Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ bảy

Tín hiệu vui đang trở lại

Từ 512 tác phẩm gửi dự thi trong kỳ thứ sáu, năm 2022, đến 1.050 tác phẩm gửi dự thi trong kỳ Festival lần này cho thấy có một sự hấp dẫn nhất định của sự kiện. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm được chọn trưng bày tại vòng chung khảo của Festival chia sẻ đến công chúng thưởng lãm những dòng suy ngẫm nghiêm túc và sự tự tin của nhiều người trẻ với nghệ thuật hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ bảy diễn ra từ ngày 29/11/2024 đến 6/2/2025, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội. Ảnh: An Trung
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ bảy diễn ra từ ngày 29/11/2024 đến 6/2/2025, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội. Ảnh: An Trung

1 Một trong những điểm thú vị của Festival lần này là có nhiều tác phẩm khiến người xem không thể lướt ngang qua một cách thờ ơ. Nguyễn Thanh Tùng (Thành phố Hồ Chí Minh) dùng mặt sau của 135 chiếc đĩa CD, phản quang, làm nền cho một bức lắp ghép 135 mảnh cảnh sắc thành phố nơi anh đang cư trú, tạo nên tác phẩm đạt Giải khuyến khích tiêu đề “Thành phố trẻ”. Trên mặt sau của từng chiếc CD lấp lánh, tác giả dán lên một bức vẽ dạng tiểu họa, tất cả cùng kích thước. Ở đó, có các dáng hình công trình xây dựng cao tầng trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, các góc sinh hoạt đời thường được lược bỏ nhiều chi tiết, chỉ có mảng và nét gợi tả. Tất nhiên là không thể thiếu một số biểu tượng kiến trúc, như là chỉ dấu cho người xem về nơi chốn đề cập của tác phẩm: Nhà thờ Lớn, các tòa phức hợp Bitexco, Landmark… Cách thực hành này khá linh hoạt, có thể cho phép thêm bớt số lượng đơn vị-mảnh ghép tác phẩm để tạo nên những chiều kích không gian mới, thậm chí là một tác phẩm khác. Một tương đồng thú vị về cách xây dựng một tác phẩm từ nhiều mảnh ghép là “Mẹ, chị, cô, dì, bà” của Nguyễn Việt Trinh (Thành phố Hồ Chí Minh), “Tinh cầu” (in độc bản) của Trịnh Ngọc Lê (Hà Nội), “Hiện thực song song” của Vũ Tuấn Việt (Hà Nội, Giải ba)…

Một số tác giả tiếp tục tìm kiếm sự biểu đạt mới bằng cách phối trộn hội họa giá vẽ/tinh thần của hội họa giá vẽ với một số vật liệu khác. Bức tranh đạt Giải ba “Cơn bão trong đêm” (69x180cm) của Cấn Văn Ân được xây dựng trên nền là một cánh cửa ra vào bằng nhựa; cánh cửa đồng thời là một phần nội dung bức tranh. Trên đó, anh vẽ và gắn thêm các chất liệu khác, như khung sắt, dây điện… Áp dụng phương pháp đồng hiện trong hội họa và chuyển dụng công năng của chất liệu, họa sĩ chia bề mặt tấm cửa thành ba không gian khác nhau, mỗi không gian là một phần của câu chuyện cứu người trong cơn hỏa hoạn, gây ra một sự chú ý tức thời về mặt thị giác.

2 Sự chiếm ưu thế của hội họa trong Festival kỳ này còn thể hiện qua việc có một số tác giả đã dụng công với những bức tranh khổ lớn, đặt vào đó nhiều cảm tình cho các nhân vật của mình. Có thể kể đến “Ngư dân cùng những người bạn” của Phan Như Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh), bức tranh sơn dầu mang phong cách hiện thực, kích thước 105x500cm. Tác giả dùng bốn tấm toan lớn có cùng chiều cao 105cm để tạo nên bức tranh trải dài cả một mảng tường lớn, trên đó, một không gian ăm ắp người trong một tình cảm thể hiện trìu mến của tác giả giữa buổi thuyền về cảng cá.

Bức tranh lụa “Sợi chỉ”, kích thước 50x160cm của tác giả Vũ Trần Anh Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) lại là câu chuyện đầy tâm trạng của một nhân vật đơn độc, trong nhiều khoảnh khắc khác nhau, luôn một mình với chiếc khung thêu tay và sợi chỉ như là phép ẩn dụ.

Bên cạnh những nội dung phổ biến là sự bộc lộ nội tâm cá nhân, những riêng tư chủ quan, nhiều tác giả trẻ tại Festival này đã bày tỏ một thái độ quan sát và suy ngẫm khá sâu sắc về hiện tình đời sống xã hội. Khả năng làm chủ chất liệu, kỹ thuật vững vàng đã góp phần quan trọng giúp cho tác giả truyền tải được những rung động trước câu chuyện của người, của đời tới người xem, bày tỏ cảm quan cá nhân sâu sắc về cuộc sống. Có thể kể đến hai tác phẩm đạt giải Nhất “Mẹ tôi” (sơn dầu, 140x120cm) của tác giả Vàng Hải Hưng (Hà Nội) và “Sau cơn mưa” (khắc gỗ, ghép ba tấm, 65x215cm) của tác giả Bùi Thị Yến Vy (Thành phố Hồ Chí Minh).

3 Điều đáng tiếc, nếu có thể nói về phiên thứ bảy của Festival Mỹ thuật trẻ là sự thiếu vắng của đa dạng các loại hình nghệ thuật thị giác đương đại. Festival Mỹ thuật trẻ được ra đời năm 2007 có một mục tiêu là khuyến khích tinh thần thể nghiệm mạnh mẽ với nghệ thuật đương đại tại thời điểm mà các loại hình như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art… còn chưa chính thức được công nhận ở nước ta. Tới phiên thứ hai, năm 2011, công chúng đã có dịp chứng kiến một sự sôi động, nhiều ngạc nhiên và bất ngờ trước tư duy sáng tạo, cả sự táo bạo của các nghệ sĩ trẻ trong thực hành nghệ thuật, đầy nhiệt huyết. Một số tác phẩm nghệ thuật trình diễn đã giành giải cao. Đến cuối năm 2013, Nghị định về Hoạt động mỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức công nhận các loại hình nghệ thuật này; đây là minh chứng cho thấy tinh thần đi trước, dẫn hướng những thay đổi trong đời sống thẩm mỹ xã hội của người trẻ là rất quan trọng.

Vậy nhưng, kể từ năm 2014 đến nay, Festival vẫn ghi nhận nhiều dấu ấn sáng tạo của người trẻ song số lượng các tác phẩm nghệ thuật đương đại được lựa chọn vào vòng chung khảo càng ngày càng thưa vắng. Mọi sự trở nên an toàn hơn với hai loại hình chính hội họa, đồ họa tạo hình, bên cạnh số ít tác phẩm điêu khắc.

Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần đầu được tổ chức tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 2007, dưới sự bảo trợ của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ năm 2011, Festival này do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trực tiếp tổ chức, định kỳ ba năm, và từ sau năm 2020, định kỳ hai năm, dành cho các tác giả từ 18-35 tuổi trên khắp cả nước cũng như người Việt Nam cùng độ tuổi, sống ở nước ngoài.