệm của chính bản thân, vừa dung dị, mộc mạc nhưng cũng chất chứa nhiều khoảng lặng day dứt. Chính điều này tạo sự khác biệt và sức lôi cuốn cho tác phẩm.

Cuốn tiểu thuyết được mở đầu với bối cảnh hiền hòa, thanh bình của mảnh đất Cù Lao thuộc thị xã Thủ Biên, nằm cạnh sông Đồng Nai, chàng thanh niên Sơn đưa cô bạn mà anh thầm thương trộm nhớ là Diễm đi dự một ngày lễ quan trọng trong mùa chay của đạo Công Giáo. Nếu không có chiến tranh, câu chuyện tình lãng mạn của chàng trai nông thôn lên thành phố trọ học, đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị hẳn sẽ có một thiên tình sử đẹp và một kết thúc có hậu. Nguyễn Một đã đưa người đọc bước vào không gian của một cuộc chiến khốc liệt bằng cách thức như vậy. Nhờ vậy người đọc được từng bước nhập cuộc, cùng quan sát, ngẫm ngợi, nghĩ suy... trong vai trò như một “siêu nhân vật” của tác phẩm.

Người đọc cảm nhận rất rõ sự mong manh, bất ổn của những giây phút thanh bình giữa đôi trai gái. Bóng ma chiến tranh đang bủa vây họ. Hơi thở của cuộc chiến như làn khí độc len lỏi vào đời sống của Sơn, Diễm và tất cả những người dân nơi đây. Không ai có thể sống yên ổn. Những mối tình ngây thơ vừa mới chớm nở đã mang đầy những dự cảm bất trắc, tai ương.

Chiến tranh xảy ra, cho dù người dân hiền lành vốn quen sống cuộc đời bình yên nơi miệt vườn không muốn quan tâm, thậm chí muốn tránh xa nó thì không khí u ám, tang tóc của cuộc chiến vẫn hiện diện ở đó, đánh động họ, thúc bách, dồn ép họ. Những thanh niên sau khi trượt kỳ thi tú tài lập tức bị bắt đi lính, khoác lên mình sắc áo của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong khi vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao mình phải tham gia cuộc chiến? Nhiều người đã tìm cách trốn chạy chiến tranh bằng cách nại ra lý do gia cảnh hoặc thương tật. Thậm chí có người sẵn sàng chặt đứt ngón tay để không phải cầm súng ra trận.

Không muốn bị lôi cuốn vào cuộc chiến, nhân vật Sơn đã tìm mọi cách để trốn quân dịch bằng việc bỏ quê nhà ở miền trung để vào nam trọ học. Chấp nhận cuộc sống có phần tù túng trong căn phòng áp mái của gia đình một người quen vốn là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa nhưng Sơn vẫn không thể yên ổn. Sau khi bị truy bắt gắt gao anh đã phải tìm đường lánh vào một Tòa thánh ở Tây Ninh để ẩn mình. Nhưng rồi như rất nhiều bạn bè mình, Sơn không thể “vô can” mà đã bị cuộc chiến lôi vào cuộc, để rồi mỗi ngày phải tận mắt chứng kiến sự khốc liệt rợn người: “Khi pháo kích kết thúc, cả thị xã Thủ Biên chìm trong tiếng khóc than, chìm trong tiếng tụng kinh, chìm trong mùi nhang khói, mùi khét lẹt của những xác người trúng đạn pháo tạo nên thứ mùi khủng khiếp của chiến tranh mà bất kỳ ai chưa từng trải qua không thể, mãi mãi không thể hình dung được. Những đoàn xe chở tử sĩ, những đoàn xe chở lính người Việt, lính Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân và cả lính Thái Lan chạy sầm sập trên các đường phố” (tr.66).

Những người dân thị xã, ngay cả không phải trong những điểm nóng quân sự thì chiến tranh cũng không còn mơ hồ, xa xôi nữa. Dự cảm về những tai ương phía trước đã dần trở thành hiện thực. Tin tức chiến sự ngày càng dồn dập, những quả phụ trẻ khăn tang trắng bồng con đi lĩnh tiền tử tuất ngày một đông hơn, những thương phế binh chiều chiều chống nạng tìm đến quán rượu giải sầu và chửi thề ngày một nhiều hơn... Không khí chán ghét chiến tranh ngày càng gia tăng trong các đô thị miền nam. Để phản đối chiến tranh không ít thanh niên trong vùng bị Mỹ, ngụy chiếm đóng đã tham gia phong trào hippie, mặc sức quậy phá, không cần biết đến ngày mai. Gia đình của Sơn rơi vào cảnh éo le: nhà có năm anh em trai thì hai người theo Việt Cộng, hai người đi lính Quốc gia.

