Những người “vác tù và” nơi sơn cước

Việc không quy định cứng tỷ lệ trong cấp ủy tạo cơ chế linh hoạt, chủ động, song cũng đặt lên vai những người làm công tác tổ chức trách nhiệm lớn khi chuẩn bị cho giai đoạn phát triển quan trọng tới đây. Đặc biệt, cần giữ được sự hài hòa giữa số lượng và chất lượng của cán bộ là người dân tộc thiểu số - những người “vác tù và hàng tổng” nơi miền sơn cước xa xôi.
Đồng chí Hoàng Quốc Bảo (đứng thứ ba, từ trái qua), Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), một cán bộ người dân tộc Cao Lan, được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ chốt khi còn rất trẻ. Ảnh: ĐỖ HẢI
Đồng chí Hoàng Quốc Bảo (đứng thứ ba, từ trái qua), Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), một cán bộ người dân tộc Cao Lan, được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ chốt khi còn rất trẻ. Ảnh: ĐỖ HẢI

Từ trăn trở ở Vàng San…

Xã Vàng San, những ngày đầu thu... Mưa rả rích nối nhau do hoàn lưu bão khiến cho con đường về với xã vùng cao của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) còn lầy đất sạt lở khó đi hơn. Đón chúng tôi, đồng chí Lường Văn Nhung, Bí thư Đảng ủy xã đi thẳng vào vấn đề “làm sao giữ chân cán bộ”. Anh bảo, “ở đây, khó khăn nhất chắc là việc giữ chân, bố trí, sử dụng cán bộ. Đã không ít trường hợp, vì phụ cấp trách nhiệm quá thấp, điều kiện công tác chưa bảo đảm nên một số cán bộ “bỏ” ra làm ngoài, để lại lỗ hổng nhân sự cho địa phương”.

Minh chứng cho trăn trở của mình, anh Nhung chỉ sang Lò A Chữ và giới thiệu, Chữ là người dân tộc Mảng - dân tộc chiếm đa số ở đây. Được đào tạo khá bài bản chuyên ngành quản lý môi trường, anh hiện là cán bộ bán chuyên trách của Văn phòng Đảng ủy xã diện hợp đồng từ năm 2022, và cũng đã được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trung cấp chính trị theo yêu cầu công việc.

Hằng ngày, Chữ tất tả vượt qua quãng đường hơn 15 km bằng xe máy đi làm. Một thanh niên được đào tạo và có cơ hội cống hiến cho quê hương như em là rất may mắn so bạn bè cùng trang lứa, bởi để có một vị trí bán chuyên trách không hề dễ dàng khi có sự cạnh tranh rất lớn. Chỉ có điều “đi làm nguyên ngày với thu nhâp trên dưới 2 triệu đồng/tháng, trước một mình thì đỡ, giờ đã có vợ nên cũng gặp nhiều khó khăn”, Chữ chia sẻ...

Đến thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, với phương châm “động” và “mở”, Đảng ủy xã đã thực hiện nghiêm túc công tác này trên cả phương diện số lượng, cơ cấu và tỷ lệ. Bí thư Nhung thẳng thắn nói: Nếu “lỗ hổng nhân sự” nêu trên mà chưa khắc phục thì không biết chúng tôi còn giữ chân được cán bộ trẻ như đồng chí Chữ được bao lâu nữa… Không thể yêu cầu các bạn ấy duy trì nhiệt huyết cống hiến, ý chí phấn đấu trong bối cảnh đã có quá nhiều thay đổi được. Thực tế, nhiều bạn trẻ ở địa phương, sau thời gian tập sự đã bỏ đi làm ngoài nhiều lắm…

Khi đại hội Đảng các cấp đang tới gần, đây là thời điểm nước rút của nhiệm kỳ 2020-2025 để huyện Mường Tè thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

“Quan trọng là phải đồng bộ các quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số”, đồng chí Lý A Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè chia sẻ. Dẫn chứng những số liệu thể hiện kết quả tích cực về công tác cán bộ và cả kinh tế-xã hội của địa phương, đồng chí không khỏi trăn trở: “Theo tôi, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có cơ chế cử tuyển và cơ cấu ngành nghề phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn như Mường Tè; để con em các dân tộc đặc biệt ít người như Mảng, Cống, Si La ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được học tập, bồi dưỡng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ địa phương. Và quan trọng nhất là giữ chân được những cán bộ thuộc diện nguồn mà Đảng đã mất công, tốn của bồi dưỡng, đào tạo”.

