Những dấu chân và con đường phía trước

Từ xác định mục tiêu cho chặng đường phát triển sắp tới của đời sống văn hóa đất nước, hoàn thiện chính sách cho một lĩnh vực cụ thể, hay sự khởi động của chương trình xây dựng lĩnh vực mũi nhọn của một địa phương, sự thành công bất ngờ của một số thương hiệu nghệ thuật…, tất cả những tất bật, rộn rã đó khiến cho quãng thời gian đang dần khép lại của năm 2024 có ý nghĩa như “bản lề” của một cánh cửa đang xoay, để mở ra chặng đường phát triển mới.
0:00 / 0:00
0:00
Tứ tấu Bond đã có màn trình diễn đầy cảm xúc trong chương trình Bond live in Vietnam. Ảnh:THÀNH ĐẠT
Tứ tấu Bond đã có màn trình diễn đầy cảm xúc trong chương trình Bond live in Vietnam. Ảnh:THÀNH ĐẠT

Văn hóa, với những chuyển động ấy, thật sự đã tạo nên những dấu chân có sức nặng và đầy hứa hẹn.

“Bước chạy đà” rộn rã

Có lẽ chưa bao giờ, cụm từ “công nghiệp văn hoá” lại được nhắc đến trên nhiều diễn đàn, trong nhiều sự kiện và những chuyển động chính sách với đầy đủ ý nghĩa và tác động thực tế đến như vậy.

Nhiều địa phương đã rốt ráo xác định lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn để tập trung đầu tư, thay vì những định hướng chung chung, dàn trải như thời gian trước. Điều đó cho thấy sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thế mạnh và khả năng thích ứng, phát triển của tiềm năng văn hóa riêng có khi đặt vào điều kiện, tiêu chuẩn, đòi hỏi chung của ngành công nghiệp được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng vẫn đang ở những bước khởi đầu này ở Việt Nam.

Quyết liệt, và cho thấy nhiều thành quả mới ấn tượng nhất có lẽ là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng) và Huế (Thừa Thiên Huế). Đây là những địa phương vốn đã có sự chú trọng đối với các ngành công nghiệp văn hóa từ nhiều năm trước. Riêng trong năm 2024, với sự lựa chọn trọng tâm phát triển không còn dàn trải như trước, nhiều sự kiện và những dấu ấn thay đổi về chất của công nghiệp văn hóa đã được ghi nhận rõ nét ở các địa phương này. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có trên 17 nghìn doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố. Đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP thành phố năm 2024 đạt hơn 5%.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế tên tuổi, tạo lực đẩy cho thị trường giải trí trong nước phát triển cả về bề rộng và tính chuyên nghiệp. Các nhóm nhạc đình đám như Bond - với đêm nhạc Bond live in Vietnam để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả Hà Nội, rồi Westlife, Michael Learns To Rock, Imagine Dragons… đã mang tới những làn gió thổi bùng niềm đam mê, nhu cầu thưởng thức các show diễn chất lượng cao trong công chúng Việt, nhất là người trẻ. Chính từ những tác động mang tính chất quốc tế đó, trên nền thị hiếu chịu ảnh hưởng khá mạnh của làn sóng văn hóa Hàn Quốc từ lâu nay của một bộ phận khá đông người trẻ Việt, là những yếu tố cộng hưởng để dẫn tới thành công ngoài sức tưởng tượng của hai chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “Say Hi”. Hai dấu ấn showbiz đặc biệt này đang trở thành tiền đề có ý nghĩa đòn bẩy để những người làm công nghiệp văn hóa “mơ lớn” về sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam trong những năm kế tiếp.

Dẫu rất hào hứng với những cơ hội chứng tỏ được giá trị của văn hóa có thể tạo nên những con số cụ thể về doanh thu, điều may mắn là, nhận thức về văn hóa đã được nâng cao trên bình diện rộng. Người trẻ Việt rất hào hứng, hết mình “đu idol” không kém cạnh gì các fan của các quốc gia khác, nhưng không mù quáng, và có sự phân định rõ ràng giữa sự hâm mộ tài năng với văn hóa ứng xử của thần tượng. Điều đó góp phần định hình, điều chỉnh lại ngay chính các nghệ sĩ, người nổi tiếng, để có thể duy trì được vị thế trong lòng công chúng.

Sự lan tỏa các tấm gương sống đẹp, việc làm tốt cho cộng đồng hay những xu hướng trải nghiệm sống tích cực đã trở thành dòng chảy chính trên các mạng xã hội, góp phần tạo nên đời sống tinh thần trẻ trung, năng động và giàu giá trị nhân văn. Xin được nhắc lại một chỉ tiêu đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao Thành phố Hồ Chí Minh: “mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất một môn thể dục thể thao, một loại hình nghệ thuật; được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc sở, được miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở tổ chức”. Đó không chỉ là những con số đơn thuần, mà còn cho thấy một cách nghĩ thật sự hướng đến nâng cao sự thụ hưởng văn hóa của mỗi người dân - một cách làm hay nên được nhân rộng.

Giấc mơ trong tầm tay?

“Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ thể chế theo hướng huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển. Đồng thời giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, chấm dứt tình trạng xin-cho, bỏ tư duy không quản được thì cấm”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025.

Những dấu chân và con đường phía trước ảnh 1
“Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” của tỉnh An Giang được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ “Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển. Ngành văn hóa cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư mà dư địa còn rất lớn…”.

Không có thành công nào tự đến. Để tạo nên kỳ tích cần phải có tham vọng và lộ trình. Những chuyển động được ghi nhận trong năm 2024 cho thấy chỉ dấu phát triển đúng hướng và sự lạc quan về tương lai gần của nền công nghiệp văn hóa thật sự, chuyên nghiệp. Và những chỉ đạo rõ nét, cụ thể của người đứng đầu Chính phủ đã xác định rõ việc cần làm, để có thể biến tham vọng thành kỳ tích.

Có thể nói, văn hóa đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế thật sự là động lực cho phát triển, đối với cả đất nước, đối với mỗi con người!