Một thế hệ thanh niên với những đại diện là Sơn, Tâm, Trang, Diễm,... sinh ra giữa thời loạn lạc, họ chẳng khác nào như những chiếc lá bị cuốn vào cơn lốc của chiến tranh, dù có muốn trốn tránh, cưỡng lại bằng mọi cách thì cũng không thể nào thoát ra được. Thậm chí càng cố vượt thoát, họ càng bị cơn lốc ấy làm cho bầm dập nhiều hơn, đau đớn hơn, mất mát nhiều hơn. Để rồi vừa mới đây họ còn như những chiếc lá xanh đầy nhựa sống, đầy khao khát nhưng chỉ một thời gian ngắn kể từ khi bị hút vào vòng xoáy chiến tranh, những tổn thương, mất mát bi thương mà cuộc chiến gây nên đã biến họ thành những chiếc lá cạn dần nhựa sống và ngổn ngang trên mình đầy thương tích.

Chính từ việc tái hiện thân phận những con người cụ thể bị hút vào dòng xoáy của chiến tranh nhà văn đã giúp người đọc cảm nhận rõ hơn vận mệnh của đất nước trong những năm tháng ấy, để rồi đánh thức lương tri trong mỗi người. Xét cho cùng chúng ta là ai, chúng ta phải làm gì để ngăn chặn những mất mát, đau thương này? Vậy nên hoàn toàn có lý khi nhận định rằng những bi kịch mà nhà văn Nguyễn Một đề cập trong cuốn sách nêu ra để giúp con người nhận diện rõ hơn chân bản tính và cảm nhận rõ hơn sự mất mát của chiến tranh. Qua đó tinh thần nhân văn, lòng nhân ái được đánh thức trong mỗi con người.

Với lối viết hiện thực, dày đặc chi tiết và sự kiện, nhà văn Nguyễn Một cũng rất có chủ ý khi đưa nhiều trích dẫn thơ, văn, âm nhạc của các tác giả có thật trong giai đoạn cuộc chiến đang ở thời kỳ cam go nhất, nhờ vậy độc giả có cảm giác đang sống trong hồi ức của một nhân vật có thật, với những số phận được tái hiện hết sức sống động. Chọn cách viết này, nhà văn Nguyễn Một thể hiện rất rõ mong muốn của mình là giúp những người trẻ hiểu hơn về quá khứ và biết cách ứng xử với tương lai.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đang sống gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Người Mỹ đã rời khỏi đất nước chúng ta rất lâu nhưng có một “chiến trường” vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của những người đã trải qua cuộc chiến khốc liệt. Cho nên trong tim người Việt cuộc chiến tranh vẫn còn những dư âm ở lại tiếp tục tàn phá một phần nào đó trong tinh thần chúng ta. Sau 50 năm, nhà văn Nguyễn Một - một trong những nhà văn thuộc thế hệ sau năm 1975 vẫn phải ngồi xuống để trầm mặc về cuộc chiến tranh đó bằng ký ức, bằng tư liệu, bằng tinh thần, cách nhìn, cảm quan của mình. Và ông đã trở thành một người tham dự chính thức cuộc chiến tranh qua những trang viết của mình. Qua tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” không phải anh nhắc nhở mà đặt chúng ta vào cuộc chiến đó, không phải để bi thương mà để hướng đến tương lai của chúng ta”.

Có thể thấy chính thông điệp nhân văn từ những trang viết của nhà văn Nguyễn Một đã giúp cuốn sách đến gần hơn với độc giả.

Những thông điệp nhân văn về chiến tranh ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Một (giữa) trong buổi ra mắt sách.

Nhà văn Nguyễn Một sinh 1964 tại thôn A Đông, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ mất sớm trong chiến tranh, Nguyễn Một lưu lạc vào tỉnh Đồng Nai từ năm 1975. Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: Truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Năm 2010 tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C của cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ông còn được biết đến với tư cách là nhà văn thiếu nhi với bút danh Dạ Thảo Linh.