Những người làm nghề chỉ cầu thất nghiệp

Tiết rằm tháng bảy xá tội vong nhân, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trời xứ bắc mưa gió mịt mù suốt ngày đêm nhưng một nhóm bốn, năm người nọ vẫn lăn xả đội mưa quần thảo dọc khúc sông Đào tỉnh Nam Định ngầu nước, tìm kiếm... Bốn mạng người đang nằm đâu dưới dòng nước dữ kia? Đêm chuyển dần về sáng. Sấm sét liên hồi, có người kịp chạy vào ngôi đền ven sông trú mưa, người không kịp đành ngồi trên ca-nô ướt rượt... Họ là những thành viên của Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy 116, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí tìm kiếm nạn nhân đuối nước Thái Bình và các tỉnh lân cận.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy 116 trong một lần làm nhiệm vụ. Ảnh trong bài: Đội 116 cung cấp
Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy 116 trong một lần làm nhiệm vụ. Ảnh trong bài: Đội 116 cung cấp

Món nợ ân tình...

Điện thoại luôn để chế độ nhận cuộc gọi không kể ngày đêm, không kể giờ giấc, anh em trong đội bên cạnh công việc mưu sinh, luôn sẵn sàng lao vào cuộc tìm kiếm giúp đỡ các gia đình gặp nạn. "Khi người dân gặp hoạn nạn gọi đến mình, sao đành khoanh tay nhìn...", anh Nhâm Quang Văn, người sáng lập, đội trưởng Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy 116 vất vả bơ phờ vì mấy ngày liền quăng quật sông nước chưa được nghỉ ngơi, giọng khản đặc vì cảm cúm dai dẳng, nói về công việc của đội mình.

Ở độ tuổi bốn mươi, Nhâm Quang Văn có cái sôi nổi nhiệt tình, ăn sóng nói gió của đàn ông sông nước pha lẫn sự trầm tĩnh vừa đủ khiến người đối diện luôn cảm thấy ấm áp tin cậy. Công tác thiện nguyện như một phần cuộc sống không thể thiếu của anh.

Năm 30 tuổi, anh có duyên tham gia một số hoạt động vì cộng đồng. Tận mắt nhìn thấy sự nghèo đói, khốn khó bên ngoài cuộc đời, Văn thầm dặn lòng, sẽ làm gì đó có ý nghĩa cho người nghèo. Cuộc sống nhiều nỗi khôn lường, trong một lần đi lắp đặt đường ống trên biển, gặp sóng to, xà lan bị đắm, anh cùng đồng nghiệp suýt mất mạng.

May mắn nhờ sự cứu vớt của ngư dân, anh và đồng đội lành lặn trở về. Trải nghiệm đó khiến Văn thấu hiểu hơn về sự sống, chết; cảm thương hơn trước những hoạn nạn khó khăn. Với Văn, đó là nợ ân tình với cuộc đời.

Trận lũ lịch sử ở miền trung năm 2020, những tin tức về lũ lụt tàn phá miền trung dữ dội, khiến anh không thể khoanh tay nhìn. Văn cùng bạn bè kêu gọi bà con quyên góp hỗ trợ Vì miền trung ruột thịt. 60 chuyến xe miễn phí chở 100 chiếc xuồng, gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm, suốt gần một tháng trời, nhóm Văn lăn lộn trong vùng rốn lũ cứu trợ nhu yếu phẩm cho bà con, tìm kiếm người mất tích...

Trở về sau đận đó, như sự thôi thúc tự thân, với hai chiếc xuồng có sẵn , bỏ tiền mua thêm một chiếc ca-nô, Văn đứng ra thành lập đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy với ý định ban đầu hoạt động phạm vi tỉnh Thái Bình quê hương anh và các vùng lân cận.

Những người làm nghề chỉ cầu thất nghiệp ảnh 1
Anh Nhâm Quang Văn.

Cầu chúc cho đội... thất nghiệp dài dài

Để nhiều người biết đến cũng như hoạt động hiệu quả, Nhâm Quang Văn không ngại cài số điện thoại ở chế độ công khai trên trang cá nhân, trang web của đội, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Là phụ nữ nhưng chị Nguyễn Thị Tình (43 tuổi) chẳng thua kém bất cứ thành viên nào về độ xốc vác, sẵn sàng ra khỏi nhà khi có việc. "Trước nỗi đau thương của gia đình nạn nhân, anh chị em chúng tôi đều hiểu rằng, mọi lời nói lúc đó là vô nghĩa, chỉ ngầm hiểu và động viên nhau nỗ lực tìm kiếm được nạn nhân.

Đó là lời an ủi thiết thực, ấm áp nhất đến họ...", chị Tình bộc bạch. Cũng chính vì lẽ đó, chị Tình thường không nề hà các khâu hậu trục vớt như tắm rửa, trang điểm khâm liệm... giúp các gia đình nạn nhân.

