Kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn: Quan tâm đến trải nghiệm cảm xúc của con người
Năm 2024, Tropical Space, do Trần Thị Ngụ Ngôn và kiến trúc sư Nguyễn Hải Long sáng lập, vận hành, được mời tham gia nhiều diễn đàn quốc tế chuyên ngành kiến trúc, từ Malaysia, Ấn Độ, rồi Thụy Điển và Mexico. Bên cạnh đó là các cuộc đón sinh viên, giảng viên đến từ Đại học Queensland (Australia), Đại học Uni Hồng Công (Trung Quốc) tới tìm hiểu về kiến trúc trong gắn kết các yếu tố địa phương, tự nhiên và con người cũng như khả năng sáng chế vật liệu thích ứng môi cảnh sống mới. Các công trình và tinh thần kiến trúc hướng đến sự bền vững, hài hòa giữa tự nhiên, nhân tạo và con người của Tropical Space được giới thiệu trên một số tạp chí quốc tế như Elle Decoration Italia, Architecture Lab…
Mới đây nhất, tháng 12/2024, Ngụ Ngôn là kiến trúc sư duy nhất của Việt Nam có trong danh sách 25 đề cử giải thưởng DIVIA (Diversity in Architecture/Sự đa dạng trong kiến trúc), giải thưởng dành cho các nữ kiến trúc sư trên toàn thế giới do Tổ chức DIVIA (tại Berlin, CHLB Đức) sáng lập.
Những chuyến đi, các cuộc gặp gỡ, trải nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp mới ở nhiều nơi trên thế giới giúp chị nhận rõ hơn nữa: Bên cạnh xu hướng kiến trúc thương mại trên toàn cầu, vẫn có nhiều nhà kiến trúc quan tâm đến các yếu tố bền vững, tính bản địa và trải nghiệm cảm xúc của con người.
Chính vì vậy, Tropical Space tiếp tục kiên trì hành trình đi sâu quan tâm đến sự thích nghi của con người trong trong thời đại công nghệ, các giải pháp tiết kiệm chi phí xây dựng và năng lượng sử dụng, khai thác điều kiện tự nhiên nhằm thúc đẩy việc giảm tác động của xây dựng kiến trúc đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thay vì nói về một “mơ mộng” của 2025, như giành giải thưởng DIVIA chẳng hạn (việc chọn người chiến thắng sẽ diễn ra vào tháng 3/2025), Ngụ Ngôn tiếp tục bày tỏ quan điểm về nghề với Nhân Dân cuối tuần: “Chúng tôi cùng với các anh em kiến trúc sư bạn bè luôn nỗ lực sáng tạo, làm tốt hơn cho sản phẩm của chính mình, bên cạnh việc xây dựng các mối quan hệ cộng đồng kiến trúc và thực hành nghề tốt hơn, để lan tỏa những thông điệp về mối quan hệ kiến trúc đối với con người, xã hội, môi trường tự nhiên”.
Nghệ sĩ Phạm Minh Hiếu: Góp phần đưa nghệ thuật đương đại lại gần hơn với công chúng
Nhân Dân cuối tuần số 31, năm 2022 đã từng đề cập thành công ban đầu của Phạm Minh Hiếu kể từ khi về nước với tấm bằng cử nhân danh giá (Honors Programs), chuyên ngành Thực hành nghệ thuật tại Đại học Stanford (Mỹ).
Để thực hành nghệ thuật đương đại với sự kết hợp của vật lý, công nghệ cao và các nghiên cứu đa ngành khác, Hiếu đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo đầy nhiệt huyết, dường như không giới hạn trong bất kỳ một khuôn mẫu loại hình nghệ thuật nào. Cho đến nay, riêng trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, Hiếu vẫn là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất ở Việt Nam, lựa chọn một hướng đi khó và đòi hỏi sự đầu tư tài chính khá lớn cho từng tác phẩm.
