Những mô hình có sức lan tỏa rộng

Đã và đang xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tạo luồng sinh khí mới trong đời sống văn hóa tinh thần ở mọi vùng miền. Tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đấu tranh, bài trừ các yếu tố văn hóa độc hại, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn hóa kiểu mẫu của Khu dân cư Thăng Long, mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: XUÂN TRẦN
Nhà văn hóa kiểu mẫu của Khu dân cư Thăng Long, mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: XUÂN TRẦN

Từ “mô hình” thành “điểm đến”

Việc xây dựng, nhân rộng mô hình điểm thời gian qua đã góp phần quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa, những giá trị hồn cốt, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tại những địa chỉ này, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở được đặc biệt phát huy hiệu quả.

Sự lan tỏa từ các mô hình tiêu biểu còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực xã hội hóa. Nhiều mô hình đã trở thành điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo đánh giá từ Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày càng có nhiều mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Có thể kể đến mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại Xóm 7, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - một địa chỉ về đào tạo nhạc cụ truyền thống; các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường ở thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; mô hình khôi phục, bảo tồn trang phục dân tộc La Chí tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; việc xây dựng Đội chèo tại thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong trường học tại Cần Thơ; Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại tỉnh Bạc Liêu…

Các mô hình tiêu biểu về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có thể kể đến, như mô hình xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng nhà văn hóa kiểu mẫu tại khu dân cư ở thành phố Hà Nội; mô hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thường xuyên tại các xã An Lâm, Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; mô hình “Làng văn hóa tiêu biểu” ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An)…

Bên cạnh đó, việc triển khai số hóa trong thúc đẩy hoạt động văn hóa tại cơ sở, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã được một số địa phương tích cực triển khai, điển hình là thực hiện số hóa thông tin Nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại tỉnh An Giang.

Đây là những mô hình hạt nhân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở mọi vùng, miền trên cả nước. Những mô hình này không chỉ góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh mà còn tăng cường tình làng nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng, khuyến khích người dân có trách nhiệm với xã hội, phát huy ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Chủ động chung tay tạo nên sức sống mới

Điểm nổi bật của các mô hình điểm trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là sự chủ động của nhân dân, theo nhận định từ đại diện Cục Văn hóa cơ sở. Bà con không chỉ tham gia mà còn trực tiếp bàn bạc, thống nhất trong xây dựng các tiêu chí phù hợp với thực tiễn cơ sở, bảo đảm tính khả thi.

Điển hình như việc nhân rộng mô hình xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, các ngôi làng kiểu mẫu đến nay đã trở thành mô hình tạo nên sức sống mới, môi trường văn hóa đáng sống, nơi giá trị truyền thống được phát huy, yếu tố sáng tạo mới được chọn lọc, thẩm thấu phù hợp. Những kết quả đạt được đã tạo nền tảng vững chắc để địa phương này tiếp tục phát triển công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu”.

Trong trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết, trong năm 2025, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình điểm. Đây là một hướng đi quan trọng công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đáp ứng các yêu cầu, định hướng chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nhìn trên bình diện chung, việc thúc đẩy, lan tỏa và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở các địa phương gặp không ít thách thức trước những chuyển động xã hội mạnh mẽ. Chính vì vậy, địa phương cần căn cứ vào những đặc thù của từng khu vực, địa bàn để tìm cách phát huy vai trò của người làm công tác văn hóa cơ sở trong việc tham gia tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng lành mạnh. Đồng thời, tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa theo phương thức xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, mỗi địa phương cần có chính sách phù hợp hoàn cảnh thực tiễn để huy động tối đa sự tham gia của các ngành, các cấp, tập hợp và phát huy sức mạnh của mỗi người dân, từng gia đình và của cả cộng đồng dân cư.