"Từ khi có chị tham gia thì anh em trong đội không còn phải nhịn đói thông trưa nữa. Ngoài ra, chị Tình thường giúp gia đình nạn nhân các công việc sau trục vớt...", anh Nhâm Quang Văn tự hào khi nhắc đến người phụ nữ đã tham gia đội từ những ngày đầu tiên. Mới đây, đội mới có thêm một thành viên nữ nữa.

Sau vụ tìm kiếm bốn nạn nhân đuối nước trên sông Đào ngày rằm tháng bảy vừa rồi, nhiều người biết đến đội 116 và xin tình nguyện tham gia. Từ tám người, nay quân số của đội đã tăng lên 12 thành viên chính thức. Họ đều là những người lao động tự do cho nên chủ động tương đối về thời gian, khi cần có thể thay nhau sắp xếp bố trí công việc cá nhân để tham gia.

Mỗi người một tính, một thế mạnh, mỗi người một cơ duyên với công việc này: anh Đặng Hồng Quang từng trải và nhiều kinh nghiệm sông nước, từng mất người thân vì đuối nước 35 năm trước, anh Phạm Ngọc Dương tuy là em út của đội tìm kiếm nhưng được các thành viên tín nhiệm bởi có sự nhạy cảm khác thường, yếu tố cần thiết cho công việc vốn nhiều đặc thù này.

Những người làm nghề chỉ cầu thất nghiệp ảnh 2
Một vụ trục vớt tử thi được phát hiện trên một khúc sông ở Vũ Thư, Thái Bình.

Được sinh ra trên đời đã là niềm hạnh phúc...

Anh Vũ Văn Giang (38 tuổi) thành viên tham gia đội tìm kiếm từ những ngày đầu, chia sẻ: "Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như chính quyền các địa phương, trường học đều tuyên truyền vận động mạnh mẽ phòng, chống đuối nước nhưng nhiều vụ việc đau lòng vẫn liên tục xảy ra rải rác khắp nơi.

Cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa và có chế tài xử phạt mạnh với những ai vi phạm. Chính quyền địa phương cần cắm biển cảnh báo nhiều hơn ở những khúc sông nguy hiểm, gần khu dân cư, đông người qua lại...".

"Hiện tại vẫn đang là thời gian vất vả của anh em tôi. Liên tục các vụ đuối nước, thậm chí có vụ ba, bốn mạng người, rải rác các tỉnh thành. Vụ việc nào khi đã xảy ra rồi thì cũng đau lòng và đáng tiếc như nhau. Chỉ mong toàn dân, toàn cộng đồng luôn đề cao cảnh giác, cẩn trọng hết sức với sông nước." - anh nói thêm.

Gần đây, trên nhiều cây cầu, Đội tìm kiếm cứu nạn 116 cũng góp một tay cùng cộng đồng treo phao cứu hộ để đề phòng và ứng cứu kịp thời cho nạn nhân và người cứu nạn trong trường hợp cấp bách. Điều rất buồn và đáng suy nghĩ, thời gian gần đây, số lượng vụ việc thương tâm ở những người trẻ tuổi có xu hướng nhiều lên, rất cần các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền và nhiều giải pháp đồng bộ khác để thay đổi hiện trạng này.

"Có những đợt thời tiết không thuận lợi, anh em làm việc quá sức, sau vụ tìm kiếm về là ốm la liệt. Với vai trò đội trưởng, tôi thấy áy náy lắm chứ. Để tính chuyện hoạt động lâu dài, tới đây tôi dự định sẽ bàn bạc thảo luận với anh em điều chỉnh tính toán thêm về phương thức xin hỗ trợ của đội, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể để nhận lời trợ giúp" - nhìn nhận lại thực tế hoạt động, đội trưởng Nhâm Quang Văn bày tỏ.

Thực tế, chi phí cho một vụ tìm kiếm trục vớt đường thủy khá lớn. Giá thuê thợ lặn từ 20-30 triệu đồng cho 10 giờ tìm kiếm, chưa kể các khoản khác. Đó thực sự là gánh nặng tài chính đối với hầu hết các gia đình không may gặp nạn.

Chia sẻ kế hoạch trong tương lai, anh Văn cho biết sẽ thành lập thêm một tổ nữa để phối hợp công việc được tốt hơn: "Nhiều lúc, có vài vụ đuối nước xảy ra cách xa nhau, người nhà liên tục gọi giúp đỡ, chúng tôi không biết nhận lời ai và từ chối ai nên tôi nghĩ cần nâng cấp phương tiện và kêu gọi thêm thành viên.

Đội sẽ mua thêm ca-nô, camera tìm kiếm dưới nước để phục vụ công việc tìm kiếm được nhanh chóng hơn. Ngoài ra, tôi sẽ mở những lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu nhỏ để đề phòng đuối nước".