Điều đáng mừng là một số tác phẩm của anh tại Triển lãm cá nhân thứ hai (Galerie Quỳnh, Thành phố Hồ Chí Minh, 12/3-4/5/2024) đã được sưu tập. Các tác phẩm trong triển lãm này được tạo thành từ sự kết hợp rất nhiều yếu tố: vật thể (bản in khổ lớn 182x322cm, điêu khắc, các vật thể phụ trợ khác…), các video, âm thanh cùng thiết bị kỹ thuật kèm theo, được phát triển dần trong vòng 10 năm, trở thành một trình hiện nghệ thuật giàu ý niệm và thẩm mỹ.
Phạm Minh Hiếu, "Phòng thí nghiệm (Siêu) hình học thử nghiệm (Phòng 5)", Vietnam Pavilion tại Gwangju Biennale lần thứ 15, năm 2024. Ảnh: Studio Phạm Minh Hiếu |
Tiếp đó, Hiếu được tin tưởng lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia sự kiện gian trưng bày quốc gia/Gwangju Biennale Pavilion tại Liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ hai năm Gwangju lần thứ 15 (ngày 7/9-1/12/2024, Hàn Quốc). Anh cũng là một giám tuyển tích cực với nhiều chương trình nghệ thuật hướng đến cộng đồng tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, tháng 11/2024.
Cho dẫu trên bình diện chung, như anh nhận thấy, nghệ thuật đương đại "vẫn còn xa lạ với rất nhiều người Việt Nam" nhưng nhìn lại một năm bận rộn đặc biệt đang trôi qua, Phạm Minh Hiếu có thêm lý do để hy vọng lĩnh vực này "sẽ ngày càng có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam”.
Diễn viên Doãn Quốc Đam và hành trình “Độc đạo”
Hiếm có bộ phim truyền hình nào của Đài Truyền hình Việt Nam mà ngay từ tập một, đã gây “cơn bão” trong lòng người hâm mộ như bộ phim 36 tập “Độc đạo” thuộc loạt phim Cảnh sát hình sự. Bên cạnh việc phim là một trong 10 đề cử Phim truyền hình ấn tượng, bốn diễn viên nam và một diễn viên nữ của phim đã có tên trong hai danh sách đề cử Diễn viên nam, nữ ấn tượng của Giải thưởng VTV Awards 2024. Trong đó, diễn viên Doãn Quốc Đam luôn ở vị trí Top 3 bình chọn của khán giả.
Diễn viên Doãn Quốc Đam trên hiện trường ghi hình tập cuối, bộ phim "Độc đạo". |
Đối với khán giả truyền hình, Doãn Quốc Đam là diễn viên quen mặt khi đảm nhận nhiều vai phụ trong các phim khung giờ vàng VTV, nhưng anh không khiến khán giả nhàm chán, thậm chí họ còn thấy thích thú bởi sự đa dạng mà anh mang lại.
Với nhân vật Hồng trong "Độc đạo", là lần đầu tiên Doãn Quốc Đam đảm nhận vai chính trong một serie phim truyền hình. Đây là vai diễn nặng ký, dẫn người xem đi qua vô vàn cung bậc cảm xúc, dằn vặt nội tâm của một người luôn phải đấu tranh với ám ảnh chồng lấp ám ảnh về những mất mát, hận thù và hàm ơn, và anh đã hoàn thành một cách ngoạn mục. Khả năng hóa thân cao độ vào nhân vật của Doãn Quốc Đam trong bộ phim này đặc biệt thu hút khán giả.
Nhân vật Hồng góp phần đưa “Độc đạo” lên vị trí dẫn đầu trong số các bộ phim truyền hình trong năm 2024 có lượng người xem cao nhất ở mọi nền tảng phát hành. Hàng chục nghìn lượt bình luận, nhận xét của khán giả về việc “ăn, ngủ” cùng bộ phim, mong chờ, lo lắng, thương xót cho nhân vật đã cho thấy khả năng thuyết phục của vai diễn. Nói cách khác, sự sáng tạo nghiêm túc của một đội ngũ những người tạo nên bộ phim, trong đó tâm điểm là diễn viên chính, đã cuốn hút và truyền cảm hứng sống tích cực đến đông đảo công chúng.