…Đến chuyện hài hòa cơ cấu và chất lượng

Đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, do số lượng còn ít, mặt bằng chất lượng chung chưa đồng đều… nên ngoài các yêu cầu chung về công tác cán bộ nói trên, cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần phải đặc biệt quan tâm hơn, cần có tầm nhìn, chiến lược, phải lắng nghe, thấu hiểu hơn, phải kịp thời, tăng cường các biện pháp, giải pháp xây dựng, phát triển đối với đối tượng cán bộ này. Như vậy mới có thể xây dựng, tạo nguồn, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng chí Sùng A Nủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu.

Chia sẻ ở góc nhìn người làm công tác tổ chức, đồng chí Sùng A Nủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu phân tích: Ở các địa phương như Lai Châu, rất cần có nhiều cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, vì họ am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương, có thời gian dài gắn bó và trưởng thành ở quê hương của mình, toàn tâm toàn ý, nêu gương trước bà con trong cả công tác lẫn sinh hoạt hằng ngày.

“Cái khó là làm sao để vừa bảo đảm nhiệm vụ chính trị, vừa bảo đảm đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Đơn cử công tác luân chuyển cán bộ, hay yêu cầu người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương, chúng tôi đã phải rà soát, đánh giá đúng đặc điểm tình hình từng vùng mà bố trí cán bộ ở vị trí Bí thư hay Chủ tịch cho hài hòa”, đồng chí Nủ chia sẻ.

Chung mối quan tâm, lãnh đạo các cấp ở nhiều đơn vị, địa phương khác cũng mang nhiều trăn trở, lo lắng về công tác cán bộ, nhất là đội ngũ kế cận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chú trọng phát huy lợi thế của cán bộ người dân tộc thiểu số; tỉnh đã bố trí, sắp xếp các đồng chí cán bộ người dân tộc thiểu số vào những vị trí phù hợp năng lực, sở trường để phát huy lợi thế. Cụ thể như, cán bộ người dân tộc thiểu số có lợi thế am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, do đó có thể xem xét bố trí vào những việc thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân, như: Công tác tuyên giáo, dân vận, tuyên vận, mặt trận, công tác dân tộc…

Trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành gần đây về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ghi rõ: “Tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Theo đồng chí Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, tỉnh luôn quan tâm, phát hiện những cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, bố trí vào những vị trí lãnh đạo các cấp, các ngành để họ phát huy được năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, sở trường, khả năng lãnh đạo, quản lý, qua đó làm tấm gương để cán bộ người dân tộc thiểu số khác học tập, rèn luyện, phấn đấu.

“Cán bộ người dân tộc thiểu số là người sinh ra và lớn lên ở địa phương, nên họ gần gũi với nhân dân địa phương, dễ dàng nắm bắt tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương; thuận lợi trong gây dựng mối đoàn kết nhân dân, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… Có thể nói, cán bộ người dân tộc thiểu số là “sợi dây liên hệ” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân các dân tộc ở địa phương”, đồng chí Phạm Toàn Thắng cho biết thêm.

Chọn đúng người, đặt đúng vị trí

Trên thực tế, việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư có những địa phương sớm hoàn thành theo đúng lộ trình, nhưng vẫn còn nhiều địa phương đang loay hoay thực hiện và còn chưa đạt kết quả theo tiến độ đề ra.

Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa cho rằng, nếu như sáp nhập địa giới hành chính chỉ là sáp nhập cơ học, thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế lại cực kỳ gian nan khi số cán bộ dôi dư không trong tổng biên chế được giao, vì vậy nhiều địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn để tính toán chế độ lương, phụ cấp... Quá trình giải quyết cán bộ dôi dư sau sáp nhập cũng là một đợt sàng lọc, lựa chọn cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ sở.

Nhìn lại công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại các xã trên địa bàn giai đoạn vừa qua, đồng chí Phan Đăng Toàn luôn nhắc đến một trường hợp khá đặc biệt. Đó là đồng chí cán bộ trẻ Thào A Tung, dân tộc H’Mông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tả Phìn.

Đồng chí Phan Đăng Toàn nói, việc chuyển một cán bộ khối đảng sang làm công chức nhà nước rất khó khăn cho họ về chuyên môn. Đặc biệt, công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ đoàn thể, bởi họ là thủ lĩnh trong các phong trào, được hội viên, đoàn viên bầu tại địa phương nhưng nay lại điều chuyển sang xã khác. Người như đồng chí Tung thật sự không nhiều…

Không chỉ vậy, “làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, nhưng còn phải giữ chân được cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số quả thật không dễ ”, là băn khoăn của đồng chí Thào Thị Mỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) ngay đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Trăn trở ấy của nữ cán bộ người H’Mông này rất thực tế, bởi chính chị là người trong cuộc. Xuất thân từ một cán bộ cơ sở Đoàn, chị được một số cán bộ thế hệ cha chú mấy nhiệm kỳ trước tiến cử, tạo điều kiện bồi dưỡng, thử thách, giao nhiệm vụ. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, quá trình ấy đã cho vùng núi Bảo Thắng này nhiều trái ngọt.

Tương tự, đồng chí Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), cũng là cán bộ trẻ người dân tộc Cao Lan, tuy mới nhận nhiệm vụ được ít tháng nhưng đã bắt tay ngay vào việc. Một trong những việc mà đồng chí quan tâm chính là xây dựng đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Đó là: “Trong công cuộc đổi mới, có nhiều yêu cầu đặt ra đối với công tác cán bộ nói chung như: Phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng quy trình, quy định, đúng người, đúng việc, đúng thời điểm; phải có tầm nhìn, có chiến lược; phải đồng bộ, có chiều sâu; phải công tâm, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; phải quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu; phải kịp thời, nhưng cũng phải hết sức thận trọng”.

Chịu trách nhiệm người đứng đầu, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, khi đề cập đến công tác cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số cũng phân tích thấu đáo.

Đồng chí thẳng thắn chỉ rõ, “không riêng gì Lào Cai, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại một số thời điểm, một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục; mặt bằng chất lượng chung của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số còn chưa cao; nguồn cán bộ dân tộc thiểu số để quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp còn gặp nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng. Do đó, cần phải có sự quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện, có đề án, kế hoạch cụ thể để xây dựng, tạo nguồn, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số… Quan trọng là cần phải chọn đúng người, đặt đúng vị trí sở trường mới phát huy được hết tố chất của người cán bộ dân tộc thiểu số”.

Để không phải vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ: Trong mô hình thể chế của nước ta, đại diện theo cơ cấu là một nguyên tắc quan trọng của việc thiết kế hệ thống. Tuy nhiên, việc tuân thủ nguyên tắc cơ cấu thường sẽ gặp nhiều khó khăn và cũng chưa chắc đã hợp lý. Do đó, việc cơ cấu sẽ được chia ra thành cơ cấu cứng và cơ cấu mềm. Cơ cấu cứng là cơ cấu bắt buộc phải có, cơ cấu mềm là cơ cấu có thể được thay đổi theo tình hình thực tế hay nhiệm kỳ. Mặt khác, giữa cơ cấu và chất lượng có thể xung đột với nhau. Lựa chọn được ứng cử viên phù hợp cơ cấu thì chưa chắc đã phù hợp đòi hỏi về chất lượng, và ngược lại. Nếu một ứng cử viên phải gánh quá nhiều cơ cấu, thì việc bảo đảm chất lượng của ứng cử viên là khó khăn. Và nếu tìm được một người, thì cơ hội để lựa chọn xem người đó có đáp ứng các yêu cầu về chất lượng hay không quả là gần như không còn. Thế nên, trong trường hợp này, tiêu chí cơ cấu mềm cần được áp dụng. Nghĩa là, khi không thể lựa chọn được một ứng cử viên đáp ứng tất cả các tiêu chí, thì cần xác định các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên. Những ứng cử viên có chất lượng và đáp ứng được nhiều tiêu chí nhất theo thứ tự ưu tiên thì cần được lựa